-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Kwong Yee Leong: Tại sao tôi sưu tập nghệ thuật?
Người sáng lập không gian triển lãm thử nghiệm Blank Canvas tại Malaysia thể hiện cách tiếp cận sáng tạo đối với hoạt động từ thiện
Tôi sinh ra và lớn lên ở Malaysia. Sau khi học triết học ở Singapore, tôi đã làm việc tại Hồng Kông, rồi chuyển đến Thượng Hải trước khi quay lại Hồng Kông. Hiện tại, tôi là một Chuyên gia tư vấn quản lý, và công việc của tôi đã đưa tôi đến nhiều nơi. Nhiều khách hàng của tôi là các công ty xa xỉ của Pháp, vì vậy tôi thường xuyên ở Paris.
Tôi bắt đầu sưu tầm nghệ thuật vào năm 1999, khi tôi mới chuyển đến Hồng Kông. Thời điểm đó, Art Basel chưa ra đời, M+ và các tổ chức tương tự chưa được thành lập, và không có phòng trưng bày quốc tế nào mở cửa. Cách duy nhất để xem nghệ thuật đương đại quốc tế là tham gia các cuộc đấu giá. Tôi đã gặp đối tác của mình vào thời điểm đó, người cùng tôi chia sẻ niềm đam mê với nghệ thuật. Bộ sưu tập của chúng tôi bắt đầu từ tình yêu và sự gắn bó với Hồng Kông, nơi ngày càng có nhiều tác phẩm nghệ thuật được trưng bày, từ các tác phẩm Trung Quốc đến các tác phẩm quốc tế. Điều này đã giúp nghệ thuật đương đại có vai trò mới trong khu vực. Ngày nay, tôi cảm thấy bộ sưu tập của chúng tôi đặc biệt đại diện cho Hồng Kông và sự phát triển của nghệ thuật ở đây.
Tôi học về nghệ thuật thông qua việc quan sát, khám phá và trò chuyện. Điều trở nên quan trọng đối với tôi là những mối quan hệ bền chặt mà tôi đã bắt đầu xây dựng với một số chủ phòng tranh. Các chủ phòng tranh là một phần thiết yếu trong hệ sinh thái cùng với các nghệ sĩ và tác phẩm nghệ thuật. Chính toàn bộ hệ thống này làm cho tác phẩm trở nên có ý nghĩa. Rất thường xuyên, khi tôi yêu thích một tác phẩm, phòng tranh của nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng và tôi muốn tìm hiểu về chương trình, triết lý của họ, v.v., vì tôi tin rằng điều đó giúp bổ sung cho quá trình thực hành và công việc của nghệ sĩ.
Tôi bắt đầu bộ sưu tập của mình khi phát triển các cuộc trò chuyện – và thường là những tình bạn sâu sắc – với các chủ phòng tranh. Ví dụ, tôi đã gặp Leo Xu [Giám đốc cấp cao tại David Zwirner ở Hồng Kông] vào năm 2011 khi tôi chuyển đến Thượng Hải, nơi tôi đã ở lại trong 4 năm rưỡi. Khi đó, anh ấy đang điều hành một không gian nghệ thuật có tên là Leo Xu Projects. Vào thời điểm đó, khi các nghệ sĩ Trung Quốc đang thu hút sự chú ý, anh ấy đã giới thiệu nhiều nghệ sĩ quốc tế như Danh Vo, Wolfgang Tillmans và Nina Canell đến Trung Quốc. Anh ấy trở thành một nhân vật quan trọng đối với tôi – vừa là người cố vấn, cố vấn nghệ thuật, vừa là một người bạn – và thông qua anh ấy, tôi bắt đầu sưu tầm các tác phẩm của các nghệ sĩ như Guo Hongwei, Chen Wei, He An và Sun Xun. Anh ấy cũng giới thiệu tôi với nhiều giám tuyển, chủ phòng tranh và nhà sưu tập khác. Cách Leo tương tác với nghệ thuật, nghệ sĩ và thế giới nghệ thuật đã thúc đẩy tôi suy nghĩ về quá trình sưu tầm của mình, và tôi bắt đầu coi các tác phẩm nghệ thuật không còn chỉ là đồ vật mà là mối quan hệ. Nhờ ảnh hưởng của Leo Xu, bộ sưu tập của tôi đã chuyển từ tranh vẽ sang các tác phẩm ý niệm.
Sau đó, tôi gặp Jan Mot – vì tôi quan tâm đến Tino Sehgal – và khám phá một tâm hồn độc lập khác với quan điểm độc đáo về nghệ thuật mà tôi khao khát. Tôi yêu thích chương trình của Mot và đã sưu tầm nhiều nghệ sĩ của ông, những người mà tôi đã biết trực tiếp thông qua ông. Bộ sưu tập của tôi đã trở nên mang tính ý niệm hơn trong những năm gần đây. Nhiều phòng trưng bày khác đã trở nên quan trọng đối với tôi như Vitamin Creative Space ở Trung Quốc, Phòng trưng bày Blindspot ở Hồng Kông, Taro Nasu ở Nhật Bản, Experimenter ở Ấn Độ, Proyectos Ultravioleta ở Colombia, Barbara Wien ở Berlin, Chantal Crousel và Balice Hertling ở Paris, cùng nhiều người khác nữa. Tôi đã gặp Barbara Wien thông qua Haegue Yang, và cô ấy đã giới thiệu tôi đến với tác phẩm của Daniel Lie. Tôi khám phá tác phẩm của Jitish Kallat thông qua Chemould Prescott Road, và Ser Serpas thông qua Balice Hertling. Một mối quan hệ liên tục dẫn tôi đến mối quan hệ khác.
Trong đại dịch COVID-19, tôi nhận ra rằng mình cũng muốn dành thời gian ở Malaysia và đã quyết định định cư tại thủ phủ của Đảo Penang, George Town. Hiện tại, tôi chủ yếu chia thời gian của mình giữa Paris và George Town, nơi tôi đã khánh thành một không gian nghệ thuật đương đại độc lập có tên là Blank Canvas vào năm 2022.
Tôi thường xuyên đi du lịch và tham gia vào nhiều cuộc trò chuyện quốc tế. Trong khi đó, Malaysia vẫn tách biệt với phần còn lại của thế giới và chưa có nhiều hoạt động nghệ thuật diễn ra. Vì vậy, tôi đã quyết định tạo ra Blank Canvas để chia sẻ niềm đam mê nghệ thuật của mình với đất nước. Tôi không chỉ sưu tầm nghệ thuật cho riêng mình nữa; tôi cảm thấy mình có một mục đích và trách nhiệm lớn hơn.
Blank Canvas là một không gian thử nghiệm phi lợi nhuận, nhằm nâng cao nhận thức và sự trân trọng đối với nghệ thuật đương đại cả trong nước lẫn quốc tế. Không gian này khuyến khích các nghệ sĩ đương đại quốc tế khám phá và tham gia vào thành phố lịch sử đa văn hóa Penang và khu vực xung quanh. Chúng tôi có một không gian triển lãm và một chương trình lưu trú. Năm 2022, nghệ sĩ lưu trú đầu tiên của chúng tôi là Trevor Yeung, người sẽ đại diện cho Hồng Kông tại Venice Biennale năm 2024. Chúng tôi cũng đã tổ chức triển lãm của các nghệ sĩ như Heman Chong, Ryan Gander, Tino Sehgal, Shooshie Sulaiman, Danh Vo và Haegue Yang. Triển lãm tiếp theo của chúng tôi sẽ được giám tuyển bởi Christina Li, giám tuyển lưu trú của chúng tôi vào năm 2023. Đối với tôi, Blank Canvas là một phần mở rộng của công việc sưu tầm nghệ thuật của mình.
Biên dịch: Phương Anh
Nguồn: Art Basel