-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Hồn Mực Nhật Bản – Hành Trình Hội Họa Truyền Thống Qua Thời Gian ( Phần 1)
Vẻ đẹp thuần Nhật qua thời gian
Hội họa truyền thống Nhật Bản, với chiều sâu lịch sử và triết lý thẩm mỹ riêng biệt, đã chiếm vị trí vững chắc trong dòng chảy nghệ thuật thế giới. Từ những nét cọ đầu tiên mang đậm tinh thần dân tộc, đến sự giao thoa với Trung Hoa và phương Tây, mỗi phong cách lại mở ra một góc nhìn mới về tâm hồn Nhật Bản.
Yamato-e – Hồn Nhật trong sắc bốn mùa
Kano Koga – Nachi Waterfall (Nikko in Autumn)
Nguồn gốc và lịch sử
Yamato-e xuất hiện vào thời Heian (794–1185), giai đoạn Nhật Bản tạm thời cắt đứt liên hệ với Trung Quốc. Các họa sĩ khi ấy quay về tìm cảm hứng từ thiên nhiên, văn học và lịch sử bản địa – khởi đầu cho một dòng tranh đậm chất Nhật.
Chủ đề và đặc điểm
Chủ đề Yamato-e thường là phong cảnh bốn mùa, cảnh sinh hoạt cung đình, truyện dân gian. Tranh hay xuất hiện trong tranh cuộn (emaki) – kể chuyện bằng hình ảnh liên tục. Đường nét mềm mại, đồi núi uốn lượn, màu sắc thanh nhã là đặc trưng tiêu biểu.
Kỹ thuật nổi bật
Nghệ sĩ sử dụng kỹ thuật fukinuki yatai – bỏ mái nhà để tạo góc nhìn từ trên xuống, giúp người xem như bước vào không gian nội thất. Hình người và khung cảnh được cách điệu, màu sắc đậm nét và trang trí cầu kỳ.
Kanō – Quyền lực hội tụ trong nghệ thuật cung đình
Kano Masanobu, Tranh cuộn Nhật Bản trên lụa.
Khởi đầu từ Thiền và Trung Hoa
Kanō Masanobu – người sáng lập dòng Kanō – phát triển phong cách từ tranh mực Thiền tông Trung Quốc. Qua nhiều thế hệ như Kanō Motonobu và Kanō Eitoku, trường phái này dần vươn lên trở thành phong cách chính thống thời Edo.
Chủ đề và định dạng
Ban đầu là cảnh núi non, thiền sư Trung Hoa; sau phát triển thành tranh bình phong (byōbu), cửa trượt (fusuma), trang trí các dinh thự. Tranh thể hiện uy quyền, sức mạnh với hình tượng sư tử, rồng, hổ, chim muông hoặc nhân vật lịch sử.
Kỹ thuật và chất liệu
Dòng Kanō dùng mực là chủ đạo, sau bổ sung màu sắc, lá vàng, bố cục hoành tráng. Nét bút rõ ràng, đường viền mạnh mẽ thể hiện khí phách. Tranh dùng trong kiến trúc, được vẽ trực tiếp lên vách gỗ, vải lụa hoặc giấy.
Tranh Thiền – Nét vẽ là thiền định
Kimura Buzan – Kakejiku miêu tả một kasasagi (chim ác là).
Ảnh hưởng từ tranh mực Trung Hoa (suiboku-ga) rất rõ trong tranh Thiền Nhật Bản. Tranh đề cao tính đơn sơ, tối giản, gợi hơn là tả. Cọ khô, mực loãng, nét rời rạc nhưng đầy khí lực – phản ánh tinh thần "vô ngôn" trong Thiền.
So sánh phong cách Nhật – Trung: Yamato-e và Kanō
Nếu Yamato-e thể hiện vẻ đẹp bản địa không ảnh hưởng Trung Hoa, thì Kanō là biểu hiện của giao thoa và hấp thụ. Yamato-e là gió nhẹ thoảng qua đồng cỏ, Kanō là hổ gầm giữa núi sâu. Cả hai cùng tạo nên nền móng thị giác cho nghệ thuật Nhật.
Nguồn: In Good Taste
Biên dịch: Trang Lê