-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Hoạ sĩ Albrecht Dürer và tranh khắc gỗ
Tranh khắc gỗ được tạo ra từ một trong những kỹ thuật in sớm nhất và trở nên phổ biến ở châu Âu vào khoảng năm 1400. Tranh khắc gỗ được sản xuất bằng cách khắc một hình ảnh vào một khối gỗ, thường là một loại gỗ cứng, được cắt song song với thớ của nó và chỉ để lại các đường nét và hình dạng của thiết kế đã vẽ từ trước. Tất cả các khu vực khác của gỗ được cắt cẩn thận bằng các dao tạo hình sắc bén, chuyên dụng. Hoạ sĩ Dürer, người đã phát triển kĩ thuật tranh khắc gỗ, thường sử dụng một loại mực nhớt đen, bóng trộn với dầu để bôi lên bề mặt nhô cao của khối gỗ. Ông áp dụng kĩ thuật chấm hoặc lăn bằng máy đánh bóng. Sau đó, bằng cách thủ công, hoạ sĩ sẽ đặt lên trên bề mặt có mực của khối gỗ một tờ giấy và cọ xát đủ lâu để chuyển hình ảnh lên trên tờ giấy đó.
Điều khó khăn nhất khi thực hiện kĩ thuật làm tranh khắc gỗ đó chính là việc khắc bản khắc gỗ thật tỉ mỉ, cẩn thận sao cho các đường nét không bị hỏng sau nhiều lần in. Các bản khắc gỗ ban đầu có đặc điểm là các đường nét thô, dày mà không có nhiều bóng hoặc kết cấu. Nhờ khả năng chạm khắc khéo léo, chính xác, Albrecht Dürer đã biến đổi nghệ thuật in tranh khắc gỗ thông qua việc sử dụng các đường nét thanh mảnh, duyên dáng, các chi tiết phức tạp và sự chuyển màu tinh tế.
Tranh khắc gỗ “Four Horsemen of the Apocalypse” của Albrecht Dürer
Thế nhưng theo như nghiên cứu của các nhà lịch sử nghệ thuật, những tác phẩm tranh khắc gỗ của Dürer không chỉ có một mình ông thực hiện. Có thể nói vai trò quan trọng của Dürer trong việc thiết kế tranh khắc gỗ là chắc chắn, nhưng sự tham gia của ông trong việc cắt các khối gỗ đã dấy lên khá nhiều tranh luận. Các hoạ sĩ Đức thời kỳ đó thường hay thiết kế bản khắc gỗ nhưng giao việc. chạm khắc thực tế cho một người thợ khắc gỗ chuyên nghiệp. Trong bức thư được dán vào mặt sau của khối gỗ Behaim, Dürer khẳng định quyền kiểm soát sáng tạo, gợi ý rằng đóng góp của ông chỉ là thiết kế. Giả thiết này càng được củng cố bởi các cuộc kiểm tra kỹ thuật đối với các bản khắc gỗ còn tồn tại khác dành cho các bản in của Dürer, chẳng hạn như các bản khắc cho “Niềm đam mê nhỏ” ở Bảo tàng Anh, được nhận định rằng được tạo ra bởi bốn thợ khắc gỗ chuyên nghiệp khác nhau.
Tuy nhiên, trong một bài viết của Dürer, ông đã ngụ ý rằng tự mình khắc các bản in: "Một người có thể vẽ trong một ngày, hoặc tự khắc một khối gỗ nhỏ vẫn còn tốt hơn so với một người cần mẫn làm việc cả năm trời." Tuyên bố này đã được các học giả sử dụng để cho rằng Dürer đôi khi vừa là người thiết kế vừa là người thực hiện các bản in khắc gỗ của mình. Nhưng nếu không có bất kỳ bằng chứng tài liệu nào, những cuộc tranh luận về bản khắc của Dürer sẽ không đi đến hồi kết.
Bản gốc tranh khắc gỗ “Quốc huy của Michael Behaim” của hoạ sĩ Albrecht Dürer (1471–1528)
Chỉ một số mộc bản của Dürer còn tồn tại. Việc kiểm tra kỹ bản khắc gỗ được sử dụng để tạo ra bản in “Quốc huy của Michael Behaim” cung cấp cái nhìn sâu sắc về quá trình chạm khắc. Các dấu vết khắc được tìm thấy trên bản khắc gỗ nói lên những cách đục, khoét và dao được sử dụng để đạt được những hiệu ứng cụ thể. Các đường nét ngắn lặp đi lặp lại với các công cụ như vậy tạo ra kết cấu đặc biệt ở một số vùng lõm của bản khắc gỗ. Ví dụ, các vết ở các vùng trống lớn ở trên cùng và dưới cùng của bản khắc thường được tạo bởi các mũi đục kích thước lớn hơn các rãnh phẳng. Trong khi các dấu dao xung quanh các đường nét của thiết kế cho thấy việc sử dụng các mũi đục nhỏ, sắc nét. Việc chạm khắc có tay nghề cao là đặc biệt cần thiết để nhận ra họa tiết hoa văn uốn lượn của chiếc khiên.
Các đường nét mỏng trên bản khắc gỗ dễ bị gãy theo thời gian do áp lực in ấn lặp đi lặp lại. Các vết đứt nhỏ có thể nhìn thấy ở mép dưới bên phải của bản khắc gỗ chuyển thành một đường ngắt quãng, nhạt hơn trong bản in.Việc kiểm tra song song bản khắc gỗ và bản in cho thấy sự phức tạp của chạm khắc liên quan đến việc chuyển thiết kế tinh vi của Dürer thành một bản in tuyệt vời.
Nguồn: https://www.themorgan.org/blog/d%C3%BCrer-and-woodcut
Ahndoar