-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Gặp gỡ 10 nhà sưu tập nghệ thuật trẻ đang khuấy động làng nghệ thuật của Hồng Kông (Phần 2)
Tạp chí Artsy đã trò chuyện với các nhà sưu tập thuộc thế hệ mới về sự tham gia của họ trong bối cảnh nghệ thuật Hồng Kông, không chỉ qua việc sưu tập mà còn qua những đóng góp của họ vào hệ sinh thái nghệ thuật của thành phố.
Claire Huang
Nhà nghiên cứu đầu tư tiền mã hóa; tác giả sách
Chân dung Claire Huang. Ảnh: Claire Huang.
Shuang Li, I’d Photocopy Everything That We Could Have Been, 2024. Ảnh: Claire Huang.
Với Claire Huang, sưu tập nghệ thuật là một hành trình mang tính cá nhân. “Tôi không chọn tác phẩm dựa trên chất liệu mà dựa vào cảm xúc chúng mang lại và những gì tôi học được về chính mình,” cô chia sẻ. Bộ sưu tập của cô bao gồm tác phẩm của Tsuguharu Foujita, Peng Wei, và mới nhất là Zhu Dan, trải dài qua nhiều hình thức như hội họa, điêu khắc, sắp đặt, và cả nghệ thuật mã hóa (crypto art) – sự kết hợp giữa nghệ thuật kỹ thuật số và công nghệ blockchain. “Mọi người thường có quan điểm rất rõ ràng về nghệ thuật mã hóa – hoặc yêu thích hoặc phản đối – nhưng với tôi, việc sưu tập nó là điều hết sức tự nhiên, vì bất kỳ loại hình nghệ thuật nào cũng có thể trở thành tấm gương phản chiếu bản thân,” cô nói.
Huang quan tâm đến nghệ thuật vượt ra ngoài các hình thức truyền thống, phản ánh nền tảng học vấn đa lĩnh vực của cô. Cô từng theo học cơ học lý thuyết, kiến trúc và mỹ thuật tại Thượng Hải và New York. Đã sinh sống tại Hồng Kông suốt tám năm, hiện cô làm việc toàn thời gian trong lĩnh vực nghiên cứu và đầu tư cho các startup Web3, tập trung vào NFT và nghệ thuật mã hóa.
Bên cạnh đó, Huang còn viết cho nhiều tạp chí nghệ thuật về các chủ đề như nữ quyền, nghệ thuật và công nghệ. Công việc này giúp cô nghiên cứu sâu hơn về một số nghệ sĩ hiện nằm trong bộ sưu tập của mình, như Shuang Li. “Là một nhà sưu tập, tôi không nghĩ rằng mình 'sở hữu' bất kỳ tác phẩm nào,” cô chia sẻ. “Thay vào đó, tôi coi mình như một nhân chứng cho hành trình mà nghệ sĩ đã tạo ra cho tác phẩm của họ.”
Brian Ip
Bác sĩ khoa thần kinh
Chân dung Brian Ip. Ảnh: Brian Ip.
Miriam Cahn, zeige!, 2. + 29.12.13 + 19.04.18, 2013/2018. Ảnh: Brian Ip.
Brian Ip vẫn nhớ khoảnh khắc lần đầu tiên nhìn thấy tranh của Miriam Cahn tại Art Basel Hong Kong năm 2019. “Tôi thực sự bị lay động bởi tác phẩm của cô ấy,” Ip chia sẻ với Artsy. “Chúng như đang trò chuyện trực tiếp với tôi một cách đầy táo bạo. Tôi tò mò muốn hiểu vì sao cô ấy vẽ theo cách đó, và điều đó đã dẫn tôi đến việc tìm hiểu về phong trào nữ quyền.”
Từ sự rung động ban đầu với tranh của Cahn, Ip bắt đầu xây dựng bộ sưu tập của riêng mình. “Khi bạn yêu thích tác phẩm của một nghệ sĩ, điều đó sẽ tự nhiên dẫn bạn đến việc say mê những nghệ sĩ khác có chung tư tưởng và triết lý,” anh nói. Kể từ đó, bộ sưu tập của anh dần mở rộng với tranh, điêu khắc và nhiếp ảnh của các nghệ sĩ như Leelee Chan, Sonia Gomes, Liao Wen và Ren Hang.
Một số tác phẩm trong bộ sưu tập của Ip hiện đang được trưng bày tại Kabinett – không gian nghệ thuật mà anh thành lập năm ngoái ở Wong Chuk Hang. Tại đây, anh tổ chức các triển lãm riêng tư cho các tác phẩm mà mình sưu tập. “Tôi muốn tạo ra một không gian nơi các tác phẩm có thể tương tác với nhau, để dòng chảy của cảm xúc và tư tưởng được diễn ra một cách tự do,” anh chia sẻ. “Cuối cùng, điều quan trọng nhất đối với tôi là làm sao để tôn vinh những tác phẩm này và mang đến cho chúng một không gian để tiếp tục kể những câu chuyện mới đầy ý nghĩa.”
Quintina Jiang
Nhà tư vấn đầu tư
Chân dung Quintina Jiang. Ảnh: Quintina Jiang.
Tác phẩm nghệ thuật đầu tiên trong bộ sưu tập của Quintina Jiang là một bức tranh của Han Meilin – nghệ sĩ Trung Quốc nổi tiếng với việc thiết kế linh vật Fuwa cho Thế vận hội Bắc Kinh 2008. “Đó là món quà sinh nhật bố tặng tôi khi tôi tròn 18 tuổi,” Jiang chia sẻ với Artsy. “Tôi rất trân quý nó, nhưng bức tranh hiện đang ở nhà của gia đình tôi tại An Huy. Mãi đến năm 2020, khi đã làm việc vài năm ở Hồng Kông, tôi mới thực sự bắt đầu xây dựng bộ sưu tập của riêng mình.”
Jiang khởi đầu sự nghiệp trong lĩnh vực truyền thông, sau đó chuyển sang marketing thời trang. Cô từng theo học triết học và luật tại Thượng Hải, marketing thời trang quốc tế tại Manchester, và truyền thông - văn hóa tại Hồng Kông.
Chang Ya Chin, White Rabbits Hatching: Siblings (Three), 2024. Ảnh: Quintina Jiang.
Từ năm 2022, cô làm việc với vai trò cố vấn cho các ngân hàng đầu tư tư nhân Trung Quốc tại Hồng Kông, đồng thời tích cực tham gia vào đời sống sáng tạo của thành phố với tư cách là Nhà Bảo Trợ Trẻ của bảo tàng M+. Bộ sưu tập của cô đang ngày càng phát triển, với những tác phẩm của Koak, Kelly Beeman, Lee Jin Woo, và nhiều nghệ sĩ khác. “Tôi chỉ sưu tập những bức tranh mà tôi cảm thấy gắn kết sâu sắc về mặt cảm xúc,” cô chia sẻ.
Một trong những tác phẩm yêu thích của Jiang là White Rabbits Hatching: Siblings (Three) (2024) của nghệ sĩ Hồng Kông Chang Ya Chin, được cô mua tại hội chợ nghệ thuật Asia Now ở Paris năm ngoái. Tác phẩm là một bức tranh sơn dầu mô tả những viên kẹo sữa Thượng Hải nổi tiếng đang nở ra từ ba quả trứng. “Tôi yêu thích cách nó được vẽ tỉ mỉ đến từng chi tiết nhưng vẫn hài hước và siêu thực,” cô nói. “Đồng thời, nó cũng gợi nhắc tôi về những ký ức tuổi thơ ngọt ngào nhất.”
(Xem phần 1, phần 3, và phần 4)
Nguồn: Meet 10 Young Hong Kong Art Collectors Making Waves
Biên dịch: Huyền Trịnh