VN | EN

Tin tức

Gặp gỡ 10 nhà sưu tập nghệ thuật trẻ đang khuấy động làng nghệ thuật của Hồng Kông (Phần 1)

Ngành công nghiệp nghệ thuật của Hồng Kông và thói quen của những người trong ngành đã có nhiều thay đổi kể từ sau đại dịch COVID-19. Với việc các hạn chế đi lại chỉ được dỡ bỏ hoàn toàn vào đầu năm 2023, người dân không thể du lịch nước ngoài và buộc phải dành nhiều thời gian hơn để kết nối với những gì đang diễn ra trong thành phố.  

Các phòng trưng bày và tổ chức nghệ thuật đã đánh giá lại vị thế của mình trong bối cảnh rộng lớn hơn của Hồng Kông như một trung tâm nghệ thuật quốc tế, đồng thời tập trung hơn vào thị trường nội địa. Đối với các nhà sưu tập, điều này đồng nghĩa với việc chú ý nhiều hơn đến các nghệ sĩ địa phương.  

Tương tự, thế hệ các nhà sưu tập mới cũng đang tích cực tham gia vào cuộc đối thoại nghệ thuật của thành phố khi nó tiếp tục phát triển. Nhiều người đang đặt câu hỏi và tái định nghĩa ý nghĩa của việc sưu tập nghệ thuật khi họ tham gia vào lĩnh vực này không chỉ với tư cách là nhà sưu tập mà còn với vai trò hỗ trợ và khuếch đại tiếng nói của các nghệ sĩ mà họ tin tưởng, góp phần định hình tương lai của nghệ thuật Hồng Kông.  

Artsy đã trò chuyện với 10 nhà sưu tập thuộc thế hệ mới về sự tham gia của họ trong bối cảnh nghệ thuật Hồng Kông, không chỉ qua việc sưu tập mà còn qua những đóng góp của họ vào hệ sinh thái nghệ thuật của thành phố.  

Jason Zhai  

Nhà nghiên cứu định lượng tại Citadel; nhà bảo trợ của M+ và Para Site  

Chân dung Jason Zhai. Ảnh: Jason Zhai.

 

Han Mengyun, Merit of the Periphery, 2024. Ảnh: Jason Zhai

Niềm yêu thích nghệ thuật của Jason Zhai bắt đầu từ âm nhạc. Lớn lên tại thị trấn Suifenhe, đông bắc Trung Quốc, anh bắt đầu chơi piano từ năm ba tuổi. “Khi chơi nhạc, bạn khám phá ra những điều mới về bản thân và có động lực để suy nghĩ,” nhà sưu tập trẻ chia sẻ. “Piano là thứ đầu tiên kết nối tôi với nghệ thuật.”  

Hiện tại, Zhai tích cực tham gia vào lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt tại Hồng Kông, nơi anh đã sinh sống từ năm 2015 và bắt đầu sưu tập nghệ thuật từ năm 2018.  

“Tôi bắt đầu bộ sưu tập của mình với các tác phẩm của những nữ nghệ sĩ châu Á,” anh nói. “Tôi muốn hỗ trợ họ trước tiên vì vào thời điểm đó, họ nhận được ít sự chú ý hơn so với các đồng nghiệp nam.” Bộ sưu tập của anh bao gồm tác phẩm nghệ thuật của Mandy El-Sayegh, Kumie Tsuda và Phan Thảo Nguyên, trải dài trên nhiều chất liệu như tranh vẽ, điêu khắctác phẩm sắp đặt. Về sau, bộ sưu tập của anh mở rộng sang những nghệ sĩ quốc tế như Angel Otero, Neo Matloga và Tracey Emin.  

Dù vậy, nghệ sĩ vẫn là trọng tâm trong bộ sưu tập của anh. Tại buổi gala của phòng tranh địa phương Para Site vào năm 2024, anh đã mua một tác phẩm của nghệ sĩ Han Mengyun, sinh ra ở Vũ Hán và lớn lên ở Thâm Quyến. “Cô ấy truyền cảm hứng cho tôi nhờ những mối liên kết chặt chẽ giữa nghệ thuật của cô và các nghiên cứu về tiếng Phạn, tiếng Ba Tư, tiếng Ả Rập, cũng như lịch sử giao thoa văn hóa phức tạp của khu vực Á-Âu,” anh chia sẻ. “Khi chọn tác phẩm, tôi thường bị thu hút bởi những gì có kết nối với thế giới thực và bản chất con người.”  

Charlotte Lin  

Chủ phòng tranh  

Chân dung Charlotte Lin. Ảnh: Charlotte Lin.  

 

Betty Tompkins, *Women Words (Helmut Newton #6)*, 2018. Ảnh: Charlotte Lin.

“Tôi đôi khi đùa rằng sưu tập nghệ thuật cũng giống như một dạng tích trữ có tổ chức,” Charlotte Lin chia sẻ. Sở thích sưu tập của cô không chỉ giới hạn trong nghệ thuật mà còn mở rộng sang sách, nội thất và những món đồ độc đáo – bao gồm cả một quả trứng khủng long, tác phẩm đầu tiên mà cô sưu tập cho riêng mình. “Tôi nhớ mình đã hoàn toàn bị cuốn hút bởi kết cấu của nó và cảm giác về lịch sử mà nó mang theo.” Dù hiện tại cô tập trung vào nghệ thuật, món đồ này vẫn là điểm khởi đầu trong hành trình sưu tập của cô. “Nó nhắc nhở tôi rằng đam mê của mình bắt đầu từ sự tò mò,” cô nói.  

Từ đó, Lin phát triển sở thích đặc biệt với những tác phẩm kể chuyện thông qua kỹ thuật chế tác, chất liệu hoặc chiều sâu ý niệm, như tác phẩm Women Words (Helmut Newton #6) (2018) của Betty Tompkins. Trong tác phẩm này, nghệ sĩ đã biến một bức ảnh từ tạp chí Playboy cũ – chụp một người phụ nữ khỏa thân đang bị quay phim một cách thụ động – thành một tuyên ngôn xã hội. “Tôi bị thu hút bởi tác phẩm này vì cách nó thách thức hệ giá trị truyền thống và những kỳ vọng mà xã hội đặt lên phụ nữ một cách táo bạo, không khoan nhượng,” Lin chia sẻ.  

Năm ngoái, niềm đam mê cá nhân với nghệ thuật của Charlotte đã trở thành một sứ mệnh có chủ đích khi cô đồng sáng lập PODIUM, một phòng tranh tại Wong Chuk Hang, phía nam Hồng Kông, chuyên hỗ trợ các nghệ sĩ trẻ. “Tôi nhận thấy cần có một nền tảng không chỉ giới thiệu nghệ sĩ trẻ mà còn kết nối họ với các nhà sưu tập,” cô nói. “Hồng Kông là nơi lý tưởng để biến tầm nhìn này thành hiện thực.”

 

(Xem phần 2, phần 3, và phần 4)

 

Nguồn: Meet 10 Young Hong Kong Art Collectors Making Waves

Biên dịch: Huyền Trịnh

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon