VN | EN

Tin tức

Doãn Chí Trung | Trải nghiệm những “giờ bay” cùng sơn mài

“Bay” cùng sơn mài từ năm 18 tuổi, nay đã ngoài 60, nhưng Doãn Chí Trung vẫn chưa một ngày rời tay khỏi nghề. Anh là một trong những nghệ nhân hiếm hoi của làng sơn mài Việt, với khả năng “chơi” khắp mặt sân: từ làm vóc, pha sơn, thi công đến sáng tác. Tuy vậy, anh chọn cách sống lặng thầm, kiên nhẫn mày mò từng lớp vóc, từng bề mặt phẳng – nhẵn – bền, như chính bản chất của sơn mài mà anh theo đuổi.

Đến với sơn mài như một cơ duyên, họa sĩ Doãn Chí Trung kể lại: “Tôi từng chỉ là thợ vẽ trong hợp tác xã sơn mài, làm hàng xuất khẩu đại trà, chất lượng thấp, chóng hỏng. Từ đó tôi tự mày mò học cách làm vóc, pha sơn, rồi có dịp gặp các bậc cao thủ trong nghề để học hỏi”.

Gần nửa thế kỷ gắn bó với sơn mài, họa sĩ Trung chắt lọc ra một nhận thức giản dị mà sâu sắc: “Các cụ xưa dùng sơn là để hướng đến sự bền vững. Với tôi, sơn mài là sự kết hợp của ba yếu tố: phẳng – nhẵn – bền. Đó là nền tảng. Nhưng để người thợ đạt đến ba tiêu chí ấy, đôi khi cả đời vẫn chưa đủ.”

Chiếc búa sắt bé bằng ngón tay, khoác áo sơn mài với kỹ thuật cẩn trứng được thể hiện điêu luyện. Ảnh: Lam Phong.

 

Một thể hiện sơn mài của Doãn Chí Trung trên cốt nền là khối kim loại. Ảnh: Lam Phong.

Nghề sơn mài vốn nhiều công đoạn phức tạp, được hình thành từ kinh nghiệm truyền đời của các nghệ nhân làng nghề. Tuy nhiên, kiến thức ấy thường không được hệ thống bài bản, thiếu tính khoa học, và người giữ nghề lại ít khi sẵn lòng chia sẻ. Họ thường giấu nghề, không chỉ dạy tận tình, bởi nỗi sợ mất đi "cần câu cơm" truyền thống.

Chính vì thế, hành trình theo đuổi sơn mài của Doãn Chí Trung là một chặng đường nhiều thử thách nhưng cũng đầy duyên may. Anh từng học nghề từ những bậc thầy như Huyền Kỳ (Hà Đông), hay các danh thủ như cụ Quý chuyên về sơn, cụ Chấn chuyên vẽ… Mỗi người một tài riêng, mỗi người một bí quyết, và từ đó, anh chắt lọc, tích lũy từng chút tinh hoa để rèn luyện tay nghề cho mình.

 

Doãn Chí Trung. Ảnh: Lam Phong.

“SƠN MÀI KHÔNG NHƯ MÔN NGHỆ THUẬT KHÁC, CHỈ CẦN NHÌN CÁCH THỂ HIỆN TRÊN VÓC, SƠN, MÀI LÀ ĐỦ NHẬN RA ĐẲNG CẤP NGAY, KHÔNG GIẤU HAY LẤP LIẾM ĐI ĐƯỢC”.

 

Sáng tạo, thể nghiệm chất liệu sơn mài trên đồ vật đa dạng là một đam mê của Doãn Chí Trung. Ảnh: Lam Phong.

Người Việt có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” – nhưng với sơn mài, nước sơn không chỉ là lớp áo bề ngoài, mà còn phản ánh chiều sâu kỹ thuật và tâm huyết của người thợ. Độ bền – một yếu tố luôn được giới làm nghề nhấn mạnh – không tự nhiên mà có. Mỗi công đoạn, mỗi chi tiết đều đòi hỏi sự chính xác và kiên nhẫn tuyệt đối.

Về lý thuyết, quy trình làm sơn mài ai trong nghề cũng nắm rõ. Nhưng để thao tác thuần thục, để từng đường nét trở nên mượt mà, nhuần nhuyễn, đòi hỏi thời gian rèn luyện bền bỉ. Họa sĩ Doãn Chí Trung chia sẻ: “Nghề này cũng như đấm bốc hay đá bóng vậy. Muốn giỏi, muốn bước ra sân chơi lớn, chuyên nghiệp, ngoài việc học kỹ thuật, điều quan trọng nhất là luyện tập không ngừng nghỉ – nói đơn giản là ‘giờ bay’ phải liên tục.”

 

Sơn khắc, cẩn trứng, sơn mài… thể hiện lên cục sắt trong tiết diện nhỏ, diễn tả độ khó, sự cầu kỳ, tinh tế của It's May. Ảnh: Lam Phong.

“ TÔI THỂ HIỆN TRÊN NHIỀU ĐỒ VẬT NHỎ. TÔI THÍCH NGHIÊN CỨU, THỬ NGHIỆM VÀ CHƠI CÙNG ĐAM MÊ TRONG KHẢ NĂNG CHO PHÉP”.

 

Sơn mài bóng – trong như mắt cóc, phẳng nhẵn đến mát tay, đòi hỏi sự công phu và không dễ thực hiện. Ảnh: Lam Phong.

Làm sản phẩm sơn mài, kích thước nhỏ, là cách “luyện chưởng” để chuẩn hóa ngôn ngữ thiết kế, sáng tác. Ảnh: Lam Phong.

Để có được lớp nền hoàn hảo cho sơn mài, họa sĩ Doãn Chí Trung luôn dành sự tập trung cao nhất cho công đoạn làm vóc – phần “tốt gỗ” của một tác phẩm. Anh chia sẻ: “Một lô vóc tôi làm phải mất gần hai tháng mới hoàn thiện, đảm bảo ba tiêu chí: phẳng – nhẵn – bền, đúng chuẩn tôi tự đặt ra.”

Ở Việt Nam, anh thân quen với hơn 50 người làm vóc, trong đó có đến 10 cao thủ với trên 50 năm kinh nghiệm. “Bao năm qua, mỗi lần ngồi lại với nhau, chúng tôi vẫn chỉ xoay quanh chuyện phẳng, nhẵn, bền mà vẫn chưa hết chuyện. Một tấm vóc đẹp, người có 50 năm trong nghề vẫn có thể mắc lỗi – bởi làm vóc có đến 20 lớp, qua rất nhiều công đoạn. Chỉ cần một thao tác sai là chất lượng sản phẩm đã ảnh hưởng, dù người ngoài khó mà phát hiện. Còn nếu chỉ làm vóc cho có, thì dạy một tuần, làm ba ngày cũng xong.”

Anh Trung cười, rồi nói thêm: “Thợ của tôi ở xưởng, có người học tới 19 năm, vậy mà vẫn mắc lỗi, vẫn bị mắng như thường.”

 

 

Dụng cụ hành nghề sơn mài với họa sĩ Doãn Chí Trung là cả một thế giới riêng. Trong không gian làm việc của anh, chỉ riêng cọ vẽ đã có đến hàng trăm loại khác nhau. Anh chia sẻ: “Dùng một cây cọ duy nhất để vẽ cũng được thôi, nhưng độ tinh, độ kỹ, chất của nét sẽ bị giới hạn.”

Có những nét vẽ của các bậc tiền bối xưa mà anh phải mất rất nhiều thời gian tìm hiểu, dò hỏi mới được tiết lộ: đó là những cây cọ được làm từ lông mèo, lông chuột – những chất liệu đặc biệt mà ngày nay ít ai còn biết. Học trò của anh thậm chí phải tự đi đặt bẫy bắt chuột đồng, lấy râu làm cọ, rồi tìm lông tai bò, lông mèo – phải là mèo già, và chỉ vài cọng trên sống lưng mới dùng được.

Từng sợi lông được xếp lại, đếm từng cọng, điều chỉnh nhiều lần – thêm vào, bớt ra – cho đến khi tạo ra được cây cọ đúng ý. “Khi đã cầm cọ ấy đi nét, thì gần như không ai có thể bắt chước được,” anh nói, đầy trân trọng với sự kỳ công và cá tính riêng ẩn trong từng dụng cụ vẽ.

Nguồn tham khảo: Doãn Chí Trung | Kinh nghiệm những “giờ bay” với sơn mài

Biên soạn: Hoàng Linh

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon