-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Di sản sống của Eva Hesse (Phần 2)
Phần II: Làm việc với sự không hoàn hảo
Trước khi trở thành một nhà điêu khắc, Eva Hesse là họa sĩ – một lựa chọn mang tính “chuẩn mực” của thời đó. Cô có năng lực, đặc biệt là trong những bức chân dung tự họa đầy ám ảnh và sắc sảo. Năm 1963, một triển lãm cá nhân tại Allan Stone Gallery đánh dấu bước khởi đầu hứa hẹn.
Năm sau, Hesse sang Đức cùng chồng là nhà điêu khắc Tom Doyle. Trong một xưởng cũ lộn xộn, cô bắt đầu dùng dây điện thay cho nét vẽ – bước chuyển từ tranh sang vật thể. Những tấm phù điêu đầu tiên, với giấy bồi, dây cáp màu sắc… là nơi Hesse bắt đầu buông bỏ sự “nghiêm túc” để bước vào một thế giới ngẫu hứng – nơi cô không còn là một nghệ sĩ “đang trở thành”, mà là một người đang làm ra điều gì đó.
Bước ngoặt đến vào năm 1966, khi cô trở lại New York và bắt đầu làm việc với dây thừng, lưới đánh cá – những vật liệu mua từ các cửa hàng công nghiệp ở phố Canal. Tác phẩm Untitled or Not Yet (1966), với chín chiếc lưới và những viên chì quấn trong nhựa, treo lơ lửng bằng dây, đã định hình phong cách: biến động, không cố định, và tồn tại chỉ trong khoảnh khắc được trưng bày.
Từ đây, Hesse bị cuốn vào latex. Những tấm thảm latex cô tạo ra – không đúc mà được chồng lớp như sơn tường – mỏng, mềm, nhăn nhúm, ôm sát từng gợn của sàn nhà. Sự không hoàn hảo trở thành chuẩn mực thẩm mỹ, gần như một thứ ám ảnh. Những “mẫu thử” mà cô để lại – gập, cắt, đục, ghép – là nhật ký của quá trình vật chất dần trở thành hình hài.
Khi bệnh trở nặng, Hesse thuê trợ lý. Họ kể rằng cô từng yêu cầu làm lại một hình khối vì… quá hoàn hảo. Cô chọn lấy cái sai: bọt khí do trộn sai, độ võng do trọng lực – tất cả những gì mà thợ kỹ thuật suốt đời tìm cách tránh né. Hesse không điều khiển vật liệu – cô đối thoại với chúng. Tác phẩm như Sans, Repetition Nineteen… là tổ hợp vật liệu khác nhau, mỗi phiên bản lại trôi theo một hướng riêng biệt.
Tác phẩm tan rã không phải là di chứng – mà là sự tiếp tục. Như Sans III – nay đã sụp đổ, không còn được trưng bày – lại là một biểu hiện chân thật hơn cả về tinh thần sáng tạo của cô. Hesse không tìm kiếm sự xuống cấp, nhưng cô đã gieo mầm cho nó: mỗi tác phẩm là một tiến trình mở, một vết nứt được nuôi dưỡng, một cuộc trò chuyện chưa kết thúc.
Cô từng nói: “Tôi không muốn biết trước kết thúc của tác phẩm.” Và quả thật, chính cái kết không trọn vẹn – cuộc đời ngắn ngủi, vật liệu tan chảy – lại là nơi nghệ thuật của Eva Hesse tiếp tục lớn lên.
Đọc thêm: Phần 1
Nguồn tham khảo: Art & Antiques
Biên dịch: Hoàng Linh