-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Di sản sống của Eva Hesse (Phần 1)
Phần I: Một kết thúc mở đầu
Vào những ngày cuối đời, Eva Hesse đón nhà phê bình Cindy Nemser tại phòng bệnh của mình ở Trung tâm Ung thư Memorial Sloan-Kettering. Bên cạnh giường, Nemser thấy số báo Artforum tháng 5 năm 1970 vừa được in – bài phỏng vấn Hesse do chính cô thực hiện chiếm trọn trang bìa. Cạnh đó là bó hoa xuân tươi tắn. “Chị thấy không?” Hesse nói, khẽ nghiêng đầu. “Từ một nhà sưu tập lớn đấy. Cuối cùng thì tôi cũng được công nhận rồi, phải không?”
Chỉ vài tuần sau, Hesse – khi ấy mới 34 tuổi – rơi vào hôn mê và ra đi vì một khối u não. Nhưng cái chết không kết thúc sự nghiệp của cô, mà lại mở ra một chương mới. Từ vài buổi triển lãm cá nhân ít người biết tới sau khi tốt nghiệp Yale, tên tuổi Hesse giờ gắn liền với hàng loạt triển lãm lớn tại Guggenheim, Hirshhorn, Tate… Tác phẩm hiếm hoi còn lưu lạc trong tay tư nhân giờ đây được săn đón bằng hơn cả những bó hoa muộn màng.
Thế nhưng, Hesse không chỉ được nhớ đến bằng danh tiếng. Khác với đá cẩm thạch hay đồng thau – hay cả thép, chì của Richard Serra – vật liệu cô chọn lại vô cùng mong manh: cao su latex, sợi thủy tinh, nhựa công nghiệp. Chúng không đứng yên – mà tiếp tục thay đổi, tự phân rã và biến chuyển theo thời gian. Cao su trở nên đục mờ, sợi thủy tinh thì giòn vỡ. Những tác phẩm như Sans I hay Repetition Nineteen III ngày nay có lẽ chẳng còn giống như những gì chính Hesse từng nhìn thấy.
Điều này khiến các giám tuyển bối rối, bạn bè thân thiết đau lòng. “Cô ấy muốn tác phẩm mình tồn tại,” họ nói. Sol LeWitt – bạn thân Hesse – từng khẳng định tại một buổi tọa đàm: “Eva không phải kiểu nghệ sĩ ngồi im nhìn tác phẩm tan rã.” Nhưng thay vì cố gắng đoán điều nghệ sĩ muốn, có lẽ điều cần thiết là lắng nghe chính tác phẩm. Liệu chúng có cần được lưu giữ? Có lúc nào nên buông bỏ? Hay chính sự mục rữa hôm nay lại là biểu hiện đầy đủ nhất cho điều mà Hesse từng khởi tạo?
Đọc thêm: Phần 2
Nguồn: Art & Antiques
Biên dịch: Hoàng Linh