-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Cuốn sách mới từ Nhà xuất bản Đại học Yale làm thay đổi cách nhìn của chúng ta về Van Gogh như một họa sĩ vẽ cảnh thiên nhiên hoàn hảo (Phần 1)
David Ebony phỏng vấn Michael Lobel, tác giả cuốn sách “Van Gogh and the End of Nature” (Van Gogh và Tận cùng của Thiên nhiên).
Hoạ sĩ Vincent van Gogh, Bức tranh “Factories at Clichy” (Nhà máy tại Clichy), 1887. Sơn dầu trên vải. Ảnh: Bảo tàng Nghệ thuật Saint Louis.
Trong cuốn sách mới nhất của mình, tác giả Michael Lobel đặt Vincent van Gogh vào giữa thời kỳ công nghiệp hóa ở châu Âu thế kỷ 19, và khám phá mối quan hệ thường mang tính chất căng thẳng của hoạ sĩ với thời kỳ đó. Đối với hầu hết những người yêu nghệ thuật, Van Gogh, một huyền thoại hội hoạ, là người thầy tôn sùng thiên nhiên, thể hiện trong những bức tranh và bản vẽ nổi tiếng của mình một sự tôn kính và đam mê mãnh liệt với thiên nhiên ở dạng nguyên thủy nhất. Không loại bỏ bất kỳ sự tôn kính nào đối với thành tựu vô song của người hoạ sĩ được yêu mến này, Lobel nhìn nhận cuộc đời và công việc của Van Gogh từ góc nhìn của thời đại chúng ta, và đặc biệt là trong bối cảnh mối quan tâm hiện nay về biến đổi khí hậu và tình trạng bấp bênh của môi trường.
Sau đây là cuộc trò chuyện gần đây giữa David Ebony và Michael Lobel. David Ebony là một nhà văn, nhà phê bình và giám tuyển; Michael Lobel là giáo sư lịch sử nghệ thuật tại Trường Đại học Hunter và Trường Đại học CUNY, và là tác giả của cuốn sách mới “Van Gogh and the End of Nature”.
David Ebony: Tiêu đề của cuốn sách, “Van Gogh và Tận cùng của Thiên Nhiên” có phần gây bất ngờ, có thể gợi nên điều gì đó mang tính tận thế. Làm thế nào mà ông nảy ra ý tưởng cho cuốn sách và tiêu đề này?
Michael Lobel: Giống như nhiều người khác làm nghiên cứu, tôi nghĩ rằng mình đã hiểu rõ về Van Gogh và không còn nhiều điều để nói về hoạ sĩ nữa. Nhưng một vài năm trước, tôi tình cờ đến Paris và một người bạn đề cập rằng cô ấy và chồng đã đến thăm mộ của Van Gogh và anh trai của hoạ sĩ, Theo, tại Auvers-sur-Oise. Cô bạn ấy nói rằng cả hai đã bật khóc khi nhìn thấy ngôi mộ. Tôi nghĩ họ đã quá đa cảm.
Vì vậy, một lần khi tôi ở Paris - trước đại dịch - tôi đã đến Auvers-sur-Oise vào sáng sớm thứ Bảy và gần như không có ai xung quanh. Có một lớp sương mù bao phủ thị trấn. Tôi đi lên đồi và qua nhà thờ, nơi nổi tiếng từ một trong những bức tranh của Van Gogh. Tôi đến mộ và đứng đó, và tôi cũng bật khóc. Tôi cảm thấy vô cùng xúc động. Vì vậy, tôi bắt đầu quan tâm đến Van Gogh một lần nữa. Tôi bắt đầu bằng việc viết một cuốn sách về Van Gogh - về một bức tranh duy nhất của hoạ sĩ.
Ebony: Bức tranh đó là gì vậy?
Lobel: Tôi không muốn nói ra, vì tôi vẫn muốn làm việc với dự án đó. Nhưng đó là một bức tranh được vẽ từ sớm và không được biết đến nhiều từ thời kỳ Hà Lan của Van Gogh. Sau đó, tôi bắt đầu một cuốn sách khác, về một khía cạnh của Van Gogh chưa được biết đến, được sắp xếp theo các địa điểm hoạ sĩ đã sống: The Hague, Paris, Arles và những nơi khác. Chương về thời gian hoạ sĩ ở Arles cứ dài ra mãi. Cuối cùng, tôi nhận ra đó là một cuốn sách riêng, và đó là khởi đầu của dự án này. Tôi không có ý định viết về Van Gogh liên quan đến ô nhiễm công nghiệp và biến đổi khí hậu. Nhưng các tài liệu cứ xuất hiện với tôi theo cách cho thấy rằng có những mối liên hệ quan trọng giữa Van Gogh và những gì chúng ta đang thấy trong thế giới hiện tại về thực trạng môi trường.
Còn về tiêu đề, nó liên quan đến một cuốn sách của nhà môi trường học Bill McKibben có tên là "Sự Tận Cùng của Thiên Nhiên," mà McKibben đã viết vào cuối những năm 1980. Đó là một tiền đề cho những gì chúng ta đang đối mặt hiện nay với biến đổi khí hậu. Đây là một cuốn sách quan trọng cho những người nghiên cứu về môi trường. Và McKibben truy nguyên nhiều vấn đề này từ thế kỷ 19, và thời đại của Van Gogh. Bạn đã nhắc đến "tận thế," nhưng đối với tôi, "sự tận cùng của thiên nhiên" gợi ý đến giới hạn của cách chúng ta nghĩ về định nghĩa của thiên nhiên liên quan đến các tác phẩm nghệ thuật của Van Gogh.
Ebony: Ông có một câu chuyện vui trong phần giới thiệu về việc ông đã phản ứng như thế nào với những định kiến về Van Gogh như việc ông nắm bắt được “tâm hồn của thiên nhiên,” và những điều tương tự.
Lobel: Đây là cuốn sách thứ tư của tôi rồi, tôi cảm thấy mình có thể nghiêng về tính cách cơ bản của mình hơn, có lẽ hơi cáu kỉnh hoặc khó chịu một chút.
Ebony: Đợi đến khi ông đến tuổi của tôi xem nào.
Lobel: Tôi đang đọc một bài viết của một học giả về một bức tranh Van Gogh thực hiện ở The Hague vào đầu những năm 1880, và ông ấy mô tả nó như là hoạ sĩ có thể “nắm bắt tâm hồn của thiên nhiên.” Tôi luôn nói với sinh viên của mình rằng khi chúng ta nhìn vào các tác phẩm nghệ thuật, chúng ta thực sự nên cố gắng đối diện với những gì thực sự có trong những tác phẩm nghệ thuật đó.
Theo nguyên tắc đó, câu mở đầu của cuốn sách của tôi là một câu trích dẫn của George Orwell: “Để thấy những gì trước mắt mình cần một cuộc đấu tranh không ngừng.” Khi bạn nhìn vào tác phẩm cụ thể của Van Gogh mà nhà văn đó miêu tả là nắm bắt tâm hồn của thiên nhiên, thực sự đó là một hình ảnh mà trong đó các yếu tố tự nhiên đang bị đối lập với các cấu trúc công nghiệp. Có một nhà ga xe lửa, có một đầu máy xe lửa, có đèn gas. Thực sự có một người gác tín hiệu đường sắt, người mà Van Gogh đã nói đến trong một trong những bức thư của hoạ sĩ.
Vì vậy, đối với tôi, đây là điểm cốt lõi của những gì tôi đang cố gắng đạt được trong cuốn sách, đó là hãy quay lại và thực sự nhìn vào những tác phẩm nghệ thuật này. Cuốn sách là một nỗ lực để chỉ ra với mọi người rằng Van Gogh thường đối lập thiên nhiên với công nghiệp trong các tác phẩm của hoạ sĩ. Đó là tiền đề cơ bản của dự án này.
Xem thêm phần 2 tại đây
Xem thêm phần 3 tại đây
Xem thêm phần 4 tại đây
Biên dịch: Huyền Trịnh