-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Cơ thể biểu cảm và những trải nghiệm mới: Trò chuyện với Maggie Bell
Trong buổi trò chuyện thân mật, Trưởng giám tuyển Emily Talbot gặp gỡ Maggie Bell, Trợ lý giám tuyển tại Bảo tàng Norton Simon, để chia sẻ về hành trình sự nghiệp, những triển lãm gần đây và tư duy giám tuyển giữa thời đại thay đổi nhanh chóng của bảo tàng.
Emily Talbot (ET): Maggie, bạn đã gắn bó với Norton Simon từ khi còn là thực tập sinh sau đại học và hiện là Trợ lý giám tuyển. Điều gì đã đưa bạn đến với lịch sử nghệ thuật và lĩnh vực giám tuyển?
Maggie Bell (MB): Mọi chuyện bắt đầu rất tự nhiên – tôi đăng ký học một lớp lịch sử nghệ thuật trong đại học mà không hề biết nó sẽ thay đổi con đường của mình. Những câu hỏi mà môn học này đặt ra đã ngay lập tức cuốn hút tôi: Hình ảnh phản ánh thế giới như thế nào? Chúng được tạo ra cho ai? Và chúng có ý nghĩa gì với chúng ta ngày nay? Tôi dần nhận ra rằng công việc bảo tàng là điểm giao thoa hoàn hảo giữa đam mê học thuật và mong muốn tương tác với cộng đồng. Sau đó, tại UC Santa Barbara, tôi chuyên sâu về nghệ thuật Phục hưng Ý và Mỹ Latinh thuộc địa, đồng thời tham gia đồng giám tuyển một triển lãm trong khuôn khổ Getty’s Pacific Standard Time: LA/LA. Trải nghiệm đó đã khẳng định định hướng của tôi: sử dụng nghệ thuật như một phương tiện kết nối giữa lịch sử và hiện tại.
ET: Triển lãm đầu tay của bạn tại Norton Simon, The Expressive Body, sẽ khai mạc vào mùa thu năm nay sau nhiều lần trì hoãn vì COVID. Ý tưởng này xuất phát từ đâu?
MB: Tôi luôn bị cuốn hút bởi cách nghệ thuật tác động đến cơ thể – cả trong quá khứ và hiện tại. Luận văn cao học của tôi tập trung vào hình ảnh có tính chữa lành trong các bệnh viện Ý thế kỷ 15, và khi đến với Norton Simon, tôi bị thu hút bởi những hình ảnh sống động về hình thể con người trong nhiều chất liệu. The Expressive Body là cách tôi đặt ra câu hỏi: người xem thời đó cảm nhận những tác phẩm này như thế nào? Tôi hy vọng triển lãm không chỉ cung cấp thông tin lịch sử mà còn mời gọi du khách nhận biết cảm xúc và phản ứng thể chất của chính mình – điều rất cần thiết trong thời đại hình ảnh tràn lan.
ET: Đại dịch có thay đổi cách bạn tiếp cận triển lãm không?
MB: Rất nhiều. Thời gian đóng cửa khiến tôi suy nghĩ sâu sắc hơn về vai trò của bảo tàng: không chỉ là nơi trưng bày, mà còn là không gian cho sự tĩnh lặng, suy ngẫm và kết nối con người. Tôi đã thiết kế một phòng trưng bày riêng dành cho thiền định có hướng dẫn – mời gọi du khách hiện diện, lắng nghe và cảm nhận các tác phẩm một cách sâu sắc hơn. Tôi cũng chỉnh sửa lại phần diễn giải để thẳng thắn đề cập đến ảnh hưởng của cấu trúc xã hội, ví dụ như các khuôn mẫu giới tính, đối với cách thể hiện cơ thể trong nghệ thuật.
ET: Bạn cũng đang phát triển các nội dung kỹ thuật số cho Bảo tàng. Trải nghiệm đó thế nào?
MB: Dự án Representing Women: Gender and Portraiture in 17th-Century Europe là triển lãm kỹ thuật số đầu tiên của tôi. Dù mất đi trải nghiệm trực tiếp, môi trường online lại mở ra khả năng kể chuyện theo những cách mới – từ kết nối hình ảnh, trích dẫn đến các đoạn phân tích dài hơn. Tôi hy vọng triển lãm này sẽ giúp nhiều người tiếp cận được với những góc nhìn đa chiều về phụ nữ trong nghệ thuật thế kỷ 17 – một phần hấp dẫn nhưng thường bị bỏ qua trong bộ sưu tập của chúng tôi.
ET: Vậy sắp tới bạn đang ấp ủ những dự án nào?
MB: Tôi đang cùng người bảo quản của Bảo tàng, John Griswold, nghiên cứu một tác phẩm điêu khắc nhiều màu của Ý về Thánh Sebastian – một đối tượng giàu ý nghĩa và lịch sử. Đây sẽ là nền tảng cho một triển lãm chuyên đề sắp tới. Ngoài ra, tôi đang hỗ trợ chuẩn bị một danh mục mới về các tác phẩm đầu tiên của nghệ thuật Ý trong bộ sưu tập, điều này rất gắn bó với luận án tiến sĩ của tôi về hội họa Siena. Cuối cùng, tôi rất mong được chào đón và hướng dẫn các thực tập sinh mới – vì chính hành trình của tôi cũng bắt đầu từ vị trí đó.
Biên dịch: Phương Anh
Nguồn: Norton Simon