-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Chuyện phỗng đất làng Hồ: Hồn quê xứ Kinh Bắc
Kỳ 1: Món đồ chơi bị quên lãng
Phỗng đất từng là món đồ chơi dân gian dung dị, mang lại nhiều niềm vui cho trẻ em. Tuy nhiên, trước sự xuất hiện của những món đồ chơi hiện đại, nhiều màu sắc, loại hình nghệ thuật này đang dần rơi vào quên lãng.
Tìm về quá khứ
Xã Song Hồ (Thuận Thành) không chỉ là nơi phát tích của tranh Đông Hồ mà còn là quê hương của tượng phỗng đất, một trò chơi dân gian không thể thiếu trong mâm cỗ Trung thu của nhiều thế hệ trẻ em xứ Kinh Bắc. Phỗng đất làng Hồ không chỉ là đồ chơi mà còn được sử dụng để dâng cúng trong các nghi lễ tại đền, chùa.
Bộ đồ chơi phỗng đất mang đậm bản sắc văn hóa dân gian Việt Nam, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử và truyền thống dân tộc. Trong mâm cỗ Trung thu truyền thống, bên cạnh mâm ngũ quả, bánh nướng, bánh dẻo, đèn ông sao, không thể thiếu ông tiến sĩ giấy và bộ tượng phỗng đất. Trẻ em sẽ quây quần bên mâm cỗ dưới ánh trăng sáng, lắng nghe ông bà, cha mẹ giảng giải ý nghĩa của bộ tượng đất truyền thống.
Một bộ phỗng đất điển hình gồm 5 nhân vật: phỗng hình Phật ở vị trí trung tâm mang ý nghĩa tâm linh, dạy con cháu sống hiền lành; chim bay tượng trưng cho khát vọng hòa bình; rùa đại diện cho biển cả và sự trường tồn; người già và em bé thể hiện sự tiếp nối giữa các thế hệ.
Theo ký ức của người cao tuổi, mỗi dịp Trung thu hay Tết Nguyên đán, trẻ em đều mong mẹ mua cho bộ tượng phỗng đất. Người lớn cũng sẵn sàng hướng dẫn con cháu chơi và hiểu về giá trị của món đồ chơi dân gian này. Giá trị ấy đã được lưu truyền từ đời này qua đời khác trong xã hội Việt Nam.
Nghệ thuật thủ công độc đáo
Phỗng đất có thiết kế đơn giản nhưng để hoàn thành cần kỹ thuật thủ công điêu luyện. Người nghệ nhân với đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ phải trải qua nhiều công đoạn như chuẩn bị đất sét, vẽ màu, nắn, vuốt để tạo nên tượng phỗng đất hoàn chỉnh.
Đôi tay khéo léo của nghệ nhân làm phỗng
Loại đất sử dụng là đất thó, có độ kết dính tốt hơn đất thịt. Đất được đào từ ao, hồ hoặc ruộng vào mùa khô, chọn lớp đất trên cùng từ 20-30 cm. Sau khi phơi khô, đất được đập nhỏ, sàng mịn thành bột có màu xám nhạt.
Bột đất thó sau đó được trộn với bột giấy làm từ giấy bản đã ngâm 7 ngày cho mủn. Hỗn hợp được đập trộn liên tục cho đến khi dẻo mịn, không dính tay là đạt.
Sau khi nặn xong, tượng phỗng đất được phơi khô tự nhiên. Không thể nung hay sấy vì đặc tính của đất thó, nhưng tượng vẫn có độ cứng và bền nhất định.
Khi tượng khô, nghệ nhân dùng hỗn hợp hồ điệp trắng và hồ nếp lọc mịn để phủ lên bề mặt, giúp tượng thêm bóng và đẹp. Cuối cùng là công đoạn vẽ màu. Màu chủ đạo là đỏ, vàng, xanh, đen - những gam màu truyền thống tạo cảm giác thân thuộc.
Phỗng đất sẽ được đem đi phơi sau khi tạo hình
Mai một theo thời gian
Cùng với sự phát triển của đồ chơi hiện đại, tượng phỗng đất mất dần sức hút. Tính ứng dụng hạn chế, dễ vỡ, chỉ sử dụng chủ yếu vào dịp Trung thu khiến sản phẩm này ngày càng ít được biết đến.
Giá bán mỗi con phỗng đất chỉ khoảng 30.000 đồng, chủ yếu tiêu thụ theo mùa vụ khiến người làm nghề khó có thể sống bằng thu nhập này. Số lượng nghệ nhân làm phỗng đất vì thế cũng dần mai một.
"Ngày trước, trong làng có khoảng chục nhà làm phỗng đất, giờ chỉ còn nhà tôi" - nghệ nhân Phùng Đình Giáp chia sẻ. Vợ chồng ông từng đem sản phẩm ra Hà Nội, tham gia hội chợ nhưng vẫn không thể quảng bá hiệu quả.
Dù kinh tế không ổn định, ông Giáp vẫn không từ bỏ nghề. Với tâm niệm: nghề cha ông để lại là quý, ông mong muốn gìn giữ và phát huy nét văn hóa này. Ông cho rằng, chỉ cần nhìn vào triết lý trong từng bức tượng là thấy rõ ông cha xưa đã gửi gắm tư tưởng sống đẹp, nhân văn qua đó để dạy dỗ con cháu.
Ông Giáp - Nghệ nhân làm phỗng vẫn giữ truyền thống từ cha ông.
Dẫu biết khó sống bằng nghề, vợ chồng ông Giáp vẫn bền bỉ duy trì như một cách giữ gìn văn hóa truyền thống. Họ nhận được sự động viên từ các nghệ nhân dân gian khác như Nguyễn Văn Nhung, Phạm Đình Nam... và tiếp tục hành trình đưa phỗng đất trở lại với đời sống hiện đại.
* Nguồn: Bắc Ninh TV