VN | EN

Tin tức

Chấm, chấm và chấm: Trường phái Chấm hoạ và những bức tranh phong cảnh nổi bật

Khi Georges Seurat phát triển kỹ thuật Chấm hoạ – vẽ tranh bằng các chấm nhỏ – vào giữa những năm 1880, nó dường như là một ý tưởng quá khác biệt. Tuy nhiên, trong ba thập kỷ tiếp theo, nhiều danh hoạ như Van Gogh, MatisseMondrian đã đều thử nghiệm với kỹ thuật này. Vậy chấm hoạ là gì và tại sao nó là một phương pháp tuyệt vời cho tranh phong cảnh?

Paul Signac, Golfe Juan, 1896

Trường phái Chấm Hoạ là gì? 

Divisionism, Neo-Impressionism, Chromo-luminarism: có rất nhiều tên gọi cho phong trào nghệ thuật ngắn ngủi nhưng giàu sức ảnh hưởng này. Tuy nhiên, như thường lệ, một cách mô tả tiêu cực của các nhà phê bình, Pointillism (tạm dịch: Chấm hoạ), đã trở thành tên gọi phổ biến nhất. Năm 1886, Georges Seurat (1859-1891) đã trưng bày tác phẩm nổi tiếng nhất của mình, Chiều Chủ nhật trên đảo Grande Jatte, tại triển lãm cuối cùng của trường phái Ấn tượng. Bức tranh lớn này đóng vai trò như một tuyên ngôn của trường phái Chấm hoạ, được vẽ bằng các chấm màu nhỏ và nhấn mạnh nhiều vào những đường nét. Hơn nữa, nó đã biến một chủ đề yêu thích của những hoạ sĩ Ấn tượng, người Paris thư giãn, thành một thứ gì đó hoàn toàn khác biệt.

Bằng cách áp dụng các màu sắc tinh khiết, không pha trộn lên vải bằng các chấm nhỏ đều đặn, Seurat muốn mắt người xem tự pha lẫn các màu sơn, tạo ra một trải nghiệm tức thì và mãnh liệt hơn. Khi nhìn gần, rặng cỏ trong tác phẩm Chấm hoạ là một mớ hỗn độn của các chấm màu vàng và xanh lam, nhưng khi nhìn từ xa, nó biến thành các sắc thái của màu xanh lá cây. Giống như trường phái Ấn tượng, Seurat cũng sử dụng lý thuyết màu sắc của Michel Chevreul, đặt các tông màu bổ sung lại với nhau để tăng thêm sự sống động. Tuy nhiên, ông cũng quan tâm đến các đặc điểm về hình ảnh trong các tác phẩm của mình. Các đường nét đơn giản hóa, cách điệu và bố cục nhấn mạnh rằng đây là những bức tranh được xây dựng vô cùng cẩn thận, không chỉ là những khung cảnh ngẫu nhiên được lấy từ thiên nhiên.

Người đàn ông phía sau trường phái Chấm hoạ

Georges Seurat, Port-en-Bessin, 1888

Năm 1888, Seurat đã dành thời gian ở Normandy để tập trung vẽ cảnh biển, một nơi cũng là điểm đến yêu thích của các nghệ sĩ Ấn tượng. Kỹ thuật chấm hoạ trong bức tranh Port-en-Bessin biến một cảnh cảng thông thường thành một thứ gì đó tĩnh lặng và có phần siêu thực. Đây không phải là một khoảnh khắc tự nhiên, thể hiện gió, thời tiết và ánh sáng như những bức hoạ Ấn tượng, mà nó như một sự tái hiện một khung hình tĩnh trong một giấc mơ. Những chuyển đổi tông màu tinh tế trong biển và bầu trời minh họa cho việc sử dụng kỹ thuật "pha trộn" của trường phái Chấm hoạ. 

Trường phái Chấm hoạ Tượng trưng 

Paul Signac, Golfe Juan, 1896

Sau khi Seurat qua đời vào năm 1891, Paul Signac (1863-1935) đã tiếp tục phát triển và bảo vệ phong trào Chấm hoạ. Ông quan tâm hơn đến các thuộc tính tượng trưng và cảm xúc trong các tác phẩm nghệ thuật. Giống như James McNeill Whistler, Signac thường bao gồm các thuật ngữ âm nhạc trong tiêu đề các tác phẩm của mình để gợi ý rằng trong một bức tranh, chủ đề không quan trọng bằng cảm xúc. Sau khi đến thăm miền Nam nước Pháp và mua một chiếc thuyền vào năm 1892, ông đã vẽ một loạt các phong cảnh và cảnh biển giàu màu sắc, trữ tình. Những đường cong kiểu Ả Rập của cây cối ở đây giống như các bản in Nhật Bản rất phổ biến vào thời điểm đó. Cùng với các màu sắc mạnh mẽ ở tiền cảnh, chúng tác động để làm phẳng mặt tranh để phong cảnh một thiết kế Art Nouveau.

Người hoạ sĩ Chấm hoạ Ấn Tượng 

Camille Pissarro, Làm rơm, Eragny, 1887

Camille Pissarro (1830-1903) là một nhân vật quan trọng của phong trào Ấn tượng vào những năm 1870. Tuy nhiên, ông đã thử nghiệm với kỹ thuật Chấm hoạ sau khi được con trai giới thiệu với Seurat. Vào giữa những năm 1880, ông tập trung vào các hình ảnh của cuộc sống nông thôn, như Làm rơm, được vẽ xung quanh ngôi nhà của ông ở Eragny. Ông là một nhà xã hội chủ nghĩa tận tâm, khao khát truyền tải cuộc sống của những người nghèo vùng nông thôn tới những khán giả thành thị. Kỹ thuật Chấm hoạ được áp dụng ở đây đã mang lại một cảm giác vĩnh cửu cho những hình ảnh mạnh mẽ của ông về các công nhân nông dân. Pissarro cuối cùng cảm thấy kỹ thuật Chấm hoạ có quá nhiều hạn chế và tốn thời gian, do đó ông đã quay lại với phong cách Ấn tượng tự do hơn.

Giai đoạn Chấm hoạ của Van Gogh 

Vincent van Gogh, The Sower at Sunset, 1888

Pissarro và Signac đã truyền cảm hứng cho Vincent van Gogh (1853-1890), người đã biến các chấm tĩnh của trường phái Chấm hoạ thành những nét cọ ngắn, dày, tạo ra một sự sống động tức thì, không có trong các tác phẩm Chấm hoạ thông thường. Ông sử dụng kỹ thuật này rõ ràng nhất trong các bức chân dung tự họa của mình, nhưng nó cũng hiện diện trong các bức phong cảnh như The Sower at Sunset. Cuối cùng, Van Gogh cũng thấy kỹ thuật Chấm hoạ quá hạn chế: các nét cọ của ông trở nên lớn hơn, đa dạng và biểu cảm hơn.

Một nghệ Chấm hoạ bị lãng quên

Henri-Edmond Cross, Les Cyprès à Cagnes, 1908

Henri-Edmond Cross (1856-1910) là một người ủng hộ quan trọng của trường phái Chấm hoạ vào cuối thế kỷ tại Paris. Là bạn thân của Signac, ông cũng sống ở miền nam nước Pháp, nơi ngôi nhà của ông trở thành điểm tụ tập cho các hoạ sĩ như Matisse và Derain. Ông đã phát triển một phong cách riêng bằng cách mở rộng các 'chấm' của mình thành các nét cọ vuông nhỏ, và thường để lại các mảng vải trần giữa các nét cọ. Kết quả là một bức hoạ được phân mảnh và ấn tượng hơn, với cảm giác chuyển động và tự nhiên hơn.

Chấm hoạ và trường phái Dã thú

André Derain, Cầu Waterloo, 1906

Mặc dù Chấm hoạ có vẻ như nhanh chóng bị lãng quên, vào đầu những năm 1900, Henri Matisse (1869-1954) và André Derain (1880-1954) đã sử dụng những chấm màu trong các phong cảnh đầy màu sắc của trường phái Dã thú. Năm 1906, Derain đã vẽ 30 bức tranh trong chuyến thăm London của mình, bao gồm bức Cầu Waterloo. Derain mô tả màu sắc như là ‘những quả bom’ và kỹ thuật Chấm hoạ của ông khiến chúng nổ tung trên bề mặt tranh.

Giai đoạn Chấm hoạ của Mondrian 

Piet Mondrian, Dune Study, 1909

            Mặc dù Piet Mondrian (1872-1944) thường gắn liền với trừu tượng hình học, ông đã dành những năm trước năm 1912 để sử dụng phong cảnh để thử nghiệm với màu sắc, nét cọ và hình khối. Trong bức tranh Dune Study, các đường nét đơn giản, các chấm lớn và việc pha trộn màu sắc đều thể hiện kiến thức của ông về phong cách Chấm hoạ. Tuy nhiên, khung cảnh bãi biển trong tác phẩm đã được giản lược đến mức gần như trừu tượng.

Tác phẩm của Mondrian đã đẩy trường phái Chấm hoạ đến đỉnh cao của nó. Các nghệ sĩ sau này tiếp tục quan tâm đến việc pha trộn các chấm màu trên vải, và Chấm hoạ chắc chắn không chỉ là một ý tưởng kỳ quặc!

Nguồn: Daily Art Magazine

Biên dịch: Hoàng Linh

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon