-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Cách đánh giá một tác phẩm hội họa
Giá trị nghệ thuật của một bức tranh được đánh giá dựa trên những tiêu chí nào vẫn luôn là một chủ đề nan giải, nhất là với thị trường nghệ thuật đương đại hiện nay, khi mà chính người hoạ sĩ đã tự tay xoá đi những tiêu chí khắt khe của kĩ thuật cổ điển. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi xin đưa ra một vài tiêu chí cơ bản để đánh giá một tác phẩm hội hoạ.
Khả năng tự nhìn nhận chính bản thân mình là một phần không thể thiếu nếu muốn trở thành một hoạ sĩ chuyên nghiệp. Và việc tự đánh giá tác phẩm của mình hay của một họa sĩ khác có thể sẽ là một thách thức. Có rất nhiều họa sĩ đã bỏ dở tác phẩm của mình vì không có cảm hứng để tiếp tục sáng tác. Điều xảy ra rất thường xuyên, thế nhưng tôi coi rằng việc vẽ tranh tuỳ hứng chỉ là một phương án tạm thời. Nó có thể giúp bạn có thời gian suy nghĩ về mọi thứ xung quanh, những điều cần thay đổi và hướng đi phù hợp. Thế nhưng việc tự phê bình là bước khởi đầu của quá trình hoàn thiện bản thân và là cách để đánh bại sự thiếu tự tin. Vì vậy nếu bạn muốn cải thiện các tác phẩm của mình, chúng tôi khuyên bạn nên thực hiện việc tự phê bình một cách nghiêm túc. Và hãy bắt đầu bằng cách thừa nhận rằng bạn không hoàn hảo, và bản thân việc vẽ tranh là một quá trình không hoàn hảo. Có một số biện pháp sau đây mà các họa sĩ có thể đánh giá bức tranh của chính mình.
(Tranh màu nước " Sinh vật"- Họa sĩ Nguyễn Văn Trinh)
1. Sự tương phản
Có một sự thực là hầu hết các bức tranh đẹp đều có sự tương phản rõ rệt. Chúng ta không cảm thụ thế giới chỉ bằng hai màu đen và trắng, chính sự tương phản là lực lượng chi phối nhận thức của con người, và bộ não của chúng ta tiếp nhận điều đó. Chúng ta yêu thích màu sắc vì tác động tâm lý của chúng, nhưng cũng không đánh giá chủ quan rằng giá trị của một bức tranh chỉ nằm ở màu sắc. Bạn có thể đã nghe hàng nghìn họa sĩ nói về tầm quan trọng của các mảng màu tương phản, nhưng hiếm khi được chỉ dẫn tận tình. Tất cả những gì bạn thực sự cần làm là tăng sự khác biệt giữa sáng và tối để làm cho bức tranh có sự tương tác hơn, đảm bảo rằng độ tương phản được tăng xung quanh khu vực tiêu điểm (chủ thể) của tác phẩm và giảm ở những nơi khác. Bất cứ nơi nào bạn tăng độ tương phản, bạn sẽ tạo ra tiêu điểm, bất cứ nơi nào bạn giảm nó, nó sẽ trở nên mờ dần. Vì vậy, độ tương phản là một công cụ rất mạnh mẽ. Nghe có vẻ rất đơn giản nhưng thực tế đòi hỏi hoạ sĩ phải nắm rõ nhiều kĩ thuật để làm được điều này. Điển hình là kĩ thuật chiaroscuro.
2. Bố cục tác phẩm
Tất cả các bức tranh đều là sản phẩm của thị giác, và theo bản năng, chúng ta đều thích một bố cục rõ ràng hơn là một bố cục mơ hồ. Việc phác thảo tốt sẽ giúp họa sĩ nhìn thấy chủ đề của mình bằng hình ảnh thực tế hơn là các thuật ngữ đại diện. Giúp hoạ sĩ có thể nhìn vào từng đối tượng hoặc màu sắc trong bức tranh và sắp xếp nó theo một bố cụ hợp lý.
(Tranh Acrylic "Tâm trí lang thang"- Họa sĩ Đoàn Xuân Tùng)
Ví dụ, bầu trời phong cảnh trong quan sát của bạn có thể có màu xanh dương nhạt, nhưng trước khi vẽ màu vào bức tranh, bạn nên suy nghĩ và xem xét liệu đó có phải là một ý tưởng hay về mặt thị giác hay không. Đó có phải là màu phù hợp cho bức tranh? Nếu không, hãy thay đổi nó theo hướng phù hợp. Bởi vì hình ảnh bạn đang tạo ra không những phải rõ ràng mà còn phải mang lại được cảm xúc cho người xem. Nói chung, bố cục của tác phẩm là yếu tố quan trọng trong việc tạo ra giá trị nghệ thuật của một tác phẩm. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, để tạo ra một tác phẩm hoàn chỉnh, bạn sẽ cần phải nắm rõ về quang học và hoà sắc trong tranh.
3. Quang học
Việc ứng dụng quang học trong sáng tác nghệ thuật là cần thiết vì bản thân các bức tranh là phẳng, còn thế giới thực thì không. Việc khắc hoạ ánh sáng một cách chính xác giúp bạn có thể tạo ra một bức tranh có chiều sâu. Các tác phẩm nghệ thuật được đánh giá cao thường là những tác phẩm có tư duy tốt trong việc đại diện cho thể loại, chất liệu và phong cách được chọn. Chẳng hạn, tác phẩm điêu khắc đạt mức tốt nhất khi nó trở thành một phần trong không gian nghệ thuật, rắn chắc, khác biệt so với các tác phẩm nghệ thuật bên cạnh. Để hội họa phát triển mạnh nhất và tạo ra sự khác biệt, các họa sĩ cần phải làm một điều khác biệt mà nhiếp ảnh, phim hoặc in ấn không thể làm được,.. Đó chính là làm cho bức tranh có độ sâu hoặc kết cấu vững chắc về mặt quang học. Ở một khía cạnh khác, nếu hoạ sĩ vẽ một bức tranh trông giống như một bức ảnh, hoặc tạo ra một bức tranh không có biến đổi thì rất có thể họ đang bỏ lỡ sức mạnh thị giác. Sử dụng kỹ thuật glazing cũng là một cách làm tăng chiều sâu của tác phẩm.
4. Màu sắc
(Tranh sơn khắc "Lạc"- Họa sĩ Lê Minh Tâm)
Nhiều người yêu thích, mê mẩn một tác phẩm nghệ thuật vì màu sắc của bức tranh đó và quả thực, màu sắc chính là yếu tố cực kì quan trọng để đánh giá một bức tranh. Việc tạo nên hoà sắc hợp lý cũng là một trong những vấn đề nan giải. Điều này có nghĩa là bạn cần phải đặt màu sắc phù hợp, đúng tỷ lệ, vào đúng vị trí trên bức tranh. Công việc này tưởng chừng rất dễ nhưng thực chất để tạo ra sự hòa hợp đòi hỏi các họa sĩ cần phải có sự am hiểu về màu sắc và sự tinh tế trong vẽ tranh. Hiện nay, có rất nhiều hệ thống sắp xếp màu sắc để giúp các họa sĩ làm điều này, mà bạn có thể thấy được trong các tác phẩm của những nghệ sĩ như Keith Vaughan, Ivor Hitchens hoặc Pierre Bonnard. Thường thì các hoạ sĩ nghiệp dư hay gặp phải vấn đề phổ biến nhất là sử dụng quá nhiều và quá đa dạng màu sắc trong một bức tranh. Việc tự thiết lập lại bảng màu, điều chỉnh mức độ bão hòa và tìm cách sắp xếp lại sắc độ, vị trí trong tranh là giải pháp cho vấn đề này.
Sau khi đã tham khảo bài viết của chúng tôi, bạn có thể ngồi trước bức tranh mới nhất của bạn và tự đặt ra ba tiêu chí như sau:
1. Sự tương phản trong tranh đủ mạnh để tạo ra sự tập trung và sức mạnh thị giác.
2. Vận dụng được thành công các nguyên lý quang học lên tranh
3. Hoà sắc rõ ràng, nổi bật và có thể hỗ trợ cho bố cục và giá trị thị giác.
Nếu chưa thể đáp ứng được những tiêu chí này, hãy điều chỉnh chúng đến khi bạn có bức tranh đẹp hơn. Những tiêu chí này chỉ mang tính tương đối, vì ngày nay với sự sáng tạo không ngừng của các hoạ sĩ, chúng ta không còn chỉ dừng lại ở bốn tiêu chí này khi đánh giá một tác phẩm hội hoạ.
Nguồn: https://www.artistsandillustrators.co.uk/how-to/art-theory/2301/how-to-evaluate-your-own-art
Biên dịch: Trang Hà
Biên tập: Ahndoar