-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
6 nghệ sĩ triển vọng kết hợp thủ công truyền thống và nghệ thuật đương đại (Phần 3)
Diedrick Brackens
Sinh năm 1989 tại Mexia, Texas. Hiện đang sinh sống và làm việc tại Los Angeles.
through the eye unburnt and blameless, 2020
Diedrick Brackens tạo ra những tấm thảm dệt mang vẻ đẹp huyền ảo, tái hiện cả những sự kiện có thật lẫn những câu chuyện ẩn dụ. Nhưng không chỉ có hình ảnh, chính chất liệu và kỹ thuật mà anh lựa chọn cũng chứa đựng những lớp trầm tích lịch sử. Anh luôn làm việc với sợi bông, một chất liệu mà anh miêu tả là “đáng tin cậy, linh hoạt và có giá thành hợp lý,” nhưng đồng thời cũng “gắn chặt với nền móng của đế chế và thương mại, và trong trạng thái nguyên sơ, nó mãi mãi mang theo những ký ức nặng nề trong tâm trí và trải nghiệm sống của người Mỹ gốc Phi.”
Với Brackens, kỹ thuật dệt tay chủ đạo của anh không chỉ là một phương pháp sáng tạo mà còn là một nhịp điệu đặc trưng, kết nối anh với một quá khứ phong phú. Anh lần đầu tiên say mê dệt vải sau khi tham gia một lớp học mùa hè tại Đại học Bắc Texas, và ngay lập tức bị cuốn hút. “Làm việc với khung dệt giống như một hành trình xuyên thời gian,” anh chia sẻ. “Tính chất đưa ta trở về quá khứ không chỉ nằm ở việc tiếp xúc với công nghệ cổ xưa của nghề dệt vải, mà còn ở sự mê hoặc của những chuyển động nhịp nhàng - cách thời gian uốn cong từ phút sang giờ, hay những khoảnh khắc khó khăn khi từng phút trôi qua một cách nặng nề đến khó tin.”
nuclear lovers, 2020
when no softness came, 2019
Brackens cũng trân trọng cách mà dệt tay gắn kết với không gian gia đình và những khoảnh khắc thân mật trong đời sống thường ngày, điều mà nhiều loại hình nghệ thuật khác không thể mang lại. Anh đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ của dệt với thời gian, một yếu tố mà anh luôn tìm cách khơi gợi trong tác phẩm của mình. “Là một người làm. thủ công, tôi bị ràng buộc bởi thời gian, bởi việc đếm không ngừng, bởi từng dòng sợi nối tiếp nhau, đan cài để tạo thành vải,” anh chia sẻ. “Tôi tin rằng người xem có thể cảm nhận được công sức trong từng tác phẩm. Nhưng hơn thế, tôi mong muốn họ cảm thấy một sự kết nối, một sự trở về với những ký ức cũ, với những câu chuyện cá nhân của họ - về người thợ may, người thêu, người vá, người đan trong gia đình họ. Tôi muốn mỗi người đều có cơ hội gặp lại những người kể chuyện của riêng mình.”
Amanda Valdez
Sinh năm 1989 tại Seattle. Hiện đang sinh sống và làm việc tại New York.
down in the dirt, 2021
soft, slow, 2021
Amanda Valdez chia sẻ: “Dệt may ăn sâu vào văn hóa, lịch sử, ngôi nhà và cả cơ thể chúng ta. Vì vậy, khi tôi sử dụng kỹ thuật chần bông, dệt, nhuộm tay hay thêu, mọi người thường chia sẻ những ký ức và trải nghiệm của họ với những chất liệu này, đồng thời háo hức khám phá chúng trong cấu trúc của hội họa và những. hình khối trừu tượng mà tôi tạo ra.” Valdez tận dụng sợi dọc và sợi ngang - kết cấu nền tảng của vải dệt trên khung cửi - để sáng tạo nên những tác phẩm trừu tượng giàu kết cấu, kết hợp giữa chần bông, may vá, dệt và vẽ. Sự ghép nối có chủ đích này mở ra vô số điểm giao thoa giữa các phương thức sáng tạo. “Nền tảng bình đẳng trong cách tiếp cận trừu tượng, cùng với việc đưa những kỹ thuật ngoài. hội họa vào hội họa, thường tạo ra một ngôn ngữ trực quan dễ dàng kết nối với người xem” cô nói.
Two Gems, 2020
Valdez chịu ảnh hưởng từ kiến trúc của vùng Tây Bắc Thái Bình Dương, nơi cô lớn lên, cùng với những trải nghiệm cá nhân và cảm xúc của mình trước thế giới. Việc kết hợp nhiều chất liệu trong tác phẩm là cách cô suy ngẫm về những điều đó và gần đây, cô có cơ hội mở rộng quy mô ý tưởng của mình. Trong thời gian lưu trú nghệ thuật tại New Roots Foundation ở Antigua, Guatemala, cô làm việc trong một nhà máy dệt đẳng cấp thế giới, nơi sản xuất những loại vải độc đáo xuất khẩu toàn cầu.
“Theo đề nghị của tôi, họ đã cung cấp một khung cửi sàn tám bàn đạp đặt trong nhà máy để tôi thử nghiệm,” cô chia sẻ. Dưới sự hướng dẫn của Luc Deweerdt, một kỹ sư dệt người Bỉ thuộc thế hệ thứ tư, Valdez đã phát triển một tác phẩm dệt quy mô lớn trên khung cửi khổng lồ, đòi hỏi bốn người vận hành. “Tôi muốn tiếp cận dệt như cách tôi tiếp cận hội họa, vì vậy tôi kết hợp những kỹ thuật dệt ít ngờ tới trong cùng một tác phẩm, chẳng hạn như dệt nhung lông xù với dệt phẳng len. Khi gần hoàn thành, tôi cứ nghĩ rằng nếu là một nghệ sĩ dệt khác, họ có thể tạo ra thứ gì đó tinh vi hơn nhiều với cơ hội này. Nhà máy này từng dệt các tác phẩm của Sheila Hicks tại Venice Biennale, còn tôi thì lại dùng dệt nhung lông xù!”
Xem thêm: Phần 1
Xem thêm: Phần 2
Nguồn tham khảo: 6 Rising Contemporary Artists Using Traditional Craft Techniques
Biên dịch: Hoàng Linh