-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
6 nghệ sĩ triển vọng kết hợp thủ công truyền thống và nghệ thuật đương đại (Phần 1)
Việc sử dụng các kỹ nghệ thủ công cổ xưa và truyền thống trong nghệ thuật đương đại không còn là điều xa lạ. Những kỹ thuật lâu đời này đã trở nên phổ biến trong cả thị trường nghệ thuật lẫn các viện bảo tàng, phòng trưng bày. Sự trở lại của chúng thường được xem như một nỗ lực tìm kiếm điều gì đó chắc chắn, hữu hình giữa thời kỳ đầy biến động hoặc như một cách khước từ thế giới kỹ thuật số để tôn vinh sự thủ công. Sự trỗi dậy của nghệ thuật thủ công cũng phản ánh sự thay đổi trong quan niệm về ranh giới giữa nghệ thuật “cao cấp” và “bình dân”, đồng thời phá vỡ những định kiến về giới tính, sắc tộc và địa vị của những người tạo ra chúng. Nghệ thuật thủ công chính là nơi giao thoa chân thực, phản ánh tinh thần của thời đại.
Tuy nhiên, giữa làn sóng tôn vinh thủ công trong thế giới nghệ thuật, một số kỹ thuật truyền thống lại dần mai một. Nếu như trước đây, những nghệ sĩ như Anni Albers buộc phải tiếp cận nghề thủ công một cách miễn cưỡng, thì ngày nay, các nghệ sĩ chủ động lựa chọn và trân trọng những kỹ thuật này, đồng thời tôn vinh nguồn gốc văn hóa và lịch sử của chúng. Vẫn còn rất nhiều câu chuyện đang chờ được khám phá về cách nghệ sĩ ngày nay tiếp thu và chuyển hóa di sản từ tổ tiên. Hiểu rõ cội nguồn của những kỹ thuật thủ công này, cũng như bối cảnh xã hội và chính trị đã định hình chúng, sẽ giúp ta thấy được chiều sâu ý nghĩa của nghệ thuật đương đại.
Dưới đây là chia sẻ của sáu nghệ sĩ đương đại về lý do họ lựa chọn gắn bó với nghệ thuật thủ công truyền thống và những ý nghĩa mà các kỹ thuật - nhiều trong số đó được kế thừa từ gia đình.
Sarah Zapata
Sinh năm 1988, Corpus Christi, Texas. Hiện sống và làm việc tại New York.
Sarah Zapata, A Famine of Hearing, 2019.
“Nghệ thuật dệt may gắn bó sâu sắc với những trải nghiệm của tôi với tư cách là một người Mỹ gốc Peru” - nghệ sĩ Sarah Zapata chia sẻ. Cô lớn lên giữa hai nền văn hóa: một bên là gia đình người cha gốc Peru, một bên là người mẹ xuất thân từ một gia đình theo đạo Tin lành Nam Baptist. Chính việc dệt vải thủ công đã giúp cô kết nối hai ảnh hưởng văn hóa lớn trong cuộc đời mình - truyền thống Peru và niềm tin Cơ Đốc.
“Peru có một truyền thống dệt vải vô cùng phong phú. Ông nội tôi thậm chí từng sở hữu một cửa hàng vải ở Piura, nơi gia đình bên nội tôi sinh sống. Bên cạnh đó, làm việc với vải cũng là điều mà một người phụ nữ Cơ Đốc ngoan đạo nên làm,” Zapata giải thích. Cô cũng nhắc đến những câu ngạn ngữ đề cao mối liên hệ giữa sự chăm sóc của người phụ nữ với tấm vải của mình và gia đình.
“Truyền thống Peru và tiền Colombo vẫn luôn là nguồn nghiên cứu và cảm hứng đối với tôi, đặc biệt là cách dệt may được sử dụng,” Zapata chia sẻ.
“Trong những nền văn minh này, người ta dành hàng giờ để xe sợi, nhuộm màu, dệt và thêu vải. Những tấm vải ấy chính là tượng đài tuyệt đẹp về cách cộng đồng phụ nữ cùng nhau lao động để đạt được một mục tiêu chung. Trong nền văn minh Paracas, dệt may được dùng để ghi dấu những cột mốc quan trọng trong đời người - khi họ chào đời, khi kết hôn và khi qua đời. Khi mất đi, họ được chôn cất cùng với những lớp vải ấy, như thể một chiếc nôi bảo bọc cơ thể họ. Những bộ vải liệm này, gọi là mummy bundles, luôn là điều khiến tôi trăn trở và tìm về.”
In times of mourning or social protest, 2021
Các tác phẩm dệt đa sắc của Zapata được dệt thủ công trên khung cửi sàn chín khung theo phong cách Mỹ. Làm việc với đôi tay trên khung cửi, ngồi trên sàn nhà, với cô, là một cách để kết nối cả hai nền văn hóa mà mình thuộc về, cũng như tìm hiểu mối quan hệ giữa bản thân và truyền thống theo một cách không truyền thống.
Zapata mô tả thực hành nghệ thuật của mình bao gồm các sắp đặt dệt có quy mô lớn như một hành trình không ngừng khám phá sự giao thoa giữa dệt may, tinh thần tín ngưỡng và chủ nghĩa thực dân. Đồng thời, cô tìm kiếm cách mà những tác phẩm dệt có thể biến đổi không gian, định hướng chuyển động của cơ thể trong không gian ấy.
Spandita Malik
Sinh năm 1995, Chadigarh, Ấn Độ. Hiện đang sinh sống và làm việc ở New York
Spandita Malik, Rukmesh Kumari, 2020.
Spandita Malik khám phá cách mà nghề thêu truyền thống Ấn Độ được lưu truyền qua dòng nữ hệ trong gia đình cô, trở thành một ngôn ngữ chung kết nối những người phụ nữ với nhau. “Tôi học thêu từ mẹ, và mẹ tôi học từ bà ngoại,” Malik chia sẻ. “Tác phẩm thêu cổ nhất của bà ngoại tôi, trên nền lụa đỏ sẫm với chỉ vàng, vẫn treo trong ngôi nhà thời thơ ấu của tôi và đã gần 75 năm tuổi.”
“Từ lâu, thêu tay và thủ công đã là một di sản được truyền lại qua nhiều thế hệ phụ nữ,” cô tiếp tục. “Những động tác thủ công tưởng như giản đơn ấy thực chất là một cách để chống lại áp bức, ghi dấu trên vải bằng những sợi chỉ, tạo nên một ngôn ngữ riêng đầy ý nghĩa.”
Trong dự án Nari, Malik - người lớn lên ở Chandigarh và hiện sống tại New York trở về các bang Punjab, Rajasthan và Uttar Pradesh để nghiên cứu các kỹ thuật thêu nổi tiếng tại từng vùng: Chikankari ở Lucknow, Zardozi ở Jaipur, Khaddar và Phulkari ở Punjab. Cô dành thời gian bên những người phụ nữ thợ thêu, quan sát họ làm việc, rồi thực hiện một dự án chân dung cộng tác. Malik chụp ảnh các nghệ nhân, in hình họ lên vải địa phương, và sau đó, mỗi người sẽ hoàn thiện chân dung của chính mình bằng chỉ và kỹ thuật thêu truyền thống của họ.
Spandita Malik, Fozia, 2019.
Spandita Malik, Sarfaraz, 2020.
Malik nhấn mạnh rằng Phulkari (nghĩa đen là “nghệ thuật hoa”) là một phong cách thêu độc đáo của vùng Punjab. “Hơn cả một nghề thủ công, những sợi chỉ của Phulkari gắn chặt với lịch sử Punjab,” cô chia sẻ. “Cả hai đều đã trải qua nhiều biến động: sự chia cắt đất nước, cải cách công nghiệp, những thay đổi về kinh tế và xu hướng thời trang. Lịch sử của Phulkari bắt nguồn từ thời kỳ mà các tập quán văn hóa được chia sẻ rộng rãi, khi phụ nữ thuộc mọi tôn giáo đều sáng tạo và khoác lên mình những tấm vải thêu tinh xảo này. Vào đầu thế kỷ 19, Phulkari không chỉ là một trang phục mà còn tượng trưng cho tài sản của người phụ nữ, giống như vàng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.”
Giá trị và vẻ đẹp của Phulkari nằm ở từng chi tiết tinh tế. “Mũi đột chỉ là kỹ thuật được sử dụng phổ biến nhất trong Phulkari, và chất lượng của một tác phẩm có thể được đánh giá dựa trên độ rộng của mũi thêu,” Malik giải thích. “Mũi thêu càng nhỏ, tác phẩm càng tinh xảo.”
Spandita Malik, Kosar, 2019.
Trong khi đó, Zardozi – kỹ thuật thêu truyền thống của Rajasthan – từng được sử dụng để trang trí lều hoàng gia và các vật nuôi trong cung đình. Đây là một hình thức thêu công phu, nặng nề, sử dụng chỉ kim loại bằng vàng và bạc (trước đây từng dùng lá vàng và dây bạc nguyên chất). Nghệ thuật này có nguồn gốc từ Trung Đông và Nam Á, xuất hiện ở Ấn Độ từ thời Rigveda, khoảng năm 1500–1200 TCN. Qua bao thăng trầm của lịch sử, Zardozi đã nhiều lần thay đổi vị thế trong xã hội, được sử dụng cho các mục đích chính trị và xã hội khác nhau. Gần đây nhất, theo Malik, nó đã được khuyến khích phát triển sau khi Ấn Độ giành độc lập.
Spandita Malik, Nuzrat Praween, 2019.
“Những người phụ nữ Ấn Độ mà tôi làm việc cùng tìm đến nhau để chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau,” Malik nói. “Họ lập nên những nhóm thủ công, giúp nhau biến lao động thành sự tự do tài chính. Họ dạy cho nhau những kỹ thuật thêu nổi tiếng trong khu vực, vốn đã được truyền qua nhiều thế hệ phụ nữ trong gia đình.”
Xem tiếp: Phần 2
Xem tiếp: Phần 3
Nguồn tham khảo: 6 Rising Contemporary Artists Using Traditional Craft Techniques
Biên dịch: Hoàng Linh