-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
6 nghệ sĩ triển vọng kết hợp thủ công truyền thống và nghệ thuật đương đại (Phần 2)
Jordan Nassar
Sinh năm 1985, New York. Hiện sống và làm việc tại New York.
Jordan Nassar, I climbed the cloud, 2021.
Nghệ sĩ gốc Palestine được sinh ra và lớn lên tại New York, chia sẻ: “Là một người Mỹ gốc Palestine thế hệ thứ hai, đôi khi tôi cảm thấy kết nối với di sản của mình trở nên nhạt nhòa và xa vời.”
Nassar được biết đến với nghệ thuật thêu chữ thập truyền thống của Palestine, còn gọi là tatreez - một kỹ thuật cổ xưa thường được truyền từ mẹ sang con gái, thực hành trong những khoảnh khắc quây quần bên tách trà. Anh lần đầu tiên tiếp xúc với tatreez thông qua các vật dụng trang trí trong nhà, những món đồ mà cha anh mang về từ Palestine.
Với Nassar, nghệ thuật này không chỉ là một phương thức sáng tạo mà còn là cầu nối giúp anh tiếp xúc và hợp tác trực tiếp với những người thợ thủ công tại Palestine. “Điều đó cho phép tôi, theo một cách nào đó, trở thành một phần thực sự của cộng đồng Palestine - điều mà tôi vô cùng trân trọng.”
Trong các tác phẩm của mình, Nassar hợp tác cùng các. nghệ nhân bản địa để tạo ra những tác phẩm lấy cảm hứng từ các họa tiết truyền thống, nhưng đồng thời mang theo cách diễn giải đầy cảm xúc của riêng anh về quê hương, về ánh sáng và phong cảnh đặc trưng của vùng đất Palestine.
Jordan Nassar, The Sun Still Watching, 2021.
Jordan Nassar tin rằng với những người sống xa quê hương, cách dễ dàng nhất để kết nối với văn hóa gốc chính là qua những sản phẩm vật chất có thể xuất khẩu—như ẩm thực, âm nhạc và thủ công mỹ nghệ. “Chúng ta không thể trải nghiệm trực tiếp nhịp sống của quê hương, không thể cảm nhận được cây cỏ, khí hậu hay vùng đất ấy,” anh chia sẻ. “Vì vậy, tôi luôn đắm mình vào những biểu hiện hữu hình của nền văn hóa đó, và nghệ thuật thủ công Palestine đã trở thành trung tâm trong sự kết nối của tôi với di sản.”
Thêu tay không chỉ là một kỹ thuật nghệ thuật mà còn là nhịp sống trong ngày của Nassar, giúp anh hòa vào dòng chảy của một truyền thống kéo dài hàng thế kỷ. “Quá trình học hỏi và rèn luyện đôi tay, cơ thể để thực hiện những gì mà biết bao thế hệ người Palestine từng làm khiến tôi cảm thấy gần gũi hơn với quê hương mình” - anh nói.
Anya Paintsil
Sinh năm 1993, Wrexham, Wales. Hiện sống và làm việc tại Manchester, Anh.
Anya Paintsil sử dụng hoàn toàn các công cụ thủ công trong tác phẩm của mình, bao gồm kim đột (punch needle) và móc thảm (latch hook). “Kỹ thuật punch needling sử dụng một cây kim rỗng để đẩy len xuyên qua nền vải bố hoặc vải thô, tạo thành các vòng sợi,” cô giải thích. Ngoài ra, cô còn áp dụng phương pháp làm thảm vụn (rag rugging) hoặc proddy trong đó sợi len hoặc vải vụn được kéo qua nền vải bố và kỹ thuật móc thảm, sử dụng những dải vải nhỏ để tạo hoa văn. Mỗi tác phẩm của cô bao gồm hàng chục nghìn vòng sợi, tạo nên bề mặt phong phú và sống động.
Kỹ thuật làm thảm vụn xuất hiện tại Anh vào thế kỷ 19, khi công nhân dệt may và gia đình họ tận dụng vải thừa từ các nhà máy để tái chế thành vật dụng gia đình. Paintsil bị thu hút bởi chính nguồn gốc này. “Cả hai kỹ thuật này đều xuất phát từ hoàn cảnh nghèo khó, được sử dụng để tái chế vải cũ và quần áo cũ, mang ý nghĩa thực tế và lao động—đó chính là lý do tôi chọn chúng thay vì những kỹ thuật dệt khác thường mang tính trang trí nhiều hơn,” cô chia sẻ.
Với Paintsil, tính dân dã và lịch sử của các phương pháp dệt thảm có ý nghĩa đặc biệt. “Những kỹ thuật này gắn liền với lao động của phụ nữ thuộc tầng lớp lao động, với sự sáng tạo trong không gian gia đình, và với tính dễ tiếp cận: Người ta có thể tạo ra những tấm thảm lớn ngay tại nhà mà không cần khung dệt hay những thiết bị đắt tiền,” cô nói. Thông qua việc sử dụng những kỹ thuật này, Paintsil không chỉ tôn vinh nguồn gốc của mình mà còn đặt câu hỏi về ranh giới giữa nghệ thuật và thủ công.
For Efia - feeling powerful with my red nails, 2019
Anya Paintsil thực hành các kỹ thuật dệt mà cô học từ bà ngoại. “Tôi tin rằng bà học chúng từ cụ tôi - cả hai đều lớn lên trên những trang trại, nơi mà những kỹ thuật này khá phổ biến cùng với các hình thức dệt may thủ công khác” - cô chia sẻ.
Trái với quan niệm thông thường rằng các phương pháp thủ công này có tính trị liệu, Paintsil lại có góc nhìn khác. Dù cô cảm thấy thích thú với sự tập trung và tính tỉ mỉ của quá trình làm việc, cô nhấn mạnh rằng đây là một quá trình đầy thử thách và nặng nhọc.
“Tôi xem việc làm thủ công theo cách này - không sử dụng công cụ điện tự động - như một phần di sản của mình. Nhưng tôi cũng cố tình làm việc ở quy mô lớn để phá vỡ những định kiến về các nghề thủ công do phụ nữ thống trị trong lịch sử, vốn thường bị xem là những thú vui nhỏ nhặt và vô nghĩa,” Paintsil nói. “Quá trình này kéo dài, đòi hỏi sự kiên trì và ra quyết định liên tục, cùng với sự chú ý đến từng chi tiết. Điều này đúng với mọi kỹ thuật thêu dệt, nhưng khi làm ở quy mô lớn, tôi cảm thấy nó không thể bị phớt lờ hay coi nhẹ.”
Thông qua tác phẩm của mình, Paintsil không chỉ bảo tồn một truyền thống mà còn thách thức những nhận thức cố hữu về nghề thủ công, vai trò của phụ nữ trong nghệ thuật và ranh giới giữa lao động và sáng tạo.
Xem thêm: Phần 1
Xem thêm: Phần 3
Nguồn tham khảo: 6 Rising Contemporary Artists Using Traditional Craft Techniques
Biên dịch: Hoàng Linh