-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Từ Renoir đến Kusama: Những hoạ sĩ nổi tiếng tại Art Basel (Phần 1)
Các tác phẩm nghệ thuật của họ sẽ được trưng bày ở cả sàn triển lãm nghệ thuật Hồng Kông và trong những phòng trưng bày nghệ thuật trực tuyến.
Hoạ sĩ người Mỹ Alice Neel từng nói rằng: “Một trong những lý do tôi vẽ tranh là để bắt được những khoảnh khắc tức thì của cuộc sống khi nó đang trôi qua”. Từ những năm 1920 đến những năm 1980, Neel đã vẽ những bức tranh sơn dầu chân dung của các nghệ sĩ, nhà hoạt động, phụ nữ mang thai khỏa thân và những cá thể bị gạt ra ngoài lề xã hội như những người hàng xóm của bà ở Spanish Harlem, vào thời điểm mà tranh tượng hình không được ưa chuộng nhiều. Bắt đầu mà không có bản phác thảo sơ bộ, bà vẽ trực tiếp những đường viền màu đen tự phát lên khung vẽ và sử dụng các nét vẽ dày đặc và bảng màu đậm. Hòa hợp sâu sắc với thế giới nội tâm và ngôn ngữ cơ thể của những nhân vật ngồi trước mặt mình, các tác phẩm của Neel không chỉ khẳng định ý thức về phẩm giá của đối tượng mà còn phơi bày sự mềm yếu của họ.
Alice Neel, chân dung Ellie Poindexter, 1961. Trưng bày tại Art Basel Hong Kong và trong 'OVR: Hong Kong' của Victoria Miro (London và Venice). Thuộc sở hữu của nhà sưu tập nghệ thuật Victoria Miro.
Hoạ sĩ người Mỹ Rashid Johnson được biết đến với những tác phẩm đề cao tính cảm giác được làm từ các vật liệu bao gồm sàn gỗ, xà phòng đen và bơ hạt mỡ. Những thử nghiệm vật lý cường độ cao liên quan đến đốt, đổ, cào và điêu khắc, thăm dò các vấn đề về bản sắc, chủng tộc và những nỗi đau của con người. Gian hàng và phòng xem trực tuyến (OVR) của GRAY sẽ trưng bày một bức ảnh từ loạt những tác phẩm ban đầu, được tạo ra bằng cách phủ các vật thể như hạt bông, xương gà, hạt đậu mắt đen và hạt dưa hấu lên giấy cảm quang, sau đó Johnson đưa chúng tiếp xúc với ánh sáng, để lại một hình ảnh trừu tượng ở trên bề mặt. Những hình ảnh thanh tao này gợi lên như những sơ đồ thiên văn. Johnson nói: “Sự trừu tượng này củng cố ý tưởng về văn hóa nằm ngoài định nghĩa và sự trải nghiệm văn hóa là siêu việt”.
Rashid Johnson, tranh “Không Tiêu Đề” (Xương Gà), 1999. Trưng bày tại Art Basel Hong Kong và trong 'OVR: Hong Kong' của Grey (Chicago). Thuộc sở hữu của hoạ sĩ và Gray.
Lalan
Sinh ra tại Quý Châu, Trung Quốc, vào năm 1921, Lalan lớn lên trong một gia đình văn học, những người luôn khuyến khích niềm đam mê âm nhạc của bà. Bà được đào tạo thành một nhà soạn nhạc và ca sĩ soprano trước khi chuyển đến Paris vào những năm 1940 với người chồng đầu tiên, nghệ sĩ Zao Wou-Ki. Trong khi danh tiếng của Zao làm lu mờ quá trình làm việc của Lalan từ lâu, thì công việc của bà cuối cùng cũng vươn mình ra khỏi bóng tối trong vòng thập kỷ qua. Những bức tranh sơn dầu trừu tượng cuốn hút, mơ màng của Lalan lấy từ vô số nguồn cảm hứng bao gồm thư pháp Trung Quốc, âm nhạc, khiêu vũ và phong trào Nghệ thuật Informel của Pháp. Lalan cũng đã phát minh ra loại hình nghệ thuật đa ngành của riêng mình mà bà gọi là l'art synthèse - những tác phẩm mang tính thử nghiệm cao bao gồm màn trình diễn điệu nhảy hiện đại do bà tự biên đạo trước các bức tranh của mình.
Lalan (Jing-lan Xie), tác phẩm Rouge, la Révolution (Màu Đỏ, Cách mạng), 1989. Trưng bày tại Art Basel Hong Kong và trong 'OVR: Hong Kong' của phòng trưng bày nghệ thuật Kwai Fung Hin (Hong Kong). Thuộc sở hữu của Phòng trưng bày nghệ thuật Kwai Fung Hin.
Tác phẩm của hoạ sĩ Jordan Wolfson từ Los Angeles tạo ra những phản ứng cực đoan, từ ghê sợ cho đến bối rối và tức giận. Một vài tác phẩm điêu khắc hoạt hình và các dự án thực tế ảo của anh ấy, gợi lên những cảnh bạo lực và sa đọa, được mô tả theo nhiều cách khác nhau là độc hại, gây ác mộng và vô trách nhiệm. Tuy nhiên, theo Wolfson, những tác phẩm này chạm đến chủ nghĩa tư tưởng và sự hoang tưởng của thời đại chúng ta: 'Tôi đang cố nói điều gì đó mà những người khác đều đang nghĩ nhưng không ai dám nói ra', anh từng giải thích. Được trưng bày tại sự kiện và trong không gian của David Zwirner sẽ là một loạt các bản in do trí tuệ AI tạo ra bằng phần mềm DALL-E cũng như Điêu Khắc Đỏ (2023) – một cậu bé bù nhìn màu đỏ mặt đầy đe dọa với đôi mắt trũng sâu. Treo lủng lẳng trên một sợi dây chuyền, nhân vật hoạt hình khó gần dường như có thể hồi sinh bất cứ lúc nào.
Các tác phẩm của Jordan Wolfson, được trưng bày tại Art Basel Hong Kong và trong 'OVR: Hong Kong' của David Zwirner (New York, Hong Kong, London và Paris). Trái: Không tiêu đề, 2023. Phải: Điêu khắc đỏ, 2016-2022 (chi tiết). © Jordan Wolfson Thuộc sở hữu của nghệ sĩ và David Zwirner.
Xem thêm phần 2 tại đây
Biên dịch: Vũ
Biên tập: Huyền
Nguồn: https://www.artbasel.com/renoir-kusama-famous-artists-at-art-basel-hong-kong