-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Triển lãm nghệ thuật vị ngọt: “Grand Dessert” kể chuyện lịch sử qua món tráng miệng
Tại Hà Lan, bảo tàng Kunstmuseum Den Haag đang biến món tráng miệng thành chủ đề chính cho một triển lãm nghệ thuật đặc sắc mang tên “Grand Dessert”. Triển lãm này không chỉ “chiêu đãi” thị giác mà còn khơi gợi những câu chuyện xã hội, văn hóa và lịch sử gắn liền với các món ngọt.
Tác phẩm Bakery Case (1996) của Wayne Thiebaud được trưng bày trong triển lãm Grand Dessert tại Kunstmuseum Den Haag. (Hình ảnh: Tư liệu: Kunstmuseum Den Haag).
Được đồng giám tuyển bởi chuyên gia ẩm thực Janny van der Heijden, người dẫn chương trình The Great Dutch Bake Off, và Suzanne Lambooy, giám tuyển nghệ thuật ứng dụng của bảo tàng, “Grand Dessert” kết hợp tác phẩm cổ điển và đương đại: từ tranh vẽ, điêu khắc, video cho đến các hiện vật lịch sử, kể lại vai trò của món tráng miệng qua nhiều thế kỷ.
Willem van Mieris, A Grocer’s Shop (1717). (Hình ảnh: Bộ sưu tập của Mauritshuis, The Hague).
“Ẩm thực kết nối con người,” Lambooy chia sẻ. “Và nó cũng là một nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ sĩ.”
Từ năm 2014, Lambooy đã ấp ủ ý tưởng này với kỳ vọng mang đến một triển lãm nghệ thuật hấp dẫn mà vẫn mang giá trị lịch sử. Thành công của nó đã vượt ngoài mong đợi: hơn 250.000 lượt khách tham quan khiến bảo tàng quyết định kéo dài triển lãm thêm 6 tháng.
Từ tiệm bánh đến bàn tiệc hoàng gia
“Grand Dessert” được chia thành các chủ đề như bánh pudding, sô-cô-la, bánh ngọt và kem. Một điểm nhấn là tác phẩm “Bakery Case” (1996) của Wayne Thiebaud, bậc thầy tranh tĩnh vật về bánh ngọt, đặt cạnh các tạo hình bánh bằng thủy tinh và gốm sứ của Shayna Leib, gợi nhắc sự quyến rũ không thể cưỡng lại của đồ ngọt.
Những ảnh hưởng văn hóa Hà Lan được thể hiện rõ qua bức tranh thế kỷ 18 “A Grocer’s Shop” của Willem van Mieris, đối thoại cùng một chiếc bánh “Mondrian” làm bằng marzipan, do đầu bếp nổi tiếng Robèrt van Beckhoven thực hiện. Công thức dựa trên cuốn sách “Modern Art Desserts”, một phần của triển lãm tôn vinh các cuốn cookbook như những tư liệu lịch sử và sáng tạo.
Túi Charlotte Russe của RommyDeBommy. (Hình ảnh: Tư liệu: Kunstmuseum Den Haag).
Ngoài ra, những chiếc túi xách hình bánh của nhà thiết kế phụ kiện Rommy Kuperus (RommyDeBommy) khiến người xem không khỏi bật cười. Dù không phải để sử dụng hằng ngày, những chiếc túi hình bánh tart hay crème brûlée này vẫn là minh chứng sống động cho tinh thần “nghệ thuật vị ngọt” trong đời sống hiện đại.
Lịch sử đường, hoa và đế quốc
Triển lãm Grand Dessert. (Hình ảnh: Tư liệu: Kunstmuseum Den Haag).
Bên cạnh yếu tố thẩm mỹ, sự kiện nghệ thuật “Grand Dessert” không né tránh các vấn đề lịch sử. Triển lãm đề cập đến vai trò của đường trong thương mại và thực dân, thông qua các tác phẩm như bình tulip gốm Delft thế kỷ 17 do nghệ sĩ Natasja Sadi sắp đặt cùng hoa đường tinh xảo, một phản hồi trực tiếp đến di sản thuộc địa Suriname của cô.
Tác phẩm hoa đường của Natasja Sadi trong bình tulip Delftware, trưng bày tại triển lãm Grand Dessert tại Kunstmuseum Den Haag. (Hình ảnh: Tư liệu: Kunstmuseum Den Haag).
Triển lãm còn giới thiệu các sách cổ chỉ dẫn cách nặn hoa đường, từng được dùng trong các bữa tiệc hoàng gia châu Âu như tác phẩm điêu khắc trên bàn ăn. Những bữa tiệc ấy đôi khi lên đến hơn 100 món, trong đó có nhiều món chỉ để ngắm.
Nghệ thuật đương đại và quyền lực nữ giới
Ayaka Hayashi, Garden of Sweets (2024). Mượn từ nghệ sĩ. (Hình ảnh: Tư liệu: Kunstmuseum Den Haag).
Từ khuôn đổ bánh pudding bằng gốm, thủy tinh đến bộ sưu tập hơn 100 chiếc khuôn từ bộ sưu tập tư nhân của Agnes Jansen-van Daalen, không gian triển lãm gợi nhắc về kỹ thuật và sáng tạo trong nghệ thuật bếp núc. Một số khuôn đến từ chính nhà bếp của van der Heijden, hay từ lâu đài Twickel.
Nhiều tác phẩm được tạo hình công phu như tranh pudding xanh nhạt của Arnout van Albada, điêu khắc thạch bằng thủy tinh của Ayaka Hayashi, và đoạn video “Adventures in Jelly” với những chiếc thạch lắc lư vui nhộn của Caroline Tremlett.
“Triển lãm này cũng là lời tôn vinh vai trò của phụ nữ trong nghệ thuật làm bánh,” Lambooy nhấn mạnh. “Nó đại diện cho nghệ thuật ứng dụng trong đời sống, những đóng góp bị xem nhẹ nhưng giàu chất thẩm mỹ và giá trị xã hội.”
Tác phẩm tráng miệng móc len của Kate Jenkins. (Hình ảnh: Tư liệu: Nghệ sĩ).
Từ những bộ dụng cụ bánh bạc thế kỷ 19 cho đến bánh móc len của nghệ sĩ Kate Jenkins, mỗi tác phẩm trong “Grand Dessert” đều kể một câu chuyện, về quyền lực, địa vị, chủng tộc và ký ức.
Một bữa tiệc toàn cầu
Minh họa từ The Book of Patisserie (1873), Jules Gouffé. (Hình ảnh: Bộ sưu tập của Đại học Amsterdam).
Triển lãm cũng đề cập đến các món ngọt quốc tế như baklava, phổ biến ở Trung Đông, hay bánh quy fortune cookie, vốn có gốc Nhật nhưng được lan truyền tại Mỹ qua các nhà hàng Hoa kiều. Nghệ sĩ Benjamin Li đã làm phiên bản cookie bằng gốm, lấy cảm hứng từ trải nghiệm gia đình mình tại Hà Lan.
“Grand Dessert” không chỉ là triển lãm nghệ thuật thị giác, mà còn là một workshop nghệ thuật lớn về văn hóa ẩm thực, lịch sử, nữ quyền, và ký ức. Từ tranh triển lãm nghệ thuật, ảnh triển lãm nghệ thuật cho đến thiết kế trưng bày, tất cả cùng tạo nên một sự kiện nghệ thuật sống động và đáng nhớ.
Sự kiện nghệ thuật: “Grand Dessert: The History of the Dessert”
Diễn ra tại Kunstmuseum Den Haag, Hà Lan
Từ ngày 23/11/2024 đến 26/10/2025
Nguồn: A Dessert-Themed Exhibition Lets You Have Your Art—and Eat It, Too
Quỳnh Hoa