-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Tranh sơn mài Việt Nam vươn ra thế giới (P1)
Từ một dòng tranh truyền thống, ngày nay tranh sơn mài Việt Nam đang bước ra và có chỗ đững vững chãi trong làng hội họa quốc tế.
Trong khi một số nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc hay Nhật Bản chủ yếu coi sơn mài là chất liệu cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sơn mài đã trở thành dòng tranh nổi tiếng của Việt Nam ngay từ đầu thế kỷ 20. Nhưng dấu tích của sơn mài đã xuất hiện từ trước đó rất lâu. Nhiều dấu tích đã được tìm thấy trong nhiều đồ trang trí và tượng Phật ở nhiều ngôi chùa cổ, như chùa Dâu ở Bắc Ninh, được xây dựng vào thế kỷ thứ II.
Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, những thầy giáo dạy tiếng Pháp và những sinh viên ưu tú của trường Mỹ thuật Đông Dương thời Pháp thuộc đã thử nghiệm ứng dụng chất liệu sơn mài cho các bức tranh của họ. Chính những nét sơn mài truyền thống kết hợp với lý thuyết nghệ thuật cổ điển phương Tây và sự sáng tạo của các họa sĩ nổi tiếng như Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn hay Phạm Hậu, đã tạo nên một diện mạo mới của nghệ thuật Việt Nam. Trong một thời gian ngắn, loại hình nghệ thuật này đã đạt được vị thế quan trọng, tương đương với tranh sơn dầu của phương Tây.
Tranh sơn mài đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn cao độ
Tranh sơn mài sử dụng nhựa chiết xuất từ cây sơn ta trồng nhiều ở vùng núi phía bắc tỉnh Phú Thọ. Trong tạo tác một bức tranh sơn mài nghệ thuật, các họa sĩ sẽ kết hợp các lớp vỏ trứng, vỏ trai, vàng hoặc bạc lá và màu đã được trộn với nhựa cây lên ván gỗ. Tấm sơn mài sau đó sẽ được giữ trong môi trường ẩm ướt cho đến khi khô và sẵn sàng để được mài bóng. Giai đoạn mài bóng chính là thời điểm sáng tạo của người họa sĩ khi họ thỏa sức tạo ra các lớp, mảng màu và chi tiết theo cách của riêng mình.
Nét độc đáo của tranh sơn mài Việt Nam là sự kết hợp hài hòa giữa năm yếu tố cơ bản: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Thếp vàng và thếp bạc tượng trưng cho kim, gỗ trong ván sơn và nhựa cây sơn tượng trưng cho mộc, nước dùng để đánh bóng tượng trưng cho thủy, lửa để làm khô vỏ trứng và vỏ trai tượn trưng cho hỏa, và đất trong các khoáng chất tự nhiên tượng trưng cho thổ cùng được mài và xử lý để tạo ra một tác phẩm sơn mài nhiều màu sắc khác nhau,
Do đặc tính riêng biệt của chất liệu nên tranh sơn mài đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn cao, kèm theo tuổi thọ có thể lên đến hàng trăm năm cho các tác phẩm tranh.
Tác phẩm “Những nàng tiên” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí được trưng bày tại Phòn trưng bày Quốc gia số 1 Singapore vào năm 2015
Mỗi bức tranh sơn mài mang đến một vẻ đẹp bí ẩn riêng ẩn chứa trong những lớp sơn, màu sắc vừa quý phái, lộng lẫy nhưng cũng phảng phất như tâm hồn của người Việt. Tranh là sự kết hợp hoàn hảo giữa kỹ thuật và chất liệu truyền thống độc đáo đã và đang nhận được nhiều sự ngưỡng mộ của khách tham quan và giới phê bình mỹ thuật quốc tế.
Đơn cử như tác phẩm sơn mài “Những nàng tiên” (The fairies), bức tranh sơn mài của họa sĩ Việt Nam Nguyễn Gia Trí, đã thu hút sự chú ý của khách tham quan nhờ kích thước lớn và màu sắc ấn tượng khi được triển lãm tại Singapore. “Những nàng tiên” được sáng tác vào năm 1936 trên khổ bức tranh 2,9m x 4,4m là một trong những tác phẩm sơn mài lớn nhất của họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Ông được coi là nghệ sĩ tiên phong của Việt Nam trong việc đưa sơn mài vào các tác phẩm nghệ thuật.
Biên dịch: Minh Hậu
Biên tập: Thu Huyền
Nguồn: Vietnamese lacquer art takes on the world | vietnamnet.vn