-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Tranh ngoài trời: Nắm bắt tinh thần của thiên nhiên ( Phần 1)
Một bức tranh được tạo nên hoàn toàn dưới bầu trời mở – nơi ánh sáng, màu sắc và vẻ đẹp hùng vĩ của tự nhiên hòa quyện – ngày nay là điều chúng ta dễ dàng đón nhận như một lẽ thường. Thế nhưng, hành trình hình thành nên nghệ thuật vẽ ngoài trời (từ tiếng Pháp en plein air, nghĩa đen là “trong không khí ngoài trời”) lại trải qua một tiến trình dài đầy biến chuyển. Ban đầu, các họa sĩ chủ yếu sử dụng màu nước – nhẹ, dễ mang theo và mau khô – cho đến khi một bước tiến lớn vào thế kỷ 19, với sự xuất hiện của ống sơn dầu thu gọn, mở ra một kỷ nguyên mới cho việc sáng tác giữa thiên nhiên.
Trước khi công nghệ này xuất hiện, nghệ sĩ buộc phải mạo hiểm bước ra thiên nhiên để phác thảo hoặc vẽ bằng màu nước, nhằm bắt trọn tinh thần của cảnh vật, rồi sau đó trở về xưởng vẽ để hoàn thiện tác phẩm sơn dầu lớn hơn, tinh xảo hơn. Với khả năng khô nhanh và tiện lợi, màu nước trở thành công cụ chủ đạo để nghiên cứu ngoài trời, cho phép các họa sĩ như John Constable theo đuổi những biểu hiện tinh tế và thay đổi liên tục của thiên nhiên trong khoảnh khắc thực.
Năm 1841, John G. Rand phát minh ra ống sơn dầu di động – một đổi mới mang tính cách mạng. Lần đầu tiên, sơn dầu có thể được đem theo và sử dụng ngoài trời một cách thuận tiện, trao vào tay người nghệ sĩ khả năng sáng tác trực tiếp trong thiên nhiên với chất liệu giàu biểu cảm và độ linh hoạt vượt trội. Phát minh này không chỉ mở đường cho sự hình thành Trường phái Barbizon và những bậc thầy Ấn tượng sau này, mà còn định nghĩa lại toàn bộ cách thức mà nghệ sĩ có thể ghi lại những khoảnh khắc thoáng qua, những hiệu ứng ánh sáng biến ảo và hơi thở sống động của tự nhiên.
Nhờ đó, những tác phẩm hội họa say đắm lòng người, từ hồ nước tĩnh lặng, núi non hùng vĩ đến rừng cây xanh rì và đồng cỏ bao la, đã lần lượt xuất hiện trên toan vải. Ngày nay, vẽ ngoài trời là một hình thức nghệ thuật phổ biến và được ưa chuộng rộng rãi. Nhưng vào đầu thế kỷ 19, đó chỉ là một nhánh nhỏ đầy thử thách, mà bước chuyển mình mang tính cách mạng kỹ thuật nhiều hơn là thẩm mỹ.
Wilton Charles McCoy – “Phong cảnh ngoài trời California.”
Một khung cảnh đang đổi thay
Đầu thế kỷ 19, phần lớn các họa sĩ vẫn sáng tác trong không gian khép kín của xưởng vẽ – không chỉ do điều kiện vật chất, mà còn vì đó là lựa chọn hợp lý. Việc tự tay chế tạo sơn từ các sắc tố tự nhiên là công việc vừa công phu vừa tốn thời gian, chưa kể sơn dầu lúc đó cồng kềnh và không dễ di chuyển. Trong bối cảnh ấy, màu nước trở thành giải pháp tối ưu: nhỏ gọn, mau khô và tiện lợi, cho phép các nghệ sĩ có thể nắm bắt phong cảnh trong trạng thái sống động và tức thời. Đây cũng là lý do vì sao các bản nghiên cứu ngoài trời – đặc biệt là đề tài phong cảnh – thường được thực hiện bằng màu nước, trong khi các tác phẩm hoàn chỉnh bằng sơn dầu lại được hoàn thành trong xưởng.
Dù vậy, nhu cầu vượt ra khỏi giới hạn của xưởng vẽ ngày càng trở nên rõ rệt. Vào năm 1800, họa sĩ Pierre-Henri de Valenciennes – người được ghi nhận là người khởi xướng thuật ngữ “ngoài trời” – đã kêu gọi các họa sĩ phong cảnh mạnh dạn bước ra không gian mở, sáng tác ngay tại chỗ, để bắt trọn tinh thần tự nhiên trong khoảnh khắc chân thực nhất.
Tư tưởng ấy đã nảy mầm và lớn dậy trong Trường phái Barbizon, được đặt theo tên ngôi làng nhỏ gần rừng Fontainebleau. Từ những năm 1830, các họa sĩ thuộc trường phái này – kế thừa quan điểm của De Valenciennes và được truyền cảm hứng từ những bậc tiền bối người Anh như John Constable – đã bắt đầu vẽ ngay giữa thiên nhiên, hướng tới một phong cách trung thực, trữ tình hơn trong miêu tả cảnh vật. Nếu ban đầu họ vẫn chủ yếu dùng màu nước cho các bản phác thảo, thì đến những năm 1840, khi sơn dầu di động ra đời, họ có thể vẽ trực tiếp bằng sơn dầu ngoài trời – theo phương pháp alla prima, tức “ngay từ lần thử đầu tiên” – với sức sống mãnh liệt và độ bền lâu dài hơn.
Eugène Béringuier – ”Bài học may vá trong vườn”, mặt sau khắc dòng chữ “Ravaudage en plein air.”
Dầu thúc đẩy sự thay đổi nghệ thuật
Một vài bước tiến kỹ thuật tưởng chừng đơn giản đã lặng lẽ định hình lại toàn bộ thực tế của hội họa ngoài trời đối với các họa sĩ sử dụng sơn dầu. Năm 1841, John G. Rand – họa sĩ và nhà phát minh người Mỹ – đã được cấp bằng sáng chế cho loại ống sơn có thể thu gọn đầu tiên, một phát minh nhỏ nhưng mang tầm vóc cách mạng. Nhờ đó, sơn dầu lần đầu tiên có thể được lưu trữ và di chuyển mà không lo bay hơi hay khô cứng. Đồng hành với nó là sự xuất hiện của những chiếc “giá vẽ hộp” – hay còn gọi là giá vẽ dã chiến – được phát triển tại Pháp: nhỏ gọn, cơ động, và đặc biệt phù hợp với sáng tác ngoài trời. Khi được kết hợp cùng vải bạt di động, những cải tiến này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi mà còn làm bùng lên ngọn lửa mới cho phong trào vẽ giữa thiên nhiên.
Frederick McCubbin – “Ngôi nhà của người chăn cừu, Macedon.”
Đến thập niên 1860, Trường phái Barbizon – với những tên tuổi như Théodore Rousseau và Jean-François Millet – đã đạt đến đỉnh cao ảnh hưởng. Lấy cảm hứng từ truyền thống phong cảnh Lãng mạn, họ không chỉ xem thiên nhiên như bối cảnh mà tôn nó lên làm nhân vật chính: một nhân vật biết nói, biết gợi cảm xúc – từ niềm hoan hỉ tột đỉnh đến nỗi u hoài sâu thẳm.
Tuy nhiên, điểm then chốt lại nằm ở cách họ nhìn. Những nghệ sĩ này không còn bó mình trong những ảo tưởng hùng tráng của thế kỷ 17 – không còn tô điểm, không còn cường điệu. Họ để mắt và bản năng làm người dẫn đường, cho phép chính sự bình dị trở thành kỳ diệu. Fontainebleau trở thành điểm đến, Barbizon thành địa danh mang tính biểu tượng. Và những tên tuổi như Claude Monet và Pierre-Auguste Renoir đã không chỉ tìm thấy cảnh vật – họ tìm thấy chính họ – giữa rừng cây và ánh sáng. Phong trào mà sau này mang tên Ấn tượng bắt đầu từ đó, với những nét cọ nhanh, linh hoạt, thấm đẫm sự ám ảnh về cách ánh sáng biến chuyển một khung cảnh chỉ trong chớp mắt.
Thách thức từ chính thiên nhiên
Thế nhưng, để khắc họa thiên nhiên, đôi khi người họa sĩ buộc phải vật lộn với nàng. Họ làm việc trong điều kiện không thể đoán trước: ánh sáng thay đổi từng giờ, thời tiết có thể phản bội sau một phút lặng gió, và thậm chí một người qua đường vô tình cũng có thể phá hỏng bố cục. Ánh nắng gắt có thể làm khô sơn ngay khi cọ chạm toan, và mưa có thể nhấn chìm toàn bộ sắc màu. Nhưng chính sự mong manh ấy lại là điều mà họ theo đuổi – bắt được khoảnh khắc trước khi nó tan biến, với hy vọng rằng những chỉnh sửa sau này trong xưởng chỉ là tối thiểu.
Đó là lý do vì sao nhiều tác phẩm plein air mang một sinh khí tự nhiên khó bắt chước – những nét cọ mềm mại, tự do như hơi thở của gió, như dòng nước vội vã trôi qua. Việc tái tạo màu sắc trung thực là một thách thức khác, nhưng khả năng mang theo sơn dầu đã cho phép nghệ sĩ trộn màu, thoa sơn hoặc thậm chí dùng trực tiếp từ ống ngay tại hiện trường – điều mà thế hệ trước không bao giờ dám nghĩ tới. Ngày nay, với sự phát triển của sơn acrylic và bảng màu nước hiện đại, phạm vi của hội họa ngoài trời càng rộng mở, nhưng tinh thần cốt lõi vẫn không đổi: vẽ thiên nhiên, bằng chính nhịp đập của thiên nhiên.
Edward Willis Redfield – “Con đường trôi dạt”.
Nguồn: IGT
Biên dịch: Trang Lê