Tin tức

Tổng quan về lịch sử tranh sơn mài Việt Nam

Việc sử dụng sơn mài có thể bắt nguồn từ xa xưa của Văn hóa Đông Sơn. Theo truyền thống, sơn mài được sử dụng như một lớp phủ giống như lớp vecni trên các đồ vật. Sơn đơn sắc thường được trộn với bột đỏ hoặc dùng kết hợp với vàng, bạc. Trần Lữ (còn gọi là Trần Thượng Công, sinh năm 1470) được coi là người khai sinh ra nghề sơn mài ở Việt Nam. Ông làm quan dưới triều nhà Lê và đã có nghiên cứu nghề làm sơn mài Trung Quốc qua các chuyến triều cống sang đây. Trở về làng Bình Vọng (huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây), ông đã sử dụng những kỹ thuật sơn mài học hỏi được để bước đầu phát triển bộ môn này. Bước sang thời Lý Trần, sơn mài phát triển như một nghệ thuật trang trí có mối liên hệ khăng khít với Phật giáo. Và dưới thời nhà Nguyễn, sơn mài trở nên đặc biệt phổ biến vì nó gần gũi với nhu cầu cuộc sống hàng ngày. 

Tranh sơn mài “Lễ hội trống” (Drum Festival) của họa sĩ Triệu Khắc Tiến

 

Tuy nhiên, phải đến khi sơn mài được đưa vào trường Mỹ Thuật Đông Dương, nó mới thực sự trở thành một dòng tranh cụ thể. Cụ thể năm 1932, sinh viên mỹ thuật Trần Văn Cẩn và nghệ nhân Đinh Văn Thành đã hợp tác khám phá quy trình chà nhám sơn mài và kỹ thuật pha trộn bột sơn mài, nhựa thông, và màu để vẽ (sơn mài đá bọt). Theo truyền thống, tranh sơn mài bao gồm ba màu khác nhau: đen, đỏ và vàng. Thế nhưng, kể từ khi sơn mài phát triển như một nghệ thuật mỹ nghệ, các vật liệu khác đã được sử dụng kết hợp với sơn mài (bạc và vàng, vỏ trứng, xà cừ, ...) cùng các màu sắc khác. 

Bên cạnh đó, tấm ván dùng để vẽ tranh sơn mài Việt Nam cũng rất đặc biệt. Hai mặt trước sau của tấm ván phải phẳng, có thể vẽ lên được và được phủ năm lớp. Các lớp này bao gồm lớp ván ép mỏng, lớp sơn mài mỏng, lớp vải, lớp hỗn hợp của sơn mài đất, mùn cưa và sau cùng là các lớp sơn mài phủ bên ngoài.

Tranh sơn mài “Sóng đỏ” (Red wave) của họa sĩ Triệu Khắc Tiến

 

Nghệ thuật sơn mài đặc biệt phát triển trong thời kỳ Pháp thuộc với thế hệ họa sĩ sơn mài đầu tiên đã tạo ra những tác phẩm phong cảnh và nhân vật chịu ảnh hưởng chủ nghĩa lãng mạn từ phương Tây. Thế hệ họa sĩ thứ hai của dòng tranh này lại phát huy chủ nghĩa hiện thực, phản ánh thời cuộc qua các bức tranh. Những năm 1960 ở thế kỷ trước có thể được coi là đỉnh cao của sự phát triển hội họa và sự lan tỏa của nghệ thuật sơn mài ra khỏi phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Qua các thế hệ, những nguyên tắc cơ bản trong vẽ tranh sơn mài vẫn được tôn trọng. Ví dụ, bề mặt của bức tranh sơn mài phải nhẵn và phẳng là yếu tố quan trọng khẳng định sự thành công của một tác phẩm sơn mài nghệ thuật. Tuy nhiên, phong cách hội họa được các họa sĩ thể hiện lại có những thay đổi theo khuynh hướng hội họa hiện đại. Đơn cử như, những họa sĩ vẽ tranh sơn mài trẻ ngày nay có những thử nghiệm mới mẻ và độc đáo khi kết hợp sơn mài Việt Nam và Nhật Bản thông qua chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng. Dẫu vậy, không thể phủ nhận tính độc đáo của dòng tranh sơn mài luôn được bộ lộ rõ ràng như độ trong của màu sắc, kết cấu riêng biệt mà không một hình thức nghệ thuật nào có thể sánh bằng.

 

Biên dịch: Minh Hậu

Biên tập: Thu Huyền

Nguồn: Vietnamese lacquer painting - a historicaloverview | https://www.ntcri.gov.tw/

 

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon