-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Tổ chức nghệ thuật và vai trò nâng cao sức khỏe tâm thần
Trong những năm gần đây, các tổ chức nghệ thuật ngày càng được nhìn nhận như những nhân tố tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe tinh thần và nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng. Không chỉ đơn thuần là nơi trưng bày hay sản xuất nghệ thuật, nhiều không gian văn hóa đã mở rộng chức năng xã hội, tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia vào các hoạt động mang tính trị liệu. Các nghiên cứu tại Anh cho thấy, việc tiếp cận nghệ thuật có thể giúp giảm trầm cảm, giảm đau và thậm chí cải thiện chức năng nhận thức, mang lại giá trị xã hội lên đến hàng tỷ bảng Anh mỗi năm.
Mô hình “kê đơn nghệ thuật” và liệu pháp sáng tạo
Một trong những mô hình tiên phong là “kê đơn nghệ thuật” (social prescribing), đang được áp dụng tại nhiều nơi trên thế giới. Tại Thụy Sĩ, bác sĩ có thể kê đơn cho bệnh nhân đến bảo tàng hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời nhằm cải thiện sức khỏe tinh thần. Tại Mỹ, chương trình “Art Pharmacy” ở bang Connecticut kết nối bệnh nhân với các không gian sáng tạo – từ lớp học hội họa đến buổi hòa nhạc cộng đồng – nhằm giảm cảm giác cô lập, lo âu và tăng sự kết nối xã hội. Đây là minh chứng cho thấy nghệ thuật không chỉ mang tính thẩm mỹ, mà còn là công cụ trị liệu thiết thực.
Những tổ chức nghệ thuật tiên phong vì wellbeing
Trên toàn cầu, nhiều tổ chức nghệ thuật đã phát triển các chương trình đặc thù nhằm hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Tại Anh, tổ chức “Paintings in Hospitals” cung cấp dịch vụ cho mượn tranh nhằm tạo ra môi trường chữa lành trong các cơ sở y tế. Tại New Zealand, Toi Ora Live Art Trust tạo điều kiện cho những người đang điều trị tâm lý tham gia vào các hoạt động nghệ thuật không ràng buộc. Ở Mỹ, Arts of Life tại Chicago hỗ trợ nghệ sĩ khuyết tật không chỉ được làm nghề mà còn xây dựng được giá trị sống và sự tự tôn. Những ví dụ này cho thấy tính linh hoạt và khả năng thích ứng cao của các tổ chức nghệ thuật trong bối cảnh xã hội hiện đại.
Chiến lược thực tiễn để nghệ thuật hỗ trợ sức khỏe tâm thần
Các tổ chức nghệ thuật có thể bắt đầu bằng việc tích hợp các hoạt động trị liệu vào chương trình thường kỳ, như workshop vẽ tranh, múa hoặc kể chuyện chữa lành. Đồng thời, việc hợp tác với chuyên gia tâm lý và ngành y tế sẽ giúp các hoạt động này có tính hệ thống và được đánh giá lâm sàng. Không gian triển lãm và hoạt động nghệ thuật cũng nên được thiết kế hướng tới sự hòa nhập, nơi người tham gia không bị phân biệt về năng lực hay quá khứ tâm lý. Bên cạnh đó, việc đo lường tác động thông qua các công cụ như thang điểm WHO‑5 hay UCLA Loneliness Scale sẽ giúp tổ chức theo dõi hiệu quả và tối ưu hóa chương trình. Đây cũng là cơ sở quan trọng để kêu gọi tài trợ từ các quỹ y tế và cộng đồng.
Nghệ thuật như một phần của “văn hóa chăm sóc”
Trong bối cảnh hậu đại dịch, nhu cầu về sức khỏe tinh thần ngày càng rõ rệt. Các tổ chức nghệ thuật đang đứng trước cơ hội để trở thành một phần không thể thiếu của “văn hóa chăm sóc” (care culture). Khi chú trọng wellbeing, tổ chức nghệ thuật không chỉ mở rộng phạm vi hoạt động, mà còn gia tăng giá trị xã hội, cải thiện hình ảnh thương hiệu và khả năng huy động nguồn lực. Quan trọng hơn, nghệ thuật có thể trở thành cầu nối giữa con người với chính họ – và với nhau – trong một thế giới đầy biến động.
Sự gắn kết giữa nghệ thuật và sức khỏe tâm thần không còn là một xu hướng nhất thời, mà đang trở thành chiến lược bền vững cho các tổ chức nghệ thuật trên toàn cầu. Từ mô hình kê đơn nghệ thuật ở Mỹ đến các sáng kiến tại New Zealand, Anh và châu Âu, tất cả đều cho thấy một điều: khi nghệ thuật được thiết kế có chủ đích và đo lường rõ ràng, nó có thể trở thành liều thuốc tinh thần mạnh mẽ. Đây chính là cơ hội để các tổ chức nghệ thuật tại Việt Nam tiên phong định hình vai trò của mình – không chỉ là nơi thưởng thức, mà còn là nơi chữa lành.
Biên dịch: Phương Anh
Nguồn: Call for Curators