-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Thị trường nghệ thuật: Thế kỷ 15 và sự hình thành ở Châu Âu
Thế kỷ 15 đánh dấu sự tái khám phá thế giới cổ điển ở châu Âu trong thời kỳ Phục Hưng, gắn liền với sự quan tâm ngày càng tăng đối với đồ cổ và bản thảo cổ điển. Theo gương nhà thơ Ý Petrarch, người không chỉ sưu tầm sách và tiền cổ mà còn biến phòng làm việc thành đền thờ nghệ thuật, nhiều nhà cai trị đã tạo ra các studiolo—các căn phòng trưng bày nghệ thuật. Nổi bật nhất là studiolo của Isabella d'Este tại cung điện Mantua, nơi trưng bày các tác phẩm của Andrea Mantegna và những đồ vật quý giá khác.
Venice và Florence
Venice, trung tâm thương mại hàng đầu miền bắc Ý, thu hút nhiều nghệ sĩ đến bán tác phẩm và mua bột màu quý hiếm như lapis lazuli. Từ cuối thế kỷ 14, thị trường nghệ thuật bắt đầu hình thành với tranh được bày bán trên Cầu Rialto và các hội chợ diễn ra trong các lễ hội. Cả Venice và Florence đều có hội bán đồ cũ, được gọi là rigattieri, ban đầu buôn bán quần áo và đồ da, sau đó mở rộng sang các mặt hàng nội thất như rương, bàn và ghế.
Đến đầu thế kỷ 15, Florence trở thành một cộng hòa thương mại cạnh tranh khốc liệt, nơi các nghệ sĩ tranh giành đơn đặt hàng. Thị trường cho các bức tranh tôn giáo nhỏ và nội thất gia đình bắt đầu phát triển từ khoảng năm 1430.
Mặc dù hoạt động buôn bán nghệ thuật tăng cao, nhưng giá tranh vẫn thấp cho đến thế kỷ 16, khi khái niệm về "nghệ sĩ" được nâng cao hơn "thợ thủ công." Gia đình Medici nổi tiếng với vai trò bảo trợ và sưu tầm nghệ thuật ở Florence. Lorenzo de'Medici, cùng cha, đã sưu tầm các bản thảo và thảm trang trí, ảnh hưởng đến các bức tranh của Paolo Uccello và bích họa của Bennozo Gozzoli trong Nhà nguyện Medici-Riccardi. Lorenzo đặc biệt yêu thích đồ cổ, nhất là đồ chạm nổi và đá quý, và ông cũng xây dựng một khu vườn điêu khắc cho Michelangelo.
Các quốc gia tại bán đảo Iberia
Tại Bắc Âu, thị trường nghệ thuật bắt đầu phát triển vào cuối thế kỷ 14, tập trung ở các thành phố thương mại lớn của Flanders như Bruges. Một phán quyết năm 1466 đã xác nhận sự tồn tại của các cửa hàng và đại lý nghệ thuật tại đây. Dù các tác phẩm uy tín được vẽ theo yêu cầu chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng thảm trang trí vẫn là hình thức trang trí phổ biến và vào thế kỷ 16, chúng chiếm một phần lớn trong tổng giá trị xuất khẩu của khu vực, phần lớn nhờ sở thích của Medici.
Ở Tây Ban Nha, sự bùng nổ kinh tế và nhu cầu cao về hàng xa xỉ đã thu hút nhiều nghệ sĩ và tác phẩm nghệ thuật. Các thị trường quan trọng hình thành dọc theo các tuyến đường hành hương đến Santiago de Compostela, nơi buôn bán sách sùng đạo và tranh tôn giáo phát triển mạnh. Cuối thế kỷ 15, với những cải tiến về hàng hải, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã bắt đầu buôn bán mạnh mẽ với Đông Á. Hàng hóa quý hiếm như lụa, ngà voi và đồ sứ trở nên phổ biến, đặc biệt là đồ sứ, do kỹ thuật sản xuất của nó chưa được biết đến ở châu Âu. Việc giao thương với châu Mỹ cũng khơi dậy mối quan tâm tương tự đối với các mẫu vật dân tộc học và lịch sử tự nhiên.
Biên dịch: Phương Anh
Nguồn: Brittanica