-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Thành phần và quá trình làm tranh sơn mài
Sơn mài là một chất liệu nghệ thuật rất khó để đạt được biểu cảm một cách trực tiếp bởi các công đoạn của nó rất chậm và tỉ mỉ, bị ảnh hưởng bởi khí hậu, các mùa trong năm và có những đặc điểm không thể đoán trước của một chất liệu tự nhiên. Họa sĩ sơn mài người Pháp Alix Aymé coi quá trình này như một loại thuốc giải độc cho nền công nghiệp hiện đại, bà viết rằng:
"Chúng ta thường không biết sự kiên trì không mệt mỏi là điều cần thiết để chinh phục chất liệu lì lợm này. Tác phẩm sơn mài hiện ra từ từ, từng lớp, được gia công, đánh bóng bằng tình yêu và chỉ đạt đến độ hoàn thiện sau nhiều tháng hoặc nhiều năm […] Trong một thời đại mà có vẻ như máy móc ngày càng phải thế chỗ con người, những lớp sơn mài đẹp đẽ chứng minh cho trí tuệ, sự kiên nhẫn, vô tư, phục tùng trước một chất liệu khó đoán, để nhận ra sự hợp tác kỳ diệu của vật chất và tinh thần. "
Lời kể của bà nhuốm màu chủ nghĩa phương Đông - sơn mài đại diện cho “phương đông” thời tiền hiện đại - nhưng nó vẫn phản ánh được tính thơ trên một kỹ thuật khắt khe
Chất của sơn ta Việt Nam có nguồn gốc từ nhựa của cây rhus succedanea, một trong những cây cho nhựa để làm sơn mài ở châu Á. Để thu hoạch sơn, nhựa được khai thác qua các vết rạch trên thân cây. Chất lượng bị ảnh hưởng bởi khí hậu, mùa vụ, tuổi cây và thậm chí cả vị trí rạch. Sơn sau khi thu hoạch lắng thành từng lớp, mỗi lớp có độ tinh khiết khác nhau. Sơn mài sau đó được làm bằng tay hoặc trộn bằng máy. Khi được quấy bằng que gỗ, lớp sơn mài trở thành một màu nâu dịu, được gọi một cách dân dã là màu cánh gián. Nếu được quấy trộn bằng công cụ sắt thay thế (hoặc thêm bột sắt), một phản ứng hóa học sẽ khiến sơn mài chuyển sang màu đen đục, được gọi là sơn then.
Để chuẩn bị cho tấm ván sơn mài hay còn gọi là vóc - một tấm gỗ phẳng được bọc trong vải tẩm sơn. Bề mặt của tấm gỗ được làm nhẵn bằng hỗn hợp sơn mài, đất sét ướt và mùn cưa. Sau đó, họa sĩ sẽ tạo từng lớp sơn mài một. Mỗi lớp phải được thiết lập cẩn thận, với mức độ ẩm nhất định. Người nghệ sĩ phải làm việc theo đúng mùa, hoặc thận trọng tạo độ ẩm cao hơn độ ẩm thông thường bằng cách treo vải ướt trong một không gian kín, nơi đặt tranh sơn mài . Từng lớp sơn sẽ khô — có thể có hàng chục lớp — được chà nhám và đánh bóng riêng, tạo thành bề mặt tranh của họa sĩ. Bề mặt tranh sẽ thường có màu đen đậm, sau đó họa sĩ sẽ thêm các màu sắc lên các lớp cuối cùng của tranh.
Để vẽ sơn mài, người nghệ sĩ phải vẽ nhiều lớp, có thể không nhìn thấy hết trong tác phẩm đã hoàn thành. Điều này là do quy trình tạo ra sản phẩm bằng cách tạo ra các lớp sơn mài và đồ khảm có màu sắc khác nhau, sau đó mài bề mặt để hiện lại lên các lớp bên dưới. Có một yếu tố ngẫu nhiên, vì không phải lúc nào cũng biết rõ các lớp dưới sẽ trông như thế nào khi chúng được tái tạo lại qua quá trình mài. Các lớp đầu tiên được thêm vào vóc là lớp khảm, có là vỏ trứng nghiền, vỏ ốc hoặc xà cừ, tạo ra một loạt các tông màu trắng, xanh lục hoặc đỏ tía. Các mảnh vỏ được làm phẳng một cách tỉ mỉ và nghiền nát vào lớp sơn mài ướt.Tiếp theo là các lớp sơn màu được thêm vào. Các màu sắc truyền thống thường hạn chế với những màu như cánh gián nâu mờ, đen và các tông màu đỏkhác, được tạo ra bằng cách trộn các sắc tố đỏ tự nhiên vào sơn mài. Trước đây, rất khó để tạo ra tông màu lạnh, vì sơn mài phản ứng kém với một số chất màu.Ngày nay, chất màu hóa học có thể được trộn với sơn ta để cho phép tạo ra nhiều màu sắc hơn. Người nghệ sĩ cũng có thể thêm kim loại, bên dưới hoặc bên trên các lớp sơn mài. Chúng thường là bạc, vàng hoặc nhôm ở dạng bột, có thể được rắc lên sơn mài ướt, hoặc có thể dùng ở dạng lá.
Khi công đoạn sơn hoàn tất, nghệ sĩ có thể mài mòn các lớp sơn mài xuống. Quá trình mài này là một trong những kỹ thuật đặc trưng của thời kỳ mỹ thuật Đông Dương, và sơn mài đã trở thành một từ trong tranh sơn mài Việt Nam. Thông qua quá trình mài, các lớp màu bên dưới và lớp các kim loại/ vỏ đính kèm có thể xuất hiện trở lại, và chính sự tác động lẫn nhau giữa các lớp này mang lại cho tranh sơn mài sự phức tạp về mặt bố cục của chúng. Vẻ rực rỡ của một bức tranh sơn mài còn do sự liên kết của chiều sâu, được tạo ra bởi ánh sáng xuyên qua các lớp sơn mài. Sau lần mài đầu tiên, nghệ nhân có thể tiếp tục quá trình mài cho đến khi hài lòng với bố cục, tác phẩm sẽ được mài và đánh bóng lần cuối — ở giai đoạn này, họa sĩ sử dụng bột để mài mịn hoặc thậm chí là dùng tay của nghệ sĩ để hoàn thiên tác phẩm.
Biên dịch: Minh
Biên tập: Huyền