-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Robert Mapplethorpe: Một khoảnh khắc hoàn hảo khác
Một cuộc hồi tưởng quy mô lớn tại hai bảo tàng ở Los Angeles tôn vinh di sản và sức ảnh hưởng bền vững của nhiếp ảnh gia Robert Mapplethorpe.
Tình dục hiện diện rõ rệt trong phần lớn các tác phẩm ảnh triển lãm nghệ thuật của Robert Mapplethorpe, từ những bức ảnh cận cảnh đen trắng hoa Calla Lily (1988) — mang vẻ mềm mại như cơ thể người — đến những bức ảnh khỏa thân như Lisa Lyon (1981), gợi nhớ phong cách Tân Cổ Điển của nhiếp ảnh thế kỷ 19. Những bộ ảnh khác, như loạt "X Portfolio" ghi lại cảnh BDSM ngầm ở New York cuối những năm 1960 và 1970, hay Larry and Bobby Kissing (1979) về mối quan hệ đồng tính nam, đã thể hiện tình dục một cách trực diện. Mapplethorpe thậm chí còn tự biến mình thành đối tượng fetis hóa trong Self-Portrait (1980).
Self Portrait, Robert Mapplethorpe.
Các tác phẩm thuộc "X Portfolio" từng gây tranh cãi mạnh mẽ khi triển lãm ảnh nghệ thuật “The Perfect Moment” (1988) dẫn đến vụ kiện cáo buộc trưng bày nội dung khiêu dâm ở Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Cincinnati, nhưng sau đó cả giám đốc Dennis Barrie và bảo tàng đều được tuyên vô tội. Mapplethorpe, qua đời vì AIDS năm 1990, trở thành biểu tượng gắn liền với cuộc khủng hoảng AIDS và cuộc chiến văn hóa Mỹ những năm 1980.
Flower Arrangement, Robert Mapplethorpe, in bạc Gelatin, 49x49 cm, 1986.
Shoe (Melody), Robert Mapplethorpe, 1987.
Dù gây tranh cãi, điều Mapplethorpe hướng đến không phải là khiêu khích mà là thể hiện cái đẹp hoàn mỹ — từ độ bóng của da thịt, chất liệu da thuộc, cho đến sự mịn màng của cánh hoa. Ông theo đuổi sự hoàn thiện tuyệt đối về mặt thị giác, một lý tưởng nghệ thuật đạt đỉnh cao trong bối cảnh New York những năm 1980.
Trong hồi ký Just Kids (2010), Patti Smith kể lại kỷ niệm tìm thấy những bản phác họa của Tom of Finland, điều đã để lại dấu ấn lớn với Mapplethorpe. Ban đầu không đam mê nhiếp ảnh, Mapplethorpe học nghệ thuật tại Pratt Institute và chịu ảnh hưởng từ Andy Warhol và Robert Rauschenberg, đặc biệt là cách họ sử dụng nhiếp ảnh trong tác phẩm. Năm 1970, khi được mượn một chiếc máy ảnh Polaroid, Mapplethorpe chuyển từ việc tạo collage từ ảnh khiêu dâm thành chủ động sáng tạo hình ảnh theo chuẩn mực thẩm mỹ cá nhân.
Triển lãm ảnh nghệ thuật Robert Mapplethorpe: The Perfect Medium được được tổ chức tại Bảo tàng Nghệ thuật Hạt Los Angeles (LACMA) và Bảo tàng J. Paul Getty. Theo Britt Salvesen, trưởng bộ phận Nhiếp ảnh tại LACMA, "Mapplethorpe tìm kiếm sự hoàn hảo trong nghệ thuật, nhiếp ảnh chỉ đơn giản là phương tiện hoàn hảo cho ông."
Nhờ vào thương vụ mua lại bộ sưu tập và tư liệu từ Quỹ Robert Mapplethorpe năm 2011, LACMA và Getty giờ có khả năng tổ chức khảo sát toàn diện nhất về sự nghiệp của ông. Song song đó, triển lãm ảnh nghệ thuật The Thrill of the Chase tại Getty trưng bày bộ sưu tập nhiếp ảnh của Sam Wagstaff — người tình và nhà bảo trợ của Mapplethorpe — với nhiều tác phẩm kinh điển như The Great Wave của Gustave Le Gray hay Dali Atomicus của Philippe Halsman.
Ajitto, Robert Mapplethorpe, 1981.
Dù không thường công khai thừa nhận ảnh hưởng, Mapplethorpe chắc chắn bị tác động bởi bộ sưu tập phong phú của Wagstaff, trong đó có tác phẩm của các nhiếp ảnh gia như Man Ray, Edward Weston và F. Holland Day. Tương tự Holland Day, Mapplethorpe lý tưởng hóa hình thể nam da đen trong các tác phẩm như Thomas (1987), Ajitto (1981), Ken Moody (1983) và Derrick Cross (1983), theo phong cách thần thoại Hy Lạp cổ đại.
Mối quan tâm với hình thể phát triển cao cũng được thể hiện rõ trong loạt ảnh về Lisa Lyon — nữ vận động viên thể hình nổi tiếng và là nàng thơ của ông — mà đỉnh cao là cuốn sách Lady (1983). Ngoài Lyon, Patti Smith cũng là nguồn cảm hứng lớn cho Mapplethorpe, xuất hiện trong nhiều chân dung sâu sắc như Patti Smith (1979), ghi lại một thời kỳ sôi động của New York tại Max’s Kansas City và khách sạn Chelsea.
Smith đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì di sản của Mapplethorpe. Theo Salvesen, “Cuốn sách của Patti Smith đã giúp người ta hiểu lại con người Mapplethorpe: một chàng trai trẻ tin rằng mình có điều gì đó để nói và quyết tâm tìm cách thể hiện điều đó.”
Dù triển lãm ảnh nghệ thuật ưu tiên nhấn mạnh giá trị nghệ thuật thay vì tranh cãi, yếu tố lịch sử xã hội gắn liền với Mapplethorpe vẫn đóng vai trò quan trọng. Salvesen nhận định: “Giờ đây khi nhìn lại, trong bối cảnh quyền dân sự cho cộng đồng LGBT đã tiến bộ hơn rất nhiều, việc hiểu những tranh luận về tự do biểu đạt cuối những năm 1980 là điều cần thiết."
Nguồn: Robert Mapplethorpe: Another Perfect Moment
Quỳnh Hoa