-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
R for Repair – Khi vật dụng được chữa lành bằng cảm xúc và thủ công
Diễn ra tại Bảo tàng V&A (London) đến ngày 2 tháng 11 và là một phần của London Design Festival 2022, triển lãm R for Repair do Hans Tan Studio (Singapore) và Jane Withers Studio (Anh) đồng giám tuyển là một thí nghiệm đầy cảm xúc và sáng tạo.
Từ lời mời cộng đồng gửi về những món đồ hỏng hóc nhưng mang giá trị tình cảm, ban tổ chức đã chọn ra mười hiện vật – những món đồ gãy, rách, vỡ – để gửi tới các nghệ nhân ở Anh và Singapore. Không chỉ đơn thuần sửa chữa, họ đã làm việc cùng chủ nhân để hiểu câu chuyện đằng sau từng món đồ và quyết định cách "chữa lành" sao cho vừa bền vững về cấu trúc, vừa sâu sắc về cảm xúc.
‘Sửa chữa ngày nay thường bị đơn giản hóa thành một chút keo dán,’ nhà giám tuyển Jane Withers chia sẻ. ‘Chúng tôi muốn khám phá ngôn ngữ của nghề thủ công có thể tham gia vào việc phục hồi – như một cách sáng tạo lại giá trị.’
Một cánh chim bị nứt của món đồ chơi hình chim hải âu được nghệ nhân Ng Si Ying vá lại bằng kỹ thuật đan mây rattan tinh xảo. Còn nghệ sĩ Attua Aparicio Torinos đã thổi đèn thủy tinh để biến những mảnh vỡ từ lễ cưới Do Thái 15 năm trước thành một chuỗi liên kết – như một sự nối dài của ký ức.
Một trong những điểm nhấn xúc động của triển lãm là chiếc tủ may vá được nghệ sĩ Nhật – Áo Rio Kobayashi phục dựng. Sau khi bà mất, người cháu gái mở chiếc tủ cũ và phát hiện bên trong là những bức tranh – dấu vết của ước mơ hội họa bị bỏ lỡ. Kobayashi đã dùng gỗ anh đào, gỗ sapele và gỗ óc chó để nối dài chân tủ, cố tình để lộ những dấu vết thời gian. ‘Tôi muốn cho thấy sự già đi của vật dụng – nó đã có một câu chuyện, và phần sửa chữa này cũng cần được già đi cùng nó,’ anh nói.
Không dừng lại ở việc phục hồi, Kobayashi còn "mở bung" các bộ phận của chiếc tủ, biến nó thành một chiếc bàn. ‘Tôi muốn nó nở ra như một bông hoa – thành hình dạng mới từ ký ức cũ.’ Dưới chân bàn, anh điểm xuyết những vệt sơn xanh – như một biểu tượng khiêm nhường của sự sinh sôi.
Một món đồ khác là chiếc đồng hồ Winnie the Pooh – ban đầu là vật trang trí trong phòng ngủ một đứa trẻ ở Singapore, được thiết kế từ nhân vật gấu Anh quốc, sản xuất bởi hãng Mỹ (Disney), làm tại Trung Quốc và cuối cùng được sửa chữa ở Anh. Brown Office – nhóm thiết kế phục dựng – đã biến chiếc đồng hồ thành vật thể ba múi giờ: xưởng phim Walt Disney, rừng Hundred Acre của Pooh và Singapore.
‘Nhiều khi, việc sửa chữa không chỉ là chữa một vật thể, mà còn là sửa lại ký ức,’ Withers chia sẻ. Chính những câu chuyện kèm theo đã thổi hồn cho những món đồ tưởng như tầm thường, khiến chúng trở thành hiện vật lưu giữ cảm xúc.
R for Repair đặt ra một câu hỏi sâu sắc về vai trò của thiết kế trong việc giảm thiểu lãng phí. ‘Chúng ta phải thiết kế ra giá trị,’ Withers nói. ‘Phải hiểu vì sao con người giữ lại một món đồ – và làm sao để thiết kế những vật dụng mà người ta muốn giữ lại thật lâu.
Nguồn: Wallpaper*
Biên dịch: Hoàng Linh