-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Phụ nữ xưa trong tranh Phan Cẩm Thượng
Phụ nữ xưa với trang phục thêu rồng phượng, mặc áo yếm... được thể hiện trong các tác phẩm của Phan Cẩm Thượng.
"Triển lãm tranh Phan Cẩm Thượng" kéo dài từ ngày 14/4-9/5 tại The Muse Artspace, giới thiệu 23 tác phẩm được họa sĩ sáng tác chủ yếu trong thời gian dịch bệnh. Phan Cẩm Thượng cho biết trong quá trình phục chế các tượng cổ, ông ấn tượng về phục trang và một số tập tục ở thế kỷ 17. Họa sĩ sáng tác loạt tranh dựa trên nghiên cứu lịch sử kết hợp hư cấu. Phan Cẩm Thượng dự định triển lãm từ năm 2021 nhưng phải hoãn nhiều lần do dịch.
Bức "Đám mây xưa" sáng tác năm 2021, chất liệu màu tự nhiên trên giấy dó, vẽ ba cô gái mặc trang phục cổ và hiện đại, phía sau có áo bào thêu rồng đen. Họa sĩ sử dụng hai gam màu cam và lục làm điểm nhấn, tạo sự tương phản mạnh. "Trang phục thay đổi theo từng thời kỳ, nhưng cái đẹp về con người, về bản chất vẫn là như thế", họa sĩ nói.
Bức "Đối diện" được họa sĩ diễn tả: "Đôi khi nhân duyên có những điều khó hiểu. Duyên đến rồi duyên đi, thứ chúng ta phải đối diện là những kỷ niệm không thể vứt bỏ trong tiềm thức".
Phan Cẩm Thượng sinh năm 1957, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Ông là họa sĩ, nhà nghiên cứu... Ông từng xuất bản nhiều tác phẩm nghiên cứu như "Điêu khắc cổ Việt Nam", "Đồ họa cổ Việt Nam", "Chùa Bút Tháp", "Chùa Dâu - Tứ Pháp"... Cuốn sách lý luận phê bình mỹ thuật "Chùa Dâu và nghệ thuật Tứ pháp" từng đoạt giải nhất Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2003.
Tác phẩm "Ngọc nữ Bút Tháp" ra đời năm 2021, chất liệu màu tự nhiên trên giấy dó. Họa sĩ cho biết ở chùa Bút Tháp có đôi tượng ngọc nữ thị giả (người hầu). Các người hầu ở độ tuổi từ 12-16, được tuyển vào cung để hầu hạ quý phi thời Lê - Trịnh. Họ mặc yếm đỏ, cột hai chỏm tóc trên đầu, bên dưới tết hai lọn nhỏ thả xuống vai trần.
Họa sĩ cho biết đa phần tranh vẽ màu tự nhiên trên giấy dó có kích thước 60x120 cm. Những tờ giấy được lưu trữ trong nhiều năm, có độ ẩm khiến nét vẽ mềm mại, màu sắc hòa quyện vào giấy. Trung bình mỗi bức ông mất một tuần để vẽ vì phải đợi độ ngấm màu.
Tranh "Con rồng" vẽ hình ảnh phi tần buộc ngực, có tà áo phượng che bớt một phần cơ thể. Tấm áo bào thêu rồng tượng trưng cho vua, bay bổng tạo cảm giác lơ lửng, không thực tế. Tác phẩm diễn tả nỗi cô đơn, buồn bã và khao khát của phi tần được vua lâm hạnh (tới ngủ). Theo giám tuyển Vân Vi, hòa sắc trong tranh cân bằng khi kết hợp màu gạch và tím nhạt, tựa sự chân phương và sang trọng.
"Nét xăm xưa" vẽ một phi tần phủ tấm khăn thêu phượng hoàng lên mình - một tập tục thời xưa khi chờ thị tẩm. Họa sĩ hư cấu thêm hình xăm rồng trên cơ thể phi tần. Túi trầu đen - biểu tượng của sự đợi chờ - cũng được đặt ở góc phải bên dưới tranh.
Phan Cẩm Thượng sử dụng các màu tự nhiên của Việt Nam như vàng hoa hòe, củ nâu, xanh chàm... Ông cũng mua thêm màu của Trung Quốc như chu sa (son), đằng hoàng (vàng hòe), thái thanh lam (xanh nước biển)... và một số màu của phương Tây. "Chất liệu tự nhiên rất hợp để vẽ trên giấy dó vì đẹp, không bị loãng như màu nước, để càng lâu càng thấm, không bị tương phản quá mạnh", ông nói.
Bức "Tiền kiếp" (Karma) được vẽ trên giấy dó bằng màu tự nhiên năm 2019. Hai phụ nữ trong tranh nằm nghiêng về bên trái, ngụ ý hướng về quá khứ. Người mặc trang phục cổ, người diện đồ hiện đại nhưng cùng một bản thể. Tranh đề cập đến triết lý của Phật giáo là những gì diễn ra trong kiếp này có liên quan đến duyên nợ của kiếp trước.
Giám tuyển Vân Vi cho biết đa phần tranh có bố cục vô hướng, tưởng như ngẫu hứng nhưng lại là sự tính toán về cân bằng thị giác. "Đó có thể là tà áo bay ngược, những cánh tay, bàn chân xuất hiện ở vị trí bất thường, trông có vẻ lạ lùng nhưng đều được tính toán", Vân Vi nói.
Bức "Soi gương" khắc họa hình ảnh các cô gái bên chiếc gương cổ, ngụ ý nên nhìn lại chính mình, chỉnh trang tính cách, đức hạnh. Họa sĩ sử dụng màu nhân chỉ (màu huyết dụ non), được lấy từ một loại sâu. Ông hòa sắc màu nhân chỉ, vàng già và chu sa.
Bức "Quận chúa áo xanh" vẽ cảnh quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cơ diện áo xanh thêu phượng, phía sau là công chúa Lê Thị Ngọc Duyên đội mũ, thân trần. Cả hai được thờ tại chùa Bút Tháp.
Tác phẩm "Mong đợi" (2022), chất liệu màu tự nhiên trên lụa. Bức họa lấy chủ đề ái phi mong đẻ con trai cho chúa Trịnh, xung quanh là người hầu và nhà sư làm lễ cầu an. Theo giám tuyển, tất cả nhân vật quyện vào nhau thành một khối, y phục vàng, tím, xanh đan xen thành nhịp phối hợp nhằm nói lên sự phức tạp trong đời sống cung đình. Ở đó, đôi khi số phận mỗi người không nằm trong tay họ.
Tác phẩm "Mặt nạ" sáng tác năm 2015, chất liệu màu tự nhiên trên giấy dó.
Hiểu Nhân
Nguồn : https://amp.vnexpress.net/phu-nu-xua-trong-tranh-phan-cam-thuong-4452782.html