-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
NHỮNG TRIỂN LÃM LỚN VÀ HẤP DẪN NHẤT THẾ GIỚI NĂM 2021 (P1)
Trong bối cảnh đại dịch bùng phát thì năm 2020 được đánh giá là một năm “thảm họa” đối với các chương trình nghệ thuật, triển lãm trên toàn thế giới. Sang năm 2021, khi thế giới đã thiết lập và làm quen với sự “bình thường mới”, các bảo tàng nghệ thuật tiếp tục bận rộn chuẩn bị cho ra mắt rất nhiều cuộc triển lãm lớn đầy hấp dẫn. Dưới đây, Tạp chí Mỹ thuật xin giới thiệu với bạn đọc một số triển lãm lớn nhất và được công chúng đón chờ nhất năm 2021.
Triển lãm các tác phẩm của nữ họa sĩ Sophie Taeuber-Arp: “Living Abstraction”
Tại: Bảo tàng Nghệt thuật Basel, Thụy Sỹ (20/3- 20/6); Tate Modern, London (15/7- 17/10); MoMA New York (tháng 11/2021- tháng 3/2022)
Là một trong những họa sĩ trừu tượng tiên phong, Sophie Taeuber-Arp (1889-1943) được biết đến nhiều nhất với sự trừu tượng hóa hình học trong các tác phẩm của mình và sự kết hợp các tác phẩm của bà với phong trào Dada, cùng với chồng bà, nhà điêu khắc người Pháp gốc Đức Jean (Hans) Arp. Triển lãm các tác phẩm của Sophie Taeuber – Arp có tiêu đề “Living Abstration” có hành trình bắt đầu tại Bảo tàng Nghệ thuật Basel, Thụy Sỹ trước khi được trưng bày tại Tate Modern ở London và kết thúc tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA) ở New York. Triển lãm nhằm tôn vinh những cống hiến của Taeuber-Arp đối với lịch sử nghệ thuật trừu tượng. Nữ họa sĩ Sophie Taeuber-Arp từng học thiết kế thời trang, nghệ thuật ứng dụng và thủ công, bà cũng từng là vũ công trước khi cộng tác là nghệ thuật với chồng bà, nhà điêu khắc Jean (Hans) Arp và những nhân vật đáng chú ý khác trong giới nghệ thuật thời ấy như Tristan Tzara, Jean Cocteau và Marcel Duchamp. Vào giữa những năm 1920, Taeuber-Arp đã phát triển phong cách kiến tạo (theo chủ nghĩa kết cấu- Constructivism) đặc trưng của mình, tạo ra một nhóm các tác phẩm sinh động có chứa biểu tượng mã hóa và các biểu tượng vũ trụ siêu phàm. Triển lãm sẽ trưng bày khoảng 400 tác phẩm của bà từ những thiết kế kiến trúc và nội thất đầu tiên đến các bản vẽ phác thảo trừu tượng được tạo ra ngay trước khi nghệ sĩ qua đời vào năm 1943.
Triển lãm các tác phẩm của Georgia O’Keeffe
Tại: Bảo tàng Thyssen-Bornemisza, Madrid, Tây Ban Nha (20/4/2021- 8/8/2021); Centre Pompidou, Paris (8/9/2021- 6/12/2021); Bảo tàng Fondation Beyeler, Basel, Thụy Sỹ (tháng 1/2022- tháng 5/2022).
Mặc dù Georgia O’Keeffe (1887-1986) là cái tên được nghiên cứu rất nhiều ở Mỹ, nhưng ở Châu Âu lại hiếm khi tìm thấy các nghiên cứu về nữ họa sĩ này. Giờ đây, một cuộc triển lãm quy mô lớn các tác phẩm của Georgia O’Keeffe sẽ mang đến cho khán giả trên khắp Châu Âu cơ hội khám phá cuộc đời và tác phẩm của họa sĩ tiên phong của chủ nghĩa Hiện đại Mỹ. Triển lãm bắt đầu tại Bảo tàng Thyssen-Bornemisza; Madrid, Tây Ban Nha trước khi được trưng bày tại Trung tâm Pompidou, Paris và Bảo tàng Fondation Beyeler, Thụy Sỹ. Giám tuyển Marta Ruiz del Árbol cho biết: “Việc trưng bày các tác phẩm của Georgia O’Keeffe tại ba bảo tàng, trung tâm nghệ thuật có bề dày lịch sử của Chủ nghĩa Hiện đại Châu Âu sẽ lan tỏa sức ảnh hưởng của nữ họa sĩ trong bối cảnh toàn cầu”. Đây là lần đầu tiên tác phẩm của O’Keeffe được trưng bày trên quy mô lớn như vậy ở cả ba thành phố lớn tại châu Âu, khoảng 80 bức tranh đã được chọn để mang đến một cái nhìn toàn cảnh về sự nghiệp đầy ấn tượng của nghệ sĩ. Trong số đó bao gồm bức “ New York Street with Moon” (1925), tác phẩm đầu tiên của loạt tranh vẽ cảnh quan đường phố của thành phố New York, và bức “ Jimson Weed / White Flower No. 1” (1932), bức tranh đắt giá nhất của một nữ họa sĩ từng được bán đấu giá. Bảo tàng Thyssen-Bornemisza là nơi sở hữu năm bức tranh của O’Keeffe – con số lớn nhất trong một viện bên ngoài Mỹ.
Triển lãm của Yayoi Kusama: A Retrospective (Sự hồi tưởng)
Tại: Bảo tàng Gropius Bau, Berlin, Đức (23/4/2021 – 15/8/2021); Bảo tàng Nghệ thuật Tel Aviv, Israel (tháng 11/2021 – tháng 4/2022).
Tám trong số các cuộc triển lãm quan trọng nhất của Yayoi Kusama (diễn ra từ năm 1952 đến năm 1983), được tái hiện tại Bảo tàng Gropius Bau, Berlin để mang lại sự hồi tưởng về các tác phẩm của nghệ sĩ đương đại Nhật Bản. Việc dàn dựng lại các buổi biểu diễn và triển lãm sẽ minh họa cách nghệ sĩ sử dụng không gian đã phát triển như thế nào và cách Yayoi Kusama khai thác vô số phương tiện thể hiện trong sự nghiệp, hiện đã kéo dài 70 năm, của mình. Cùng với không gian sắp đặt “Phòng gương vô cực” hoàn toàn mới, được thiết kế đặc biệt cho triển lãm mới này, triển lãm cũng sẽ nhìn lại những tác phẩm ban đầu ít được biết đến hơn của Yayoi Kusama. Trong số đó là một bức tranh sơn dầu trên giấy “Sự tích các xác chết” (1950) và một bức tranh cắt dán từ các tờ đô la giả “Vô đề” (khoảng năm 1962 – 63), bên cạnh đó còn có các tư liệu về các buổi biểu diễn khỏa thân trước công chúng của nghệ sĩ, như màn biểu diễn khỏa thân phản chiến trang trên cầu Brooklyn vào năm 1968. Triển lãm sẽ đến với công chúng Isarel tại Bảo tàng Nghệ thuật Tel Aviv vào cuối năm nay. Đồng thời, không gian sắp đặt “Phòng gương vô cực” cũng đang mở cửa đón du khách tại Tate Modern ở London trong thời gian dài (từ tháng 3/2021 đến tháng 3/2022) sau khi bị hoãn lại vào năm ngoái do đại dịch.
Triển lãm “Hành trình của Dürer: Hành trình của một nghệ sĩ thời Phục hưng”
Tại: Bảo tàng Suermondt-Ludwig-Museum, Aachen, Đức (18/7/2021 – 24/10/2021); Phòng trưng bày Quốc gia (National Gallery) London(tháng 11/2021- tháng 2/2022).
Vào cuối thế kỷ 15và đầu thế kỉ 16, khi mà việc đi lại còn khó khăn, nguy hiểm và tốn kém, Albrecht Dürer (1471 – 1510) với tinh thần phiêu lưu đã chu du khắp Châu Âu, qua vùng lưu vực sông Rhein. Ông đã chu du tìm kiểm ý tưởng và kỹ thuật mới, dần dần lan rộng danh tiếng của mình khắp Châu Âu. Triển lãm “Hành trình của Dürer: Hành trình của một nghệ sĩ thời Phục hưng” sẽ tôn vinh sự nghiệp qua các chuyến du ngoạn của Dürer và khẳng định tầm ảnh hưởng rộng lớn mà các tác phẩm của ông mang lại. Triển lãm sẽ trưng bày các bản tác phẩm nhỏ mà Dürer đã sáng tác trong hành trình đi qua các nước Châu Âu, với điểm nhấn là các bức kí họa phong cảnh, thực vật, động vật và con người. Đây là lần đầu tiên nhiều tác phẩm của Dürer sẽ được trưng bày tại Vương quốc Anh.
Triển lãm “Vermeer: Sự suy tư”
Tại Gemäldegalerie Alte Meister, Dresden, Đức ( tháng 9/2021- tháng 1/2022)
Triển lãm sẽ trưng bày các tác phẩm nổi tiếng của Vermeer (1632-1675) như bức “Thiếu phụ đọc thư bên cửa sổ” (khoảng năm 1659), từ Bảo tàng Rijksmuseum ở Amsterdam, và bức “Thiếu nữ bên đàn Virginal” (khoảng 1670-72), từ Phòng trưng bày Quốc gia London… Đặc biệt, bức “Thiếu phụ đọc thư bên cửa sổ” gần đây đã được phục chế và làm sạch để lộ một “bức tranh khác” trong tác phẩm này. Bí ẩn bức tranh thần tình yêu ẩn dưới bức “Thiếu phụ đọc thư bên cửa sổ” đã được phát hiện bằng tia X-quang cách đây 4 thập kỷ và được cho là do chính Vermeer đã che phủ bản vẽ này. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng phần bị che phủ được vẽ rất lâu sau cái chết của ông. Vì vậy, vào năm 2017, các nhà phục chế đã bắt đầu cẩn thận loại bỏ các lớp sơn, phát hiện ra phần vẽ thần tình yêu khỏa thân đã bị che giấu suốt 250 năm của bức “ Thiếu phụ đọc thư bên cửa sổ”.
Triển lãm Danh họa Botticelli
Tại Bảo tàng Jacquemart-André, Paris (tháng 9/2021- tháng 1/2022)
Một cuộc triển lãm lớn các tác phẩm của bậc thầy hội họa Phục hưng Ý Sandro Botticelli (1445 – 1510) sẽ được mở vào mùa thu này tại Bảo tàng Jacquemart-André ở Paris. Triển lãm sẽ trưng bày các kiệt tác từ các bộ sưu tập lớn của Mỹ và Châu Âu, như bức “Madonna and Child”(Đức Mẹ và Chúa hài đồng) (1467-70) thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Louvre; “Sự trở lại của Judith ở Bethulia” (1469-70) thuộc Bảo tàng Nghệ thuật Cincinnati- Mỹ; “Judith rời lều Holofernes” (1497-1500) thuộc Bảo tàng Rijksmuseum-Hà Lan; và “Chân dung Giuliano de ‘Medici” (1478-80) từ Fondazione Accademia Carrara- Ý… Bên cạnh đó các tác phẩm của các nghệ sĩ hàng đầu thế kỷ 15 như Verrocchio và Fra Filippo Lippi cũng sẽ có được trưng bà tại triển lãm.
Nguồn: http://tapchimythuat.vn/my-thuat-the-gioi/5462/
Biên dịch: Huyền