VN | EN

Tin tức

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Lời tục cũng là một di sản ngôn ngữ

Họa sĩ - nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng

Tập tục đời người của Phan Cẩm Thượng về văn hóa tập tục nông dân Việt Nam thế kỷ 19-20 vừa ra mắt. Công trình khiến bạn đọc và giới chuyên môn kinh ngạc về sức lao động, sự tận tâm với văn hóa. Tuy nhiên vẫn có phản ứng về việc dùng nhiều từ “tục”. Trò chuyện với tác giả trước buổi giao lưu ra mắt sách 6/1 tại Trung tâm Văn hóa Pháp.

Tập tục đời người là cuốn thứ hai trong bộ sách về văn minh Việt Nam mà ông đang làm. Ông có thể nói rõ hơn về bộ sách này?

Những năm 1990, tôi định làm một nghiên cứu dài hơi về văn minh Việt Nam theo cách riêng, nên bắt đầu làm tư liệu để viết. Đến 2008 mới viết xong cuốn đầu tiên là Văn minh vật chất của người Việt, và xuất bản năm 2011. Trong nghiên cứu này có bốn công trình: 1. Văn minh Vật chất; 2. Tập tục đời người; 3. Mày là Kẻ nào?; 4. Thế kỷ 19- Việt Nam. Mỗi công trình nghiên cứu này của tôi, tư liệu tham khảo có lẽ không dưới 200 cuốn sách… Thực ra cuốn tôi viết đầu tiên là Mày là Kẻ nào? Nói về sự dịch chuyển của các sắc tộc và sự hình thành các vùng đất, nhưng viết mãi chưa xong. Tôi từng trình bày ý tưởng này với ông Nguyên Ngọc, ông ấy thích cuốn này nhất.

Mày là kẻ nào? Tên sách gây tò mò quá thưa ông?

Là tôi xuất phát từ cách hỏi của một người làng này khi gặp người làng khác đến, tức là “Anh từ đâu đến?”. Kẻ nào tức là làng nào, nơi nào. Giống như “Where are you from?” thôi. Câu “Mày là Kẻ nào?” ngày nay bị biến đổi nghĩa, chứ Bắc bộ xưa các làng đều là Kẻ: Kẻ Lủ, Kẻ Ngo, Kẻ Sặt…

Do đâu mà từ một nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật, ông nhảy qua nghiên cứu về văn hóa tập tục?

Bản thân mỹ thuật có 5 ngành (kiến trúc, điêu khắc, hội họa, đồ họa và thiết kế), cần nghiên cứu phối hợp với tôn giáo và xã hội học nói chung, nên tôi không nhảy đi đâu cả, mà chỉ mở rộng phạm vi. Viết sách theo Nguyễn Hiến Lê, là cách học hỏi thôi.

Được biết ông phải chuyển cả chỗ ở để chuyên tâm viết cuốn này?

Trước tôi sống ở chùa Bút Tháp, năm 2012 chuyển lên bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, Hòa Bình. Đi nghiên cứu cần sống ở một nơi gần thực địa rồi đi rộng ra xung quanh. Đó là cách tiết kiệm thời gian và tiền. Cần phải sống với thực tế mới kể lại được.

Bìa sách Tập tục đời người của Phan Cẩm Thượng

“Tập tục đời người” được Nguyên Ngọc đánh giá cao ở chỗ là một cuốn sử ngợi ca những điều bình dị nhất của những con người không ai nhớ mặt không ai biết tên. Ông thích tiếp cận lịch sử theo cách này?

Đây không phải là thích hay không mà nó là một phương pháp nghiên cứu đã có từ lâu ở phương Tây. Nó có thể được gọi là ngành nghiên cứu nhân học, hay văn minh. Ở ta hiểu chữ văn minh (nền văn minh) có vẻ sang trọng, thực ra chữ “civilization” có nghĩa là đời sống bình thường của người trong thành phố. Từ ăn ở thông thường, đến làm văn hóa nghệ thuật. Từ đời sống bình thường, rồi người ta mới làm cái này cái kia to tát. Nên có cách hiểu những cái to tát bắt đầu từ đời sống bình thường.

KTS Đoàn Kỳ Thanh nói sách nghiên cứu của ông cuốn hút như truyện trinh thám. Lời ngợi khen này cũng có thể cho một số người hoài nghi rằng sách lịch sử mà quá “vung bút” thì  độ tin cậy về khoa học sẽ  không cao?

Tôi viết thường một mạch, không đọc gì nữa, viết theo suy nghĩ cá nhân mình, tài liệu chỉ để phụ họa sau. Và tôi cũng đã đọc đến mức thuộc để kể lại. Tôi viết trước tiên cho mình đọc, sau đó cho người đọc phổ thông phải vui, dễ hiểu. Đơn giản hóa tất cả kiến thức. Người đọc cũng cần có quan điểm riêng, không nên quá tin vào sách nào.

Dường như đây là lần đầu tiên một cuốn sách nghiên cứu lại sử dụng những từ “tục”, thậm chí với tần suất khá lớn. Một số nhà nghiên cứu cho rằng nó phản cảm về văn hóa, một số khác coi là “bình thường”, ý kiến cá nhân của ông thế nào?

Sách nghiên cứu cần dẫn trung thực, dù là một số từ ngữ được coi là tục, tôi cũng không bịa ra hay làm văn, mà trích dẫn cẩn thận, đâu là thành ngữ, tục ngữ, ca dao, khẩu ngữ dân gian. Ít nhất trong giới nghiên cứu phải có một người viết đúng từ ngữ như vậy. Lời tục cũng là một di sản ngôn ngữ, cần lưu chính xác cho người sau. Tất nhiên còn lý do về nghiên cứu tiếng Việt thuần túy nữa, mà tôi sẽ công bố trong một dịp khác.

Có dư luận từ vài nhà nghiên cứu về một số lỗi trong cuốn sách của ông ?

Chỉ ai không làm gì mới không sai lầm.

Trong sách của mình, ông nghiên cứu về văn hóa, tập tục của nông dân Việt Nam thế kỷ 19-20. Quan sát và liên hệ với đời sống hôm nay, ông thấy đời sống của các tập tục này biến đổi thế nào?

Trong Cách mạng tháng Tám và sau hòa bình 1954 cho đến những năm 1990, rất nhiều tập tục cổ bị loại bỏ thẳng thừng, tất nhiên nhiều nét tinh hoa văn hóa bị biến mất, nhiều di sản bị thất tán, trong đó cũng có nhiều hủ tục. Quá trình này có cả mặt tích cực và tiêu cực. Nhưng sau đó, chủ trương giữ gìn di sản văn hóa truyền thống trong quá trình chuyển đổi từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, lại làm hồi sinh nhiều truyền thống, tập tục, cả tích cực lẫn tiêu cực. Hủ tục đốt vàng mã, thả tro xuống sông, giỗ tết, biếu xén, phong bì…đều trở nên quá mức, hội lễ vượt ra khỏi quy mô làng xã, rất ô nhiễm và ô hợp. Những việc này rất mất thời gian để có thể khắc phục cho một xã hội giàu bản sắc truyền thống nhưng hiện đại và lành mạnh. Ngay trong vấn đề giao lưu với văn hóa Trung Hoa, thì chưa bao giờ cái nền văn hóa ấy tràn sang nước ta sâu rộng như bây giờ.

Nguồn: https://tienphong.vn/nha-nghien-cuu-phan-cam-thuong-loi-tuc-cung-la-mot-di-san-ngon-ngu-post1001675.tpo

 

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon