-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Người họa sĩ của những năm 1920 giấu trong những bức tranh chân dung về các biểu tượng đồng tính nữ (P1)
Những bức tranh mỏng manh của Marie Laurencin đã được sống hai cuộc đời ở thế kỷ vừa qua. Được thể hiện bằng màu hồng và xám nhẹ nhàng, những hình dáng mảnh mai, gợi cảm được tạo ra bởi nữ nghệ sĩ người Pháp từ lâu đã bị coi là khêu gợi và một chiều, bất chấp những thành công mà hoạ sĩ gặt hái được suốt cuộc đời mình. Nhưng việc Laurencin đưa chủ nghĩa biểu tượng bí ẩn và những cử chỉ thân mật - và gần như loại trừ hoàn toàn nam giới vào tác phẩm nghệ thuật của mình - như muốn lý giải một điều gì đó phức tạp hơn nhiều, đó chính là một thế giới kỳ lạ, bí mật của nghệ sĩ, được che đậy trong vẻ siêu nữ tính.
(Bức tranh “Nữ hoạ sĩ và người mẫu” được hoạ sĩ Laurencin sáng tác năm 1921. Ảnh: Quỹ Barnes)
Một cuộc triển lãm tranh hiện đang được diễn ra tại phòng trưng bày nghệ thuật Barnes thuộc quỹ Barnes ở Philadelphia, có tựa đề “Marie Laurencin: Sapphic Paris”, đang thu hút sự chú ý của cộng đồng nghệ thuật về hoạ sĩ Laurencin, một người hoạ sĩ hiếm khi có các tác phẩm nghệ thuật được trưng bày ở Mỹ và hoạt động của người này đã bị hiểu lầm sâu sắc trong khi các hoạ sĩ cùng thời - bao gồm cả Pablo Picasso và Georges Braque - là những người lãnh đạo phong trào Lập thể nổi bật của giới nghệ thuật trong những năm đầu của thế kỳ 20.
Simonetta Fraquelli, một trong những giám tuyển của triển lãm, cho biết: “Bởi vì Laurencin là một nữ nghệ sĩ từng làm việc cùng với những nam nghệ sĩ nổi tiếng này nên bà ấy luôn bị coi chỉ là người trợ giúp cho những gì những nam nghệ sĩ này làm”.
“Laurencin là một người dị thường. Phong cách của hoạ sĩ này không giống bất kỳ ai khác,” Giám tuyển Fraquelli tiếp tục chia sẻ, cùng với một lưu ý rằng điều này đặt ra một thách thức cho các nhà sử học nghệ thuật. “Với mong muốn đưa mọi người vào trường học và gọi tên nghệ thuật của tất cả các nghệ sĩ theo một phong trào nào đó, thật khó để biết nơi nào phù hợp với bà ấy”.
(Một bức tranh chân dung của hoạ sĩ Laurencin do Man Ray thực hiện. Ảnh: Quỹ Barnes)
Theo Cindy Kang, giám tuyển của phòng trưng bày nghệ thuật Barnes, mặc dù Laurencin thích đùa giỡn với những phân đoạn tạo ra độ phẳng và rời rạc của Chủ nghĩa Lập thể, bà đã rời khỏi phong trào này sau khi chạy trốn khỏi Paris trong Thế chiến thứ nhất để đến Tây Ban Nha, nơi phong cách đặc trưng của bà bắt đầu được “kết tinh”. Hoạ sĩ Laurencin xây dựng cho mình một phong cách mềm mại, uyển chuyển chịu ảnh hưởng của múa ba lê và nghệ thuật trang trí; việc bà tiếp xúc với tác phẩm nghệ thuật của Francisco Goya có thể đã góp phần tạo nên những cái bóng ủ rũ cùng đôi mắt sâu thẳm, đen tối cho các nhân vật trong tranh của bà - ánh mắt của họ tạo nên những khung cảnh thoáng đãng trên nền tranh.
“Đó là một thế giới tượng hình rất mộng mơ,” Kang cho hay. “Phụ nữ thật trong trẻo. - họ không thực tế lắm. Bạn không có cảm giác về xác thịt; bạn có cảm giác hình ảnh của họ như tan vào lớp vải”.
Xem thêm phần 2 tại đây
Biên dịch: Huyền Trịnh
Nguồn: https://edition.cnn.com/2024/01/10/style/marie-laurencin-untold-art-history?cid=ios_app