-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Người giữ “lửa” tranh sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp (P2)
Trên thực tế, theo thời gian, nhiều kỹ thuật sơn mài truyền thống cũng bị mai một. Nghệ nhân Năm Tính cho biết, một tác phẩm tranh sơn mài truyền thống cần khoảng 30 nguyên liệu, thời gian làm rất lâu nên giá thành sản phẩm cũng cao hơn nhiều. Trong khi đó, sơn mài đương đại sử dụng sơn công nghiệp nên thời gian sản xuất nhanh, giá thành sản phẩm vì thế cũng rẻ hơn nhiều so với sơn mài truyền thống.
Hiện nay, những nghệ nhân cao tuổi có tay nghề cao như ông Năm Tịnh ở làng sơn mài Tương Bình Hiệp rất ít. Dù đã 73 tuổi và cơ nghiệp sơn mài ông gây dựng không nhỏ nhưng nghệ nhân Năm Tịnh không chịu ngơi nghỉ. Có lẽ niềm đam mê sơn mài đã ăn sâu vào con người ông. Hàng ngày, ông vẫn đến cơ sở kinh doanh của gia đình để dạy thêm cho lớp trẻ, vừa là cách để mang đến cho họ một cơ hội nghề nghiệp mới, và cũng là cách ông truyền ngọn lửa đam mê với lĩnh vực nghệ thuật hội họa truyền thống này.
Nghệ nhân Trương Quan Tịnh với bộ sưu tập tranh sơn mài đến hàng trăm bức của mình tại Bình Dương
Để gìn giữ và phát triển nghề làm tranh sơn mài cho thế hệ mai sau, nghệ nhân Năm Tịnh đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu về sự hình thành và phát triển của sơn mài Bình Dương. Ông đã sưu tầm, lưu giữ nhiều tranh ảnh, catalog của hầu hết các công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất sơn mài và hàng trăm hiện vật sơn mài tiêu biểu, tác phẩm của các nghệ nhân, họa sĩ sơn mài Thủ Dầu Một từ trước năm 1975 đến nay.
Trong khuôn viên xưởng sơn mài của gia đình ông ở đường Hồ Văn Cống, phường Tương Bình Hiệp, ông đã xây dựng phòng trưng bày nghệ thuật sơn mài Định Hóa và phòng truyền thống để lưu giữ, trưng bày các tư liệu, sản phẩm tiêu biểu của sơn mài từ xưa đến nay. Đây cũng là nơi các nghệ nhân, thợ thủ công sơn mài thường đến giao lưu học hỏi về nghề. Nơi đây cũng được nhiều đoàn du lịch trong và ngoài nước ghé thăm. Mỗi lần có khách đến đây, nghệ nhân Năm Tịnh thường sắp xếp lịch để tiếp khách chu đáo. Đó cũng là những khoảng thời gian mang lại cho ông cảm giác thú vị, bởi ông có thể kể về nghề của mình, về lịch sử của nghề sơn mài truyền thống và truyền cảm hứng cho những ai muốn tìm hiểu và đi theo con đường này.
Không chỉ vậy, ông Năm Tịnh còn đang viết các cuốn tài liệu về nghề sơn mài Bình Dương từ xưa đến nay. Mỗi ngày, ông dành một khoảng thời gian để ghi chép và hoàn thiện những tài liệu mà mình sưu tầm được. Công việc này đã được thực hiện từ nhiều năm nay với mong muốn lưu giữ những tư liệu quý về sơn mài cho làng nghề và các thế hệ sau.
Hơn 45 năm qua, nghệ nhân Trương Quán Tịnh đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của sơn mài Bình Dương. Những đóng góp của ông thể hiện trên nhiều phương diện, từ sáng tạo nghệ thuật, quảng bá thương hiệu, tâm huyết gìn giữ và truyền nghề sơn mài truyền thống cho thế hệ sau. Ông đã vinh dự nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2016 từ Nhà nước như là một phần thưởng dành cho những ngày tháng đam mê với nghề sơn mài truyền thống của nước nhà.
Nguồn: The keeper of the "fire" of Tuong Binh Hiep traditional lacquer painting |baobinhduong.com
Biên dịch: Minh Hậu
Biên tập: Thu Huyền