Tin tức

Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam

Du khách đến thăm Việt Nam thường chú ý việc hầu như sản phẩm nào cũng được trang trí bằng sơn mài, từ tranh treo tường đến hộp đựng rượu và hộp đựng đồ trang sức. Sơn mài là một chất tự nhiên, được lấy từ nhựa độc từ cây sơn. Người xưa để ý rằng loại nhựa cây dính này giống như một loại nhựa tự nhiên, có thể dùng để phủ lên các đồ vật. Sau khi tiếp xúc với không khí, nó sẽ khô lại, tạo ra một vỏ cứng có khả năng chịu được nhiệt và độ ẩm.

Nghệ thuật làm đồ sơn mài đã xuất hiện từ khoảng 2.000 năm trước ở Việt Nam, và các sản phẩm sơn mài đã được nhìn thấy trong các lăng mộ cổ và cung điện hoàng gia - vốn là biểu tượng của sự quyền quý và giàu có. Ngày xưa, sản phẩm sơn mài được sử dụng vì tính năng của nó nhiều hơn, và chỉ được dùng để phủ lên đồ đạc, đồ gốm và các đồ gia dụng khác để tạo độ bền.

Đặc biệt hơn, sơn mài còn được sử dụng để phủ lên thi hài của các thiền sư Phật giáo từ thế kỷ XVI, đây là một kỹ thuật an táng rất độc đáo ở Việt Nam. Trong múa rối nước, một loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống nổi tiếng, lớp phủ sơn mài làm cho những con rối trở nên sống động và có hồn hơn bất kỳ loại hình sân khấu nào khác.

Các vật phẩm trang trí sơn mài còn gắn với tín ngưỡng phục vụ đời sống tâm linh như đồ thờ trong chùa, đền, đình, phủ. Chúng bao gồm cột sơn mài, câu đối, cung thờ, bộ tám vũ khí, cung điện và bàn thờ của Vua.

Từ đầu những năm 1930, sơn mài được giới thiệu vào mỹ thuật và các loại hình nghệ thuật khác khi những nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tìm hiểu cách sử dụng vàng bạc lá ngọc, vỏ trứng và vỏ trai cùng với kỹ thuật mài để mang cách sử dụng sơn mài truyền thống của Việt Nam vào tranh vẽ.

Quy trình làm ra sản phẩm sơn mài có rất nhiều bước. Chất liệu sơn mài được chiết xuất từ nhựa của cây sơn ở vùng núi tỉnh Phú Thọ. Nhựa được thu hoạch theo cách tương tự như cao su, bằng cách rạch và để nhựa cây chảy ra. Sơn mài tươi có màu trắng và chuyển sang màu nâu khi tiếp xúc với không khí.

Bước đầu tiên của sơn mài là tạo hình, từ gỗ hoặc ván sợi. Các nghệ nhân sẽ cẩn thận đảm bảo không có vết nứt hoặc vết lõm trước khi phủ một lớp nhựa thông để bảo vệ hình dạng. Bước tiếp theo sẽ là phủ sơn mài, một lớp dày hỗn hợp làm từ nhựa cây sơn tự nhiên; đá núi mịn, mùn cưa và đất phù sa sẽ được phủ lên sau. Vật phẩm sau đó sẽ được phủ bằng một miếng gạc cotton mịn để đảm bảo không bị nứt trong thời tiết khô và lạnh.

Khi món đồ được phủ sơn mài khô, nghệ nhân sẽ tiếp tục phủ lên nó một lớp sơn mài tự nhiên khác. Sau đó nó sẽ được chà nhám dưới nước cho phẳng và mịn trước khi được phủ thêm một lớp sơn mài hỗn hợp. Sau khi phủ từ 6 đến 8 lớp sơn mài, các nghệ nhân sẽ bắt đầu trang trí.

Ở bước này, món đồ có thể được khảm bằng vỏ trứng, lá vàng hoặc bạc. Khi khô, nó sẽ được chà nhám dưới nước nhiều lần. Tất nhiên, những kỹ thuật này đòi hỏi kỹ năng, sự chú ý thiền định và sự tập trung vào chi tiết để đạt được sự nhất quán và dòng chuyển động họa tiết.

Bước cuối cùng là đánh bóng, khi vật phẩm được đánh nhám tỉ mỉ trong nước bằng tay để tôn lên vẻ đẹp tinh tế của các hoa văn trang trí. Món đồ càng bóng thì màu của nó càng đậm. Vì vậy, công đoạn đánh bóng cuối cùng này quyết định đến chất lượng của từng tác phẩm sơn mài. Nói cách khác, chà xát không gì khác hơn là mài mòn bề mặt cho đến khi nó đẹp và mịn.

Buffalo Joe
Nguồn: https://www.incensetravel.com/2018/6/vietnamese-lacquer-art 
Biên dịch: Khanh
Biên tập: Hiếu - Huyền

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon