-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Nghệ thuật bắt nguồn từ Việt Nam
Theo các chuyên gia về nghệ thuật, sơn mài là chất liệu truyền thống đầu tiên trong nền hội họa Việt Nam. Mở mang ra thế giới, tranh sơn mài của Việt Nam được chú ý đặc biệt bởi sắc thái riêng biệt thể hiện rõ nét tính cách dân tộc.
Nghệ thuật sơn mài đã có truyền thống hàng thế kỷ ở Việt Nam, lần đầu tiên được người Trung Quốc đưa vào làm đồ thủ công mỹ nghệ và đồ trang trí. Những thế kỷ trước, tượng gỗ ở đình làng, chùa đều được sơn son thếp đỏ, thếp vàng. Bàn thờ, câu đối, hoành phi được xử lý bằng sơn mài với màu sắc lấp lánh.
Tại sao tranh sơn mài được coi là nghệ thuật truyền thống bắt nguồn từ Việt Nam?
Tuy nhiên, sau khi người Pháp thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1925, nghệ thuật thủ công vô danh đó đã trở thành một loại hình nghệ thuật mới và lần đầu tiên được áp dụng cho các bức tranh. Vào thời điểm đó, những người sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, Victor Tardieu và Joseph Inguimberty, đã nhận ra vẻ đẹp của nghệ thuật truyền thống của Việt Nam và muốn giúp học sinh của họ tận dụng tối đa di sản dân tộc cũng như giảng dạy hội họa phương Tây. Trong suốt 20 năm hoạt động, trường đã đào tạo được hơn 100 nghệ sĩ Việt Nam, những người sẽ trở thành những nghệ sĩ tiên phong của nghệ thuật hiện đại Việt Nam, kết hợp các loại hình nghệ thuật bản địa với nghệ thuật của Manet, Degas, Monet, Pissarro và Renoir. Những năm 1930 là thời điểm tranh sơn mài và các tác phẩm mỹ thuật khác trải qua một thời kỳ phục hưng lớn. Điều đó khẳng định rằng khả năng thể hiện ý tưởng và cảm xúc của tranh sơn mài là không giới hạn.
Sơn mài và màu sắc
Sơn ta là một loại nhựa cây trong suốt của sáu loài cây mọc ở miền Bắc và miền Nam Việt Nam, đều thuộc họ Anacardiaceae. Sơn mài - một chất vô hại - được thu hoạch giống như cao su bằng cách rạch để nhựa cây chảy ra. Sơn mài tươi có màu trắng và chuyển sang màu nâu khi tiếp xúc với không khí. Sơn mài đen bắt nguồn từ phản ứng hóa học giữa sơn mài và sắt, sau đó, nó sẽ được trộn với các loại thuốc nhuộm tự nhiên hoặc nhân tạo khác nhau để tạo ra màu sắc ưng ý. Đáng ngạc nhiên là một số sắc thái của màu đỏ được chiết xuất từ một loại khoáng chất màu đỏ có trong tự nhiên, chu sa (thủy ngân sulfua). Màu trắng được tạo ra từ vỏ trứng. Trứng vịt được sử dụng vì chúng có cấu trúc tốt hơn trứng gà mái. Vỏ trứng được làm sạch và đôi khi còn được đốt cháy để có màu hơi nâu.
Một số chất liệu khác có thể được sử dụng để làm tranh sơn mài; phổ biến nhất là vàng lá và bạc lá. Bạc được sử dụng bên dưới các lớp màu để tạo ra hiệu ứng ánh sáng rực rỡ. Mặt khác, lá vàng thường được áp dụng như lớp cuối cùng. Một cách sử dụng thú vị của lá vàng sẽ làm cho nó trông giống như ánh sáng chiếu xuyên qua cửa sổ. Bên cạnh đó, một loạt các vật liệu khác cũng có thể được sử dụng, chẳng hạn như vỏ sò, cát, epoxy và đất sét.
Đưa màu sắc vào và đánh bóng
Vẽ tranh sơn mài là một quá trình mất nhiều thời gian và phức tạp, đòi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn cao. Có thể mất vài tháng, tùy thuộc vào kỹ thuật của nghệ sĩ và số lớp sơn mài trong tranh. Nhiều lớp sơn mài được tạo nên trên một tấm gỗ đã chuẩn bị sẵn, lần lượt từng lớp sơn khô, và cuối cùng là đánh bóng bức tranh bằng đá bọt để lộ ra màu sắc mà nghệ sĩ mong muốn của bức tranh. Các vật liệu khác được sử dụng bao gồm vỏ trứng để tạo ra màu trắng, xà cừ, vàng và bạc lá. Kết quả cuối cùng là mịn và bền và sẽ không bị nứt do biến động của nhiệt độ hoặc độ ẩm.
Tuy nhiên, tranh sau khi hoàn thiện cần thêm thời gian mới được chạm vào. Có thể là vài tháng, vài năm, thậm chí nhiều năm. Các họa sĩ phải đánh đi đánh lại các bức tranh của họ để làm cho chúng phẳng. Sơn được vẽ thành nhiều lớp để mang lại những màu sắc đẹp, huyền bí và lộng lẫy. Nếu để ý, bạn có thể nhận ra khả năng và tính ưu việt của những kỹ thuật khác nhau. Sơn mài đen tạo hiệu ứng bóng và có vẻ bí ẩn sâu sắc trong khi sơn mài cánh gián thì loang lổ, mềm nhũn. Phối hợp các màu có độ tuổi khác nhau để tạo nên các phần âm và dương của bức tranh.
Nhiều bức tranh sơn mài và các hiện vật nghệ thuật của Việt Nam đã được mang ra nước ngoài hàng loạt. Các họa sĩ, dù ít hay nhiều, thường vẽ tranh sơn mài theo cảm hứng bất chợt và theo dòng cảm xúc của họ. Rung động trong trái tim họ được thể hiện qua tác phẩm mà không cần bất kỳ quy tắc hay công thức nào. Chính vì những yếu tố đó mà tinh thần trong tranh của Việt Nam trở nên sâu sắc hơn.
Có một số họa sĩ gắn bó với sơn mài đã cho ra đời những tác phẩm hội họa vang dội như Nguyễn Sáng với tác phẩm “Chiều nghỉ”; Trần Văn Cẩn với "Cô Thủy"; Phan Kế An với bức tranh “Nhớ một chiều Tây Bắc”; Tô Ngọc Vân và "Đêm dừng chân ven đường"; Mai Văn Nam với “Đi chợ Bắc Hà”; Nguyễn Văn Tý với “Ngôi nhà tranh gốc mít”; Trần Đình Thọ và "Cây tre"; và Nguyễn Gia Trí với “Vườn xuân”, “Cô gái bên hoa Phù dung”...
Trong kho tàng mỹ thuật Việt Nam, ngoài tranh sơn mài còn có nhiều loại tranh truyền thống như tranh Đông Hồ giấy dó, tranh sơn dầu, tranh lụa .... Mỗi loại đều có những nét đặc sắc riêng khiến người Việt luôn cảm thấy tự hào khi nhắc đến với bạn bè thế giới.
Những ai quan tâm đến tranh sơn mài Việt Nam có thể sẽ muốn thử tham gia tour du lịch trong ngày từ Hà Nội đến làng nghề sơn mài truyền thống Hạ Thái. Nằm cách Hà Nội khoảng 25km, ngôi làng này là nơi có nhiều thế hệ gia đình làm nghề sơn mài và thổi hồn vào nghệ thuật của họ. Làng Hạ Thái được chú ý bởi những sản phẩm sơn mài mang cảm xúc của người tạo ra nó: linh hoạt, phức tạp và đa dạng.
Nguồn: https://lucotravel.com/vietnam-arts/an-original-art-of-vietnam.html
Biên dịch: Khanh
Biên tập: Hiếu - Huyền