Tin tức

Nghệ sĩ tiên phong của châu Á thách thức chủ nghĩa hiện đại phương Tây (P1)

1. Lee Ungno, Alfonso OssorioYuki Katsura là những nghệ sĩ châu Á tiên phong đã và đang nỗ lực thoát khỏi những ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại phương Tây và cố gắng đi trên một con đường sáng tạo mới mẻ.

Khởi nguồn từ xu hướng đánh giá, nhìn nhận lại nghệ thuật Hiện đại, ngày càng có nhiều phòng trưng bày nghệ thuật giới thiệu những nghệ sĩ tiên phong thuộc về những lịch sử đa dạng, đa sắc tộc hơn. Vị thế “độc quyền” của người Mỹ gốc Âu về Chủ nghĩa Hiện đại đang bị thách thức. Điều này đặc biệt dễ thấy trong một số bài thuyết trình được lên kế hoạch cho lĩnh vực Thông tin chi tiết tại phiên bản 2022 của hội chợ nghệ thuật Art Basel Hong Kong.

Hội chợ nghệ thuật Art Basel Hong Kong năm nay hiện trưng bày tác phẩm của ba họa sĩ tiên phong châu Á: Lee Ungno (1904–1989), Alfonso Ossorio (1916–1990) và Yuki Katsura (1913–1991). Những họa sĩ này đề xuất một cách nhìn mới về Chủ nghĩa Hiện đại: không phải như một hệ thống cấu trúc chặt chẽ, phát triển đều đặn theo thời gian tuyến tính, mà là một tập hợp các biến dị đậm tính cá nhân trước một thực tại không ngừng thay đổi. Lần lượt đến từ Hàn Quốc, Philippines và Nhật Bản, mỗi cuộc đời của họ là hiện thân của những giao điểm và di sản xuyên quốc gia, ghi lại rất nhiều thực tiễn lịch sử nghệ thuật trong sự giao thoa của các thời đại, thế giới và truyền thống.

Triển lãm tranh của Lee Ungno sáng tác trong những năm 1960 - 1980 do Gallery nghệ thuật Vazieux thực hiện đã cho thấy hình ảnh một người nghệ sĩ với cách sử dụng mực hết sức linh hoạt giữa hai trường phái trừu tượng - tượng hình và liên tục làm mới chất liệu của mình như một phương tiện hiện đại. Lee lớn lên ở Hàn Quốc trong thời kỳ Đế quốc Nhật chiếm đóng. Ban đầu, ông được đào tạo về thư pháp Trung Quốc và hội họa truyền thống của Hàn Quốc trước khi học Nihonga - một phong cách hội họa của Nhật Bản thế kỷ 20 dựa trên các quy ước truyền thống, cũng như nghệ thuật phương Tây tại một học viện nghệ thuật hiện đại ở Tokyo. Việc ông thành thạo các nét thư pháp trùng khớp với thời kỳ Hậu chiến, khi các nghệ sĩ tiên phong phương Tây hướng về truyền thống châu Á để lấy cảm hứng cho các phương pháp ứng biến và kỹ thuật vẽ.

Sau khi định cư ở Paris vào đầu những năm 1960, họa sĩ Lee giữ mối giao hảo với các nghệ sĩ và trí thức khác gắn liền với Art Informel và Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng. Trong thời kỳ này, phong cách bán trừu tượng của ông, với ảnh hưởng của nghệ thuật rửa mực và thư pháp, cho thấy sự khác biệt đáng kể bắt nguồn từ sự nhạy cảm của người châu Á so với phong cách trừu tượng của các nghệ sĩ phương Tây.

Khi ở Paris, Lee đã thành lập Académie de Peinture Orientale de Paris, nơi ông hướng dẫn các nghệ sĩ châu Âu khám phá sự tồn tại bên trong của họ thông qua nét vẽ, ký tự và mực Tàu. Một số nghệ sĩ khác được Jahn und Jahn trưng bày tại Art Basel Hong Kong như Pierre Soulages, Hans Hartung, Mark Tobey và Henri Michaux đã tạo ra những bức tranh thư pháp trừu tượng (sáng tác 1970-80)  thể hiện những biến động nội tâm dựa trên tính chất linh hoạt, uyển chuyển của mực, cho thấy phần nào ảnh hưởng của Lee. Tương tự như vậy, tác phẩm của chính Lee đã chuyển mình sang địa hạt của tranh trừu tượng với những bức thư pháp và các hình nhân cách điệu. Phong cách này sau đó đã trở thành chủ đề chính trong loạt tranh của họa sĩ bắt đầu vào năm 1967, ‘People’. Những tạo hình này cấu thành gần như toàn bộ tranh trừu tượng của ông vào những năm 1980, trở thành biểu tượng cho năng lượng chính trị và hy vọng dân chủ sau cuộc đàn áp bạo lực cuộc nổi dậy dân chủ Gwangju ở Hàn Quốc.

Sự nghiệp hội họa của Lee đã chứng minh sự Chủ nghĩa Hiện đại không chỉ là một hệ thống khái niệm và phương pháp lấy châu Âu làm trung tâm, mà là những hiện diện phức tạp và đa dạng của nhiều khả thể sáng tạo trong suốt lịch sử nghệ thuật, thách thức những đường biên giới cố hữu có ý đồ chia rẽ, bó hẹp người nghệ sĩ. Bằng thực hành hội họa mang tính thử nghiệm của mình, họa sĩ phá vỡ quan niệm rằng nghệ thuật Hiện đại Châu Á “lớn lên” bởi sự bắt chước mù quáng. Nói cách khác, ông cho thế giới thấy những thử nghiệm tiên phong dựa trên các cuộc đối thoại và trao đổi năng động với các phong trào nghệ thuật Hiện đại lớn trên khắp thế giới. Lee hoàn toàn không phải là người theo xu hướng nghệ thuật trừu tượng của châu Âu. Đúng hơn, ông là một nhà thử nghiệm táo bạo, người đã nỗ lực “chuyển ngữ” nghệ thuật tiên phong phương Tây sang một tiếng nói đậm chất Á Đông.

Xem thêm phần 2 tại đây

 

Biên dịch: Minh Tâm

Biên tập: Thu Huyền

Nguồn: https://www.artbasel.com/stories/art-basel-hong-kong-2022-historical-positions

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon