-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Một phòng tranh chi phối bốn bảo tàng lớn New York: hồi chuông báo động cho sự đa dạng nghệ thuật
Mùa xuân năm nay, các bảo tàng danh tiếng nhất New York – từ Museum of Modern Art (MoMA), Whitney Museum, đến Guggenheim và Metropolitan Museum of Art (Met) – đều tổ chức sự kiện nghệt thuật, triển lãm cá nhân cho những nghệ sĩ thuộc cùng một phòng tranh: Hauser & Wirth. Cụ thể, Jack Whitten, Amy Sherald, Rashid Johnson và Lorna Simpson đều đang hoặc sắp được vinh danh qua các cuộc trưng bày quy mô lớn. Dù chất lượng nghệ thuật của họ được đánh giá cao và hoàn toàn xứng đáng với sự công nhận, điều gây tranh cãi là việc một phòng tranh duy nhất lại xuất hiện đồng loạt tại các thiết chế quyền lực nhất giới nghệ thuật Mỹ.
Giới hạn mong manh giữa thị trường và bảo tàng
Mặc dù các bảo tàng thường tuyên bố độc lập với thị trường nghệ thuật, thực tế ngày càng cho thấy ranh giới này đã trở nên mờ nhạt. Các phòng tranh lớn hiện không chỉ là nơi đại diện cho nghệ sĩ mà còn tham gia sâu vào việc tài trợ triển lãm, xuất bản ấn phẩm và tổ chức sự kiện nghệ thuật. Những đóng góp tài chính này không chỉ giúp bảo tàng giảm bớt gánh nặng ngân sách, mà còn khiến họ bị lệ thuộc vào “gu thẩm mỹ” của các đại lý nghệ thuật cao cấp. Điều này dẫn đến một hệ sinh thái nơi quyền quyết định nghệ sĩ nào được tổ chức triển lãm thuộc về số ít các “mega-gallery” có tiềm lực kinh tế lớn.
Không gian sắp đặt của “Jack Whitten: The Messenger”, 2025, tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA), New York. Ảnh: Jonathan Dorado.
Trong số bốn triển lãm tranh nghệ thuật mùa này, chỉ có sự kiện nghệ thuật Jack Whitten tại MoMA là không nhận tài trợ trực tiếp từ Hauser & Wirth. Còn lại, Amy Sherald và Lorna Simpson được ghi nhận có sự “hỗ trợ” từ phòng tranh, và Rashid Johnson thì có sự cảm ơn đặc biệt từ đại diện của mình – trong đó có Hauser & Wirth – trên website chính thức của Guggenheim.
Khi bảo tàng trở thành phần mở rộng của phòng tranh
Không gian trưng bày hiện tại của Rashid Johnson tại Bảo tàng Guggenheim. Ảnh: David Heald.
Mối quan hệ này không phải mới. Năm 2015, một khảo sát của The Art Newspaper đã chỉ ra rằng năm phòng tranh lớn nhất – bao gồm Hauser & Wirth, David Zwirner, Gagosian, Marian Goodman và Pace – chiếm đến gần một phần ba tổng số triển lãm bảo tàng tại Mỹ. Xu hướng ấy không hề suy giảm trong thập kỷ qua mà trái lại, càng được củng cố. Cần lưu ý rằng các nghệ sĩ ngoài hệ thống “mega-gallery” gần như không có cơ hội tiếp cận các không gian danh giá như tầng sáu của MoMA – nơi từng tổ chức triển lãm cho Wolfgang Tillmans (David Zwirner), Ed Ruscha (Gagosian), và Joan Jonas (Gladstone Gallery).
Hệ quả: đơn văn hóa nghệ thuật và mất cân bằng trong sự đại diện
Hệ quả là một “đơn văn hóa” nghệ thuật đang hình thành, nơi quyết định nghệ sĩ nào “xứng đáng” với một triển lãm cá nhân phụ thuộc phần lớn vào khả năng thương mại và tính đại chúng. Dù những nghệ sĩ được chọn như Sherald hay Johnson là tài năng thực thụ, việc các bảo tàng tập trung vào những cái tên đã được thị trường bảo chứng cho thấy rủi ro: những tiếng nói khác biệt, thử nghiệm hoặc ít tính thương mại có thể sẽ bị bỏ quên.
Triển lãm nghệ thuật của Amy Sherald tại Bảo tàng Whitney. Ảnh: Tiffany Sage/BFA.com.
Ví dụ điển hình là các nghệ sĩ từng xuất hiện tại Venice Biennale – nơi nổi tiếng vì sự đa dạng và khám phá các nghệ sĩ bên lề. Bahman Mohasses, Kay WalkingStick, Evelyn Taocheng Wang hay Santiago Yahuarcani đều có tác phẩm trong bộ sưu tập của các bảo tàng Mỹ nhưng chưa từng được tổ chức triển lãm cá nhân tại đây. Yahuarcani – nghệ sĩ tự học người Uitoto – mang đến tác phẩm “Cosmovisión Huitoto” đầy chất thơ và phức tạp về lịch sử sống sót của cộng đồng bản địa giữa bạo lực và tước đoạt. Nhưng khả năng để anh được một bảo tàng như MoMA tổ chức hồi cố là rất thấp, đơn giản vì anh không được đại diện bởi bất kỳ phòng tranh lớn nào.
Thế giới và Mỹ: hai quỹ đạo triển lãm trái ngược
Trên bình diện quốc tế, những triển lãm quy mô lớn như ở Tate Modern hay Sharjah Art Foundation cho thấy một mô hình khác. Emily Karaka – họa sĩ người Māori – hay Leigh Bowery – nghệ sĩ quá cố có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng queer – đều có triển lãm nghệ thuật tại đây mà không cần hậu thuẫn từ các “ông lớn” thị trường. Đây là minh chứng cho thấy các bảo tàng quốc tế sẵn sàng mạo hiểm hơn, trao cơ hội cho nghệ sĩ dù họ không thuộc về bất kỳ hệ thống đại lý nghệ thuật nào.
Kêu gọi hành động từ bảo tàng: tái định nghĩa giá trị và rủi ro
Điều cần thiết hiện nay là các bảo tàng phải chủ động mở rộng tiêu chí chọn lựa nghệ sĩ, tách khỏi quỹ đạo mà thị trường đang vạch ra. Việc công nhận những tiếng nói thiểu số, thử nghiệm và chưa có đại diện mạnh sẽ không chỉ tạo nên sự đa dạng văn hóa mà còn thúc đẩy nghệ thuật phát triển thực chất hơn. New York – trung tâm nghệ thuật toàn cầu – có trách nhiệm tiên phong trong việc này, thay vì để mình trở thành sân chơi của một nhóm nhỏ các phòng tranh giàu có.
Nguồn: One Gallery Represents Four Artists with New York Museum Surveys This Season. That’s a Problem
Quỳnh Hoa