-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Loewe tại Milan Design Week 2025: một buổi tiệc trà đậm chất nghệ thuật.
Loewe mang đến Milan Design Week 2025 một bữa tiệc trà rực rỡ sắc màu – nơi chiếc ấm trà vượt ra khỏi chức năng thường nhật để trở thành biểu tượng của văn hoá, nghi lễ và sự an ủi.
Trở lại với tuần lễ thiết kế danh giá, Loewe giới thiệu bộ sưu tập gồm 25 chiếc ấm trà độc bản, được tạo nên bởi bàn tay và góc nhìn của các nghệ sĩ, kiến trúc sư, nhà thiết kế đến từ khắp nơi trên thế giới. Các tác phẩm được trưng bày tại Palazzo Citterio từ ngày 7 đến 13/4/2025, đánh dấu lần thứ chín thương hiệu tham gia sự kiện thiết kế lớn nhất trong năm.
Tác phẩm của Laia Arqueros (trái) và Đặng Tây Bình (phải).
Tác phẩm của Masaomi Yasunaga.
Chiếc ấm trà, vốn là vật dụng gắn liền với lịch sử, văn hoá và nghi lễ, nay được tái hiện qua lăng kính sáng tạo đa chiều, trở thành biểu tượng nơi công năng và thẩm mỹ cùng song hành.
Trong dự án lần này, mỗi nghệ sĩ mang đến một tiếng nói riêng, gửi gắm tinh thần cá nhân vào tác phẩm để khắc hoạ vai trò của trà đạo trong đời sống gia đình và cộng đồng. Họ sử dụng những chất liệu truyền thống như gốm, sứ – nhưng không ngại phá vỡ khuôn mẫu bằng tỷ lệ lạ, hình khối táo bạo và hình dáng phi truyền thống. Kết quả là những thiết kế vừa gợi nhớ nét quen thuộc, vừa khơi gợi cảm giác mới mẻ và đầy khám phá.
Tác phẩm của Lư Bân.
Tác phẩm của Madoda Fani.
Kiến trúc sư Patricia Urquiola là một trong 25 nhà thiết kế góp mặt trong dự án lần này. Cô chia sẻ niềm say mê sâu sắc với văn hoá trà đạo, đặc biệt là tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc – nơi trà không chỉ là thức uống, mà còn là một hình thức thiền định, một khoảnh khắc dành trọn cho bản thân. Với cô, đó là sự an ủi đến từ hơi ấm của tách trà và sự tĩnh tại tinh thần trong từng bước pha, rót và thưởng trà.
Patricia tin rằng hình dáng của chiếc ấm trà quan trọng không kém gì triết lý ẩn sau nó. Cô suy ngẫm về hành trình lịch sử của trà từ Trung Hoa cổ đại đến Nhật Bản, và vai trò của nghi lễ trà trong việc định hình các chuẩn mực xã hội. “Tôi bị cuốn hút bởi cách một vật thể hay một cử chỉ có thể tạo nên trải nghiệm vượt khỏi công năng,” cô chia sẻ. “Hình thức của ấm trà không chỉ phục vụ việc rót nước, mà còn dẫn dắt đôi tay, điều tiết dòng chảy và tạo nên nhịp điệu cho khoảnh khắc. Trọng lượng, chất liệu, độ ấm – tất cả hòa quyện để đánh thức mọi giác quan, biến một hành động giản dị thành nghi lễ trọn vẹn. Những cử chỉ như rót trà, cầm bát hay nhấp một ngụm trở thành những khoảnh khắc hiện hữu, giàu chất thiền. Có một vẻ đẹp sâu sắc trong văn hóa chú tâm này – nơi mọi chuyển động đều có chủ đích, và từng vật dụng đều được chọn lựa với sự trân trọng.”
Tác phẩm của Patricia Urquiola.
Một số thiết kế khác lại gợi nhớ đến truyền thống, như tác phẩm của Simone Fattal và David Chipperfield, trung thành với tinh thần lịch sử của chiếc ấm trà. Với Simone, sự kết nối mang tính cá nhân sâu sắc – một hồi ức về sự an ủi mà nghi thức trà mang lại giữa thời kỳ hỗn loạn. Bà kể lại: “Tôi bắt đầu uống trà mỗi ngày vài tháng trước khi nội chiến ở Lebanon nổ ra vào mùa xuân năm 1975. Khi ấy, tôi vừa chuyển vào căn hộ đầu tiên của mình, và mỗi buổi chiều đều ngồi trên ban công, với một khay trà và chiếc ấm nhỏ bên cạnh.”
Tác phẩm của Simone Fattal.
Thói quen uống trà trở thành điểm tựa bền bỉ theo Simone Fattal qua từng cuộc hành trình, qua những năm tháng lưu vong và biến động. “Nghi thức ấy là chốn nương tựa tinh thần của tôi mỗi ngày,” bà chia sẻ. “Khoảnh khắc được ngồi lại, lắng mình và tận hưởng hương vị của tách trà – đó là điều giúp tôi vững vàng trong những giai đoạn bất ổn. Ở thế giới Ả Rập, trà mang một ý nghĩa rất sâu sắc. Nhiều người thậm chí mang theo loại trà yêu thích của riêng mình, và khi đến quán, họ chỉ gọi nước sôi, trả tiền trà, nhưng dùng chính trà họ mang theo.”
Trong khi đó, David Chipperfield tìm cảm hứng từ mối gắn bó lâu năm với Nhật Bản để tôn vinh văn hóa trà đạo. “Trà đạo thể hiện tầm quan trọng của nghi thức và giá trị của những hành động đơn giản khi được thực hiện với sự chú tâm,” ông chia sẻ.
Tác phẩm của ông là kết quả của sự hợp tác giữa nhiều bàn tay nghệ nhân – từ nghệ sĩ gốm Paula Ojea ở Galicia đến các nghệ nhân kim hoàn Noroeste Obradoiro. “Giữa một thời đại luôn đề cao sự đổi mới, tôi muốn tạo ra điều gì đó quen thuộc – một chiếc ấm trà đúng nghĩa, đơn giản và tinh tế. Khi phác thảo, tôi cũng lật lại bộ sưu tập đồ gốm mà mình đã tích lũy suốt nhiều năm qua, để tìm lại những giá trị bền vững mà thời gian không làm phai mờ.”
Tác phẩm của David Chipperfield.
Danh sách nghệ sĩ và nhà thiết kế tham gia triển lãm năm nay là một bức tranh đa sắc của những góc nhìn và văn hoá, quy tụ nhiều tên tuổi nổi bật từ khắp nơi trên thế giới.
Từ Tây Ban Nha có Laia Arqueros và Patricia Urquiola; Vương quốc Anh góp mặt với Sam Bakewell, David Chipperfield, Edmund de Waal và Rose Wylie. Trung Quốc hiện diện qua các nghệ sĩ Lư Bân, Vương Thụ, Trần Mẫn và Đặng Tây Bình; trong khi Hàn Quốc mang đến các tên tuổi Minsuk Cho, Inchin Lee và Jane Yang-D’Haene.
Ý đại diện với Tommaso Corvi Mora, Nam Phi với Madoda Fani, và Li-băng với Simone Fattal. Nhật Bản – cái nôi của trà đạo – có sự góp mặt đông đảo gồm Suna Fujita, Shozo Michikawa, Akio Niisato, Naoto Fukasawa, Takayuki Sakiyama và Masaomi Yasunaga.
Từ Hoa Kỳ là Dan McCarthy và Walter Price, và cuối cùng là Rosemarie Trockel đến từ Đức.
Mỗi người mang đến một lát cắt độc đáo, góp phần tạo nên một hành trình thị giác đa tầng, nơi chiếc ấm trà là điểm kết nối giữa ký ức, văn hóa và sự sáng tạo không biên giới.
Tác phẩm của Dan McCarthy.
Tác phẩm của Jane Yang-D’Haene.
Tác phẩm của Shozo Michikawa.
Tác phẩm của Tommaso Corvi Mora.
Biên soạn: Hoàng Linh