Tin tức

Lịch sử của các bức chân dung tự họa

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy phần ít còn lại của các bức chân dung tự họa được sáng tác trong thời Hy Lạp, Ai Cập hoặc La Mã Cổ đại. Bởi vì chỉ có một số lượng nhỏ các bức tranh còn tồn tại, và một phần là do thiếu bằng chứng liên quan đến các nghệ sĩ đã sáng tác chúng. Tác phẩm điêu khắc thường bền hơn các bức tranh, vì thế chúng đã tồn tại với số lượng lớn hơn rất nhiều.

Những bức chân dung tự họa ban đầu được điêu khắc trên đá bao gồm một bức có niên đại từ năm 1365 trước Công nguyên bởi  Bak, nhà điêu khắc trưởng của Pharaoh Ai Cập - Akhenaten. Bak cũng thực hiện bức chân dung của Pharaoh Akhenaten (c.1364 TCN) và có thể là tác giả của bức tượng bán thân nổi tiếng Nefertiti (c.1350 TCN). Ngoài ra, các ghi chép cũng cho rằng nhà điêu khắc Hy Lạp cổ đại Phidias đã đưa một bức tượng vào bức phù điêu "Trận chiến của những người Amazons" tại Parthenon ở Athens.

Flemish và thời kỳ Phục Hưng Đức

(Người đàn ông mặc khăn xếp đỏ - Jan van Eyck)

Những bức chân dung tự họa sớm nhất còn sót lại sau thời Cổ đại được cho là của họa sĩ thời Phục Hưng Flemish - Jan Van Eyck (1390-1441), (Người đàn ông mặc khăn xếp đỏ, 1433) và của họa sĩ triều đình Pháp Jean Fouquet (1420-1481) (Bức chân dung tự họa thu nhỏ, 1450). Van Eyck cũng vẽ Bức chân dung Arnolfini (1434), miêu tả một cặp vợ chồng đã kết hôn. Chàng rể được cho là dựa trên chính bản thân ông.

Trong suốt thời kỳ Phục Hưng của Đức, họa sĩ kiêm thợ in Albrecht Durer cũng là một nhà tự họa chân dung tài năng, đã hoàn thành hơn 12 bức tranh và bản vẽ của chính mình, bằng bút bạc, bột màu, dầu và bản khắc gỗ. 

Thời kỳ Phục Hưng Ý

Các họa sĩ Ý trong thời kỳ Phục Hưng có xu hướng đưa những hình ảnh của chính họ vào trong các tác phẩm. Nghệ sĩ Masaccio xuất hiện như một sứ đồ trong các bức bích họa ở Brancacci (khoảng năm 1426), trong khi Piero della Francesca tự đưa mình vào vai một người lính trong bức tranh tường tôn giáo Phục sinh (1463). Sandro Botticelli sử dụng hình ảnh của chính mình trong Lễ tôn vinh các đạo sĩ (1481), trong khi Michelangelo Buonarroti đã sử dụng khuôn mặt của mình khi vẽ Thánh Bartholomew trong bức bích họa “Sự phán xét cuối cùng ở Nhà nguyện Sistine” (1536-1541), và Raphael đã đưa mình vào trong số các nhân vật của Trường học Athens (1510). Nghệ sĩ người Venice Titian được cho là đã đưa chính mình cũng như con trai và một người em họ vào trong "Truyện ngụ ngôn về Prudence" (1565-70).

Baroque/ Rococo/ Tân cổ điển (1600-1800)

Với sự ra đời của giá vẽ và việc sử dụng rộng rãi các loại dầu trên toan khiến các loại chân dung - bao gồm cả gia đình, bạn bè và cá nhân - trở nên phổ biến hơn. Cũng như họa sĩ Mannerist El Greco, những người tự hoạ bao gồm các bậc thầy người Tây Ban Nha - Velazquez và Zurbaran, họa sĩ người Pháp - Nicolas Poussin, các bậc thầy Flemish Rubens, Anthony Van Dyck và thiên tài xuất sắc người Hà Lan Rembrandt - người đã thực hiện hơn 40 bức chân dung tự họa, nhiều bức được sử dụng để đào tạo sinh viên và làm cơ sở cho các nhân vật trong các tác phẩm lớn hơn của mình.

(Chân dung ba người” (c.1646) của Johannes Gumpp)

Một tác phẩm đặc biệt thú vị là “Chân dung ba người” (c.1646) của Johannes Gumpp, cũng như “Chân dung tự họa” (1641, Phòng trưng bày Quốc gia, London) của Salvator Rosa (1615-73).

Chân dung tự họa thế kỷ XIX

Hầu hết các họa sĩ sau này đều vẽ riêng lẻ hoặc theo nhóm. Những bức chân dung tự họa thế kỷ XIX bao gồm của Francisco Goya (1800), Eugène Delacroix (1837), James McNeill Whistler (1872), Édouard Manet (1879), Paul Cezanne (1881), Henri de Toulouse-Lautrec (1883), và Édouard Vuillard (1889),... Một trong những bức chân dung tự họa sáng tạo nhất là “The Artist's Studio” (1855) của Nhà hiện thực người Pháp Gustave Courbet. Với những câu chuyện ngụ ngôn, kiệt tác này là tuyên ngôn của ông về Chủ nghĩa Hiện thực - mô tả người nghệ sĩ đang làm việc được bao quanh bởi bạn bè và kẻ thù. Một họa sĩ vẽ chân dung vĩ đại khác của thế kỷ XIX là Vincent Van Gogh, người có 37 bức chân dung từ năm 1886 đến năm 1889 biểu thị sự suy giảm cảm xúc và thể chất của ông.

(Bức chân dung nghệ sĩ có râu- Vincent Van Gogh)

Chân dung tự họa thế kỷ XX

Thế kỷ XX xuất hiện các bức chân dung tự họa theo phong cách của Henri Matisse (1906), John Singer Sargent (1907), Pierre-Auguste Renoir (1910), Marc Chagall (1910), Sir William Orpen (1910), Paul Klee (1922) và Max Beckmann. Edvard Munch thường xuyên vẽ bản thân trong suốt cuộc đời của mình với nỗ lực khắc họa sự tệ bạc mà anh ta phải chịu dưới bàn tay của Fate (và phụ nữ). Họa sĩ trường phái Ấn Tượng người Đức, Lovis Corinth (1858-1925), đã tự vẽ mình mỗi năm một lần vào ngày sinh nhật. Bức chân dung tự họa nổi tiếng nhất của ông có lẽ là “Bức chân dung tự họa với bộ xương” (1896, Stadtische Galerie, Lenbachhaus). Tương tự như vậy, Frida Kahlo (1907-54), nghệ sĩ Mexico bị tàn tật bởi vụ tai nạn ô tô, đã hoàn thành hơn 50 bức chân dung tự họa miêu tả sự dằn vặt của cá nhân bà. Nghệ sĩ người Tây Ban Nha Pablo Picasso đã vẽ rất nhiều bức chân dung thiên nhiên miêu tả bản thân ở các giai đoạn khác nhau trong sự nghiệp nghệ thuật của mình.

Đương đại

Tự vẽ chân dung đương đại đã phát triển trên tất cả các phương tiện truyền thông. Nó bao gồm các bức chân dung Pop Art của Andy Warhol, các bức chân dung siêu thực bằng dầu của Francis Bacon (1909-1992); Những bức chân dung tự họa cỡ lớn theo phong cách photorealism của nghệ sĩ người Mỹ - Chuck Close (1940) - người dựng các bức tranh của mình thành những ô vuông nhỏ từ các bức ảnh. Cũng như các tác phẩm bị mờ của nghệ sĩ người Đức Gerhard Richter (1932).

Tự chụp ảnh chân dung

Thể loại nhiếp ảnh mỹ thuật mới - thay thế vẽ chân dung - đã được một số nhiếp ảnh gia vĩ đại nhất thế kỷ XX sử dụng để tự chụp chân dung. Có lẽ người sáng tạo nhiều nhất về ảnh chân dung tự họa là Cindy Sherman (SN.1954), người có những bức ảnh siêu thực trải dài nhiều loạt phim, bao gồm cả "Untitled Film Stills" (1977-1980), có 69 bức ảnh đen trắng đã được mua bởi Bảo tàng Modern Art, New York, với giá ước tính 1 triệu đô la. Một vài các nhiếp ảnh gia chân dung khác như: Cecil Beaton (1904-80), Yousuf Karsh (1908-2002), Diane Arbus (1923-71), David Bailey (1938) và Annie Leibovitz (1949).

Bộ sưu tập chân dung

Có thể cho rằng bảo tàng lớn nhất dành riêng cho chân dung là Phòng trưng bày chân dung quốc gia ở London, nơi chứa khoảng 200.000 bức chân dung, trong đó vài nghìn bức là chân dung tự họa. Hai tổ hợp ấn tượng của các bức chân dung tự họa được đặt ở Florence và ở Ireland. Bảo tàng nghệ thuật Florentine danh tiếng, Uffizi Gallery, lưu giữ một bộ sưu tập nổi bật do Hồng y Leopoldo de 'Medici tập hợp ban đầu vào nửa sau của thế kỷ XVII. Nó bao gồm hơn 200 bức chân dung, có các tác phẩm của Pietro da Cortona, Jean-Baptiste Camille CorotMarc Chagall. Tại Ireland, Bộ sưu tập Chân dung Quốc gia, bao gồm hơn 400 bức chân dung tự họa của các nghệ sĩ Ireland bản xứ hoặc cư trú , đang được trưng bày thường xuyên tại Đại học Limerick. Bộ sưu tập kéo dài nhiều thế kỷ và bao gồm các bức chân dung mỹ thuật trên nhiều phương tiện khác nhau, từ màu nước, bột màu, mực, acrylics, tempera, mực và rửa, và dầu, đến các tác phẩm điêu khắc bằng đồng, đá, thép và nhiều sự kết hợp đa chất liệu ấn tượng. Một bộ sưu tập đẹp khác nằm trong Phòng trưng bày Chân dung Quốc gia của Washington.

 

Nguồn: http://www.visual-arts-cork.com/genres/self-portraits.htm

Biên dịch:  Trang Hà

Biên tập: Minh Liên

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon