-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Làm thế nào để trở thành nhà kinh doanh nghệ thuật
Một nhà kinh doanh nghệ thuật là người có chuyên môn cao, có niềm đam mê nghệ thuật và kiến thức sâu rộng về thế giới nghệ thuật đa chiều. Thông thường, một nhà kinh doanh nghệ thuật là người liên lạc giữa một nghệ sĩ hoặc người bán với khách hàng của họ, và tiến hành kinh doanh thông qua một phòng trưng bày.
1. Bắt đầu với tư cách là một nhà kinh doanh nghệ thuật
Nhà kinh doanh nghệ thuật tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán tác phẩm của nghệ sĩ cho các viện bảo tàng, phòng trưng bày, tập đoàn và nhà sưu tập bằng cách đại diện cho các nghệ sĩ, trưng bày tác phẩm và đàm phán mua bán. Người kinh doanh nghệ thuật đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển sự nghiệp của một nghệ sĩ.
Đối với những cá nhân quan tâm đến việc trở thành một nhà môi giới nghệ thuật, điều quan trọng là bạn phải học cách định giá và đánh giá tác phẩm định bán. Nhìn chung, hầu hết các nhà kinh doanh nghệ thuật đều tập trung vào một loại hình nghệ thuật cụ thể. Ví dụ, các tác phẩm điêu khắc hiện đại của các nghệ sĩ như Damian Ortega hoặc các bức tranh đương đại của Damien Hirst hoặc Marina Abramovic. Không quan trọng lĩnh vực chuyên môn, việc tập trung nỗ lực vào một lĩnh vực cụ thể sẽ dễ dàng hơn nhiều thay vì cố gắng trở thành chuyên gia về mọi mặt.
Là một nhà kinh doanh nghệ thuật, bạn cũng sẽ cần phải làm việc rất nhiều với các nhà sưu tập nghệ thuật và khách hàng cá nhân có kế hoạch mua tác phẩm nghệ thuật cho không gian riêng. Cũng giống như bất kỳ công việc bán hàng nào khác, nghề buôn bán tác phẩm nghệ thuật là công việc kinh doanh giữa nghệ sĩ và khách hàng. Những thay đổi này có thể là bất cứ điều gì, từ thay đổi kinh tế đến tâm trạng bất ổn của khách hàng hoặc những quyết định đường đột không theo kế hoạch. Sự kiên nhẫn là điều rất quan trọng đối với một nhà kinh doanh nghệ thuật cần có, và khả năng biết khi nào cần chốt một giao dịch cũng là điều bạn nên tập trung phát triển.
2. Xây dựng sự hiểu biết sâu sắc về nghệ thuật
Kiến thức, sự độc đáo và niềm đam mê là những bằng cấp cần thiết
Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể bắt đầu quan tâm đến nghệ thuật, nhưng bạn phải có một số kỹ năng cần thiết để trở thành một nhà kinh doanh nghệ thuật thành công. Bạn phải có kiến thức sâu về lĩnh vực nghệ thuật cụ thể, nhưng điều quan trọng hơn là bạn phải hiểu thị hiếu của khách hàng. Ngoài ra, những người kinh doanh tác phẩm nghệ thuật phải là những người đa nhiệm và có hiểu biết về marketing và kinh doanh trong thế giới nghệ thuật. Giao tiếp tốt và khả năng làm trung gian giữa bảo tàng, nghệ sĩ và công chúng cũng rất quan trọng. Người kinh doanh nghệ thuật cũng phải có kỹ năng quan hệ công chúng và gây quỹ và có kỹ năng viết lách tốt.
Mặc dù không nhất thiết phải có bằng cấp để trở thành một nhà kinh doanh nghệ thuật, nhưng nhiều doanh nghiệp và tập đoàn lớn lại thích những cá nhân có bằng về mỹ thuật hoặc lịch sử nghệ thuật. Bằng cấp về lịch sử nghệ thuật cung cấp cho các cá nhân kiến thức chuyên sâu về tất cả các khía cạnh của nghệ thuật, từ tác phẩm điêu khắc được tạo ra vào đầu những năm 1800 đến tác phẩm nghệ thuật đương đại được tạo ra bằng nhiếp ảnh. Bạn sẽ tìm hiểu nghệ thuật đại chúng và chủ nghĩa ý niệm đã thay đổi một thời đại như thế nào, chủ nghĩa tối giản là gì và về Phong trào Fluxus của những năm 1960. Sinh viên cũng sẽ được hưởng lợi từ việc tham gia các khóa học về marketing và kinh doanh để có được sự hiểu biết về các khía cạnh tài chính của doanh nghiệp.
Cho dù bạn có kế hoạch làm việc với các cá nhân, công ty có cùng mức độ hiểu biết về nghệ thuật như bạn hay làm việc với những người cần sự hướng dẫn của bạn, kiến thức là chìa khóa trong ngành. Bạn có thể chọn học độc lập hoặc có thể hướng tới bằng cấp, nhưng dù bằng cách nào đi nữa, giáo dục phải là thứ bạn dành cả thời gian và tiền bạc để hoàn thành.
Ngoài kiến thức sâu rộng về lĩnh vực nghệ thuật mà bạn đã chọn, bạn phải là một người yêu nghệ thuật để có thể thành công trong ngành. Nếu bạn chỉ đơn giản quan tâm đến việc bước vào con đường sự nghiệp này để kiếm tiền, bạn có thể tìm một lĩnh vực kinh doanh khác. Đó là bởi vì tiền có thể đến và đi, vì bạn sẽ làm việc trong một ngành có thể thay đổi nhanh. Nhưng với sự nhiệt tình và độc đáo, bạn có thể tìm ra cách để nổi bật giữa đám đông và xây dựng cơ sở khách hàng của mình.
Với tư cách là một nhà kinh doanh nghệ thuật, bạn thực sự có cơ hội để làm những điều mà mình yêu thích. Mặc dù cần rất nhiều thời gian và năng lượng để được công nhận trong giới nghệ thuật, nhưng với đam mê, sự kiên trì, nỗ lực và bản lĩnh, bạn có thể đạt được sự tôn trọng từ những người trong ngành. Bằng cách tập trung, kiên nhẫn và duy trì niềm đam mê cũng như kiến thức về nghệ thuật, bạn sẽ có cơ hội tốt nhất để trở thành một nhà kinh doanh nghệ thuật thành công.
3. Tích lũy kinh nghiệm & xây dựng kết nối
Bắt đầu làm kinh doanh đòi hỏi bạn phải tham gia vào thế giới nghệ thuật. Một số cá nhân thực tập tại các phòng trưng bày nghệ thuật hoặc viện bảo tàng, những người khác xin việc làm trợ lý tại một phòng tranh khi mới tốt nghiệp. Một số người quản lý nhà đấu giá quyết định mở một phòng trưng bày của riêng họ sau nhiều năm kinh nghiệm dưới sự hướng dẫn của các nghệ sĩ và nhà kinh doanh nghệ thuật có cùng chí hướng. Nhiều người sẽ nhận công việc trong bộ phận marketing của một phòng trưng bày hoặc nhân viên lưu trữ trong bảo tàng, hoặc bán sách nghệ thuật trong một hiệu sách. Bất kể bạn đi theo con đường nào, chỉ cần có đam mê và sự kiên trì, sớm hay muộn bạn cũng đạt được mục đích của mình.
Thế giới nghệ thuật có tính cạnh tranh cao, khó thâm nhập. Nhưng điều đó sẽ không ngăn cản bạn tạo ra các kết nối trong ngành. Cho dù bạn chọn đăng ký thực tập để làm việc với các nhà kinh doanh nghệ thuật địa phương khác hay bạn đảm nhận vị trí với một phòng trưng bày địa phương để có thêm kinh nghiệm, mạng lưới quan trọng là chìa khóa cho một nhà kinh doanh nghệ thuật thành công. Đây là cách tốt nhất để gặp gỡ các nhà sưu tập, khách hàng và các đại lý khác mà bạn có thể sẽ làm việc cùng trong tương lai.
Một cách khác để kết nối mạng lưới là tham gia các tổ chức và hiệp hội nghệ thuật hoặc các trung tâm nghệ thuật phi lợi nhuận cung cấp không gian triển lãm cho các tác phẩm nghệ thuật mới hoặc hiện đại. Các cơ quan chính phủ và các nhóm nghệ thuật khác cũng tạo cơ hội kết nối với nhau và có thể được tìm thấy ở các thành phố lớn.
Nguồn: https://theartcareerproject.com/how-to-become-an-art-dealer/
Biên dịch: Trang Hà
Biên tập: Minh Liên