-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Lạc trong không gian nội thất độc đáo ở Gallery Fumi với các tác phẩm được chế tác từ tẩy tái chế
Bộ đôi London – Study O Portable – ra mắt Rubber Rocks: loạt nội thất đánh lừa thị giác làm từ tẩy tái chế, khai thác các chủ đề về vật chất, ký ức của kiến trúc.
Thoạt nhìn, Gallery Fumi ở London trông như vừa được sắp đặt bằng những khối đá granite chạm khắc: ghế đôn, bàn console và băng ghế mang dáng dấp của tàn tích cổ đại – thô mộc, đơn sắc, đầy ấn tượng. Nhưng lại gần, ảo ảnh vỡ tan: những vật thể tưởng chừng nặng nề, trường tồn ấy thực ra mềm mại và co giãn khi chạm vào.
Đó không phải là đá, mà là điêu khắc từ tẩy tái chế – chất liệu tưởng như tầm thường – trong bộ sưu tập Rubber Rocks của Study O Portable, bộ đôi thiết kế đến từ London gồm Bernadette Deddens và Tetsuo Mukai. Đây cũng là triển lãm cá nhân đầu tiên của họ tại Fumi. “Chúng tôi luôn thích cảm giác khi một thứ gì đó khiến bạn bối rối đôi chút, rồi bất ngờ nhận ra bản chất thật của nó,” Mukai chia sẻ. “Khoảnh khắc khám phá đó là điều chúng tôi luôn muốn mang vào tác phẩm.”
Rubber Rocks bao gồm các thiết kế nội thất như ghế đôn, ghế bành, bàn cà phê, băng ghế, bàn console và chậu cây – tất cả đều được đúc và tạo hình thủ công từ tẩy vụn, trộn với bụi đá cẩm thạch và sắc tố mô phỏng những đường vân tự nhiên của đá granite. “Chúng tôi luôn yêu thích tẩy – một vật thể chỉ thực sự hữu ích khi nó dần biến mất,” Deddens nói. “Điều đó gợi lên mối quan hệ mong manh giữa sự tồn tại và sự hao mòn.”
Bộ sưu tập là sự đối thoại giữa hai khái niệm đối lập: đá granite – biểu tượng của sự vĩnh cửu – và tẩy cao su – bản chất là phù du. “Thoạt nghe có vẻ nghịch lý,” Deddens nói thêm, “nhưng kể cả những gì ta xem là ‘vĩnh viễn’ cũng sẽ mất đi theo thời gian. Từ đó, chúng tôi liên tưởng đến những tàn tích La Mã, được Piranesi ghi lại và sau này được John Soane tôn thờ – những thứ không còn tồn tại vật chất nhưng vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến cách ta nhìn nhận quá khứ.”
Quy trình chế tác bắt đầu bằng việc nhuộm cao su với sắc tố mô phỏng màu đá, sau đó nghiền vụn, trộn với bụi cẩm thạch và đổ khuôn thành các hình khối kiến trúc cơ bản. Cuối cùng, từng món được điêu khắc thủ công bằng tay để tạo hiệu ứng thời gian – như vòm cổng vỡ vụn, cột đá gãy ngang – gợi cảm giác lãng mạn của sự suy tàn.
Tại triển lãm, các tác phẩm được bày biện một cách "thảnh thơi", không quá trịnh trọng – như lời mời khán giả bước vào và tương tác. Đi kèm là những cuốn sách, hình ảnh tư liệu về các địa điểm có liên hệ khái niệm với bộ sưu tập: từ mỏ đá granite ở Scotland đến lâu đài Norman và bức tranh The New Zealander của Gustave Doré – hình dung London như một thành phố đổ nát trong tương lai. “Một tác phẩm là tập hợp của vô số ý tưởng nhỏ,” Mukai chia sẻ, “và lần này, chúng tôi muốn hé lộ một vài ‘hạt bụi ý tưởng’ ấy với người xem.”
Rubber Rocks, theo Gallery Fumi, đánh dấu một bước phát triển mới trong thực hành của Study O Portable. “Điều chúng tôi trân trọng ở họ,” hai nhà sáng lập Fumi – Sam Pratt và Valerio Capo – nhận xét: “là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đánh lừa thị giác, chất liệu bất ngờ, và quan trọng nhất – thiết kế đầy chức năng được thực hiện với kỹ thuật xuất sắc. Bộ sưu tập này hội tụ tất cả những điều đó. Vừa lạ lẫm, vừa thân thuộc. Kỳ quặc mà đầy cuốn hút.”
Nguồn tham khảo: Recycled erasers become architectural illusions at Gallery Fumi
Biên dịch: Hoàng Linh