VN | EN

Tin tức

Ký ức & Hiện đại: Mai Trung Thứ 

 

Một bức tranh của Mai Trung Thứ chính là lời mời gọi bước vào một hành trình – hành trình đến với một "Việt Nam mộng tưởng". Thuật ngữ này được các giám tuyển đặt ra trong triển lãm hồi cố đầu tiên của họa sĩ do Bảo tàng Ursulines (tại Mâcon) tổ chức, phối hợp cùng Bảo tàng Cernuschi (Paris) và được giám sát bởi con gái duy nhất của ông – bà Lan Mai. Triển lãm trình bày một cách đầy đủ và nhất quán về các giai đoạn trong sự nghiệp của họa sĩ, với cách trưng bày theo trục thời gian và chủ đề như: trẻ em, âm nhạc, mẫu tử, chiến tranh, v.v... Các đội ngũ tại Bảo tàng Ursulines và Cernuschi đã thực hiện một nỗ lực đáng khen ngợi khi tập hợp được số lượng lớn tác phẩm được chọn lọc từ các bộ sưu tập quốc gia Pháp, các nhà sưu tập tư nhân và gia đình họa sĩ, phần lớn trong số đó chưa từng được công bố. Mỗi tác phẩm là một hành trình dẫn ta đi sâu vào thế giới nội tâm của nghệ sĩ. Tranh của ông thể hiện mối liên kết giữa Việt Nam và Pháp, đồng thời phản ánh ảnh hưởng của cả hội họa Trung-Việt lẫn châu Âu. Qua những tác phẩm này, người xem có thể cảm nhận được hành trình đi tìm bản sắc kéo dài suốt đời của ông – một câu chuyện riêng biệt.

( Exterior of Ursulines Museum.)

Sinh ra trong tầng lớp thượng lưu Việt Nam, Mai Trung Thứ là con trai của quan lại Mai Trung Cát, từng giữ chức Tổng đốc Bắc Ninh. Khi chế độ quan lại bị bãi bỏ vào năm 1915, ông buộc phải tìm con đường riêng cho mình. Năm 1925, sự ra đời của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội mang đến cho ông một cơ hội lớn. Sau khi tốt nghiệp năm 1930, ông nhanh chóng được bổ nhiệm làm giảng viên tại Huế, nơi ông giảng dạy trong suốt bảy năm và tham gia giảng dạy tại chính Trường Mỹ thuật vào năm 1936, đồng thời trưng bày tranh ở các triển lãm trong và ngoài nước. Năm 1937, ông đến Pháp để tham dự Triển lãm Quốc tế về Nghệ thuật và Kỹ thuật trong đời sống hiện đại tổ chức tại Paris. Trốn tránh một cuộc hôn nhân sắp đặt và cuộc đời đã được định sẵn tại Việt Nam, ông quyết định không trở về. Cùng với các họa sĩ Lê Phổ và Vũ Cao Đàm, ông chọn ở lại châu Âu để theo đuổi sự nghiệp. Sự nghiệp thành công của Mai Trung Thứ tại Pháp kéo dài hơn 40 năm, cho đến khi ông qua đời tại vùng ngoại ô Paris năm 1980.

Những tia nắng cuối cùng trên quê hương Việt Nam

( HANOI, ÉCOLE DES BEAUX-ARTS DE L’INDOCHINE, 1930 )

Trường Mỹ thuật Đông Dương đề cao sự phát triển các kỹ thuật hội họa Á Đông nhưng cũng tích hợp các phương pháp và chất liệu của châu Âu trong chương trình giảng dạy. Vì thế, một số tác phẩm đầu tay của Mai Trung Thứ là những bức sơn dầu đặc sắc. Đây là chất liệu hiếm hoi trong toàn bộ sự nghiệp của ông – chỉ có bảy bức được ghi nhận đã từng xuất hiện tại các phiên đấu giá. Trong đó, tác phẩm Femme au chapeau conique le long de la rivière đặc biệt có ý nghĩa vì được sáng tác vào năm 1937 – năm cuối cùng ông ở Việt Nam trước khi rời đi vào tháng Bảy.

( Mai Trung Thu, Portrait de Mademoiselle Phuong , 1930. Lot sold for 24,375,000 HKD )

Không thể không nghĩ đến Portrait de Mademoiselle Phuong, một tác phẩm sơn dầu khác do ông sáng tác năm 1930 và đã được Sotheby’s bán đấu giá vào tháng Tư với mức kỷ lục 24,4 triệu HKD (3,1 triệu USD), trở thành tác phẩm Việt Nam có giá cao nhất từng được bán. Hai bức tranh có sự liên kết về chất liệu và cả hình tượng – người mẫu mặc áo dài xanh lá giống hệt nhau. Trong triển lãm tại Bảo tàng Ursulines, người xem dễ dàng nhận ra Mai Trung Thứ đặc biệt yêu thích chiếc áo dài xanh này, bởi nó xuất hiện ít nhất trong năm tác phẩm quan trọng cùng thời kỳ. Dù danh tính người mẫu chưa được xác định, nhưng chắc chắn bà là người mẫu ưa thích nhất của họa sĩ trong thời kỳ Huế. Rất nhiều bản vẽ và tranh thời kỳ này đều vẽ đi vẽ lại người phụ nữ có gương mặt trái xoan, đôi mắt to và lọn tóc xoăn rủ xuống má – giống hệt người phụ nữ trong Femme au chapeau conique le long de la rivière. Trong tranh, bà đứng bên dòng sông giữa trưa nắng, chiếc áo dài xanh nổi bật lấp lánh dưới nắng như thể thân hình được chạm khắc từ ngọc bích. Khuôn mặt bà ẩn hiện dưới bóng nón lá, phía sau là mây trôi lững lờ và hai con thuyền nhẹ trôi trên sông.

( Mai Trung Thu, Femme au chapeau cônique le long de la rivière , 1937. estimate: 5,000,000 - 7,000,000 HKD )

Sự tĩnh lặng của khung cảnh – tạo bởi màu sắc hài hòa và nét mặt dịu dàng của người phụ nữ – bị làm sống động bởi dây nón bà đang cầm và làn gió khẽ cuốn tà áo. Đáng chú ý là Mai Trung Thứ thể hiện tài năng xuất sắc trong việc tạo dựng mạch kể chuyện qua tranh sơn dầu, mang lại sức mạnh tổng thể cho bố cục. Bức tranh còn cho thấy kỹ thuật điêu luyện trong phối màu và nét cọ, phản ánh nhịp sống trữ tình của Huế một cách đầy cuốn hút.

Những gợi cảm tinh tế

Tại Pháp, Mai Trung Thứ dường như đã chấp nhận việc không thể quay lại quê hương, và ông chuyển sang chất liệu lụa pha màu gouache, từ bỏ hoàn toàn sơn dầu. Từ cuối thập niên 1940, ông phát triển một phong cách đặc trưng, dễ nhận biết ngay từ cái nhìn đầu tiên. Phong cách này từ bỏ những nguyên lý của Trường Mỹ thuật Đông Dương để theo đuổi khuynh hướng hội họa Trung-Việt: không gian lớp lang thay cho phối cảnh, màu sắc không có bóng đổ, và bố cục từ chối chủ nghĩa hiện thực.

( Mai Trung Thu, Melodies , 1966. estimate: 1,200,000 - 1,800,000 HKD )

Tác phẩm Mélodie sáng tác giữa thập niên 1960 là một ví dụ điển hình – một bức tranh lớn và rất tinh tế, được sáng tác trong thời kỳ ông sử dụng bảng màu rực rỡ nhất. Trong một hiên nhà chỉ được gợi ý bằng hàng rào đỏ cầu kỳ, một phụ nữ chơi đàn nguyệt cho bạn đồng hành. Âm nhạc đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với Mai Trung Thứ – ông từng là một nghệ sĩ cổ nhạc thành thạo từ thời Huế, và luôn bật đĩa nhạc Việt khi vẽ tranh. Vì thế, âm thanh dường như thấm vào từng nét vẽ, khiến Mélodie mang một không khí đầy rung cảm. Người xem như có thể nghe thấy tiếng đàn êm dịu vọng ra từ tranh.

Tác phẩm Jeune femme couchée, vẽ năm 1964, cũng cho thấy khả năng tạo nên không gian thơ mộng riêng tư của họa sĩ. Trong tranh, một người phụ nữ đã cởi bỏ áo dài, chỉ còn mặc quần lụa và dùng quạt che ngực. Dù gợi một chút vẻ dè dặt theo tư tưởng Khổng giáo, nhưng đây lại là một trong những tác phẩm gợi cảm nhất của ông. Sau khi nghiên cứu hàng trăm tác phẩm, tôi nhận thấy rất ít bức tranh của ông thể hiện sự mập mờ chủ ý một cách rõ ràng như vậy. Nền đỏ – biểu tượng cho đam mê trong biểu tượng học châu Âu – cùng chiếc bình gốm đầy ẩn dụ là những yếu tố nổi bật. Rèm cửa – thường thấy trong chân dung tổ tiên Việt – trong tranh này lại nhấn mạnh yếu tố “kẻ nhìn trộm”.

( Mai Trung Thu, Jeune femme couchée , 1964. estimate: 800,000 - 1,500,000 HKD)

Bên cạnh việc tham chiếu văn hóa Việt, Mai Trung Thứ còn gợi nhắc tới các họa sĩ thời Phục Hưng. Sự thay đổi này trong phong cách có thể đến từ ảnh hưởng của Jean-François Apesteguy – người phụ trách phòng tranh cho ông từ năm 1955 – người đã khuyến khích ông tìm cảm hứng từ nghệ thuật cổ điển châu Âu. Theo tôi, tác phẩm đầy ẩn dụ này chính là minh chứng xuất sắc cho sự uyên bác của họa sĩ.

Di ngôn tĩnh lặng

Tác phẩm Nature Morte năm 1970 là ví dụ tinh tế cho sự quan tâm của họa sĩ đối với thể loại tĩnh vật – một thể loại mang truyền thống đậm nét trong cả hội họa châu Âu lẫn Trung-Việt. Trong tiếng Trung, "tĩnh vật" (jing wu) không chỉ là đồ vật mà còn là biểu tượng của điềm lành, kỷ niệm sự kiện hoặc những cách chơi chữ cát tường. Tại Việt Nam, tranh tĩnh vật xuất hiện phổ biến trong tranh in mộc bản trang trí trong nhà. Hoa trái trong tranh thường mang ý nghĩa biểu tượng riêng, vừa thẩm mỹ vừa mang giá trị văn học. Trong Nature Morte, Mai Trung Thứ chọn vài quả táo và một quả cam – quả cam biểu trưng cho sự nối dõi vì chứa nhiều hạt. Ngược lại, quả táo bị cắt đôi gợi nhắc đến dòng tranh hội họa vanitas của châu Âu – nói về thời gian vô thường khi trái cây rồi sẽ héo úa. Những trái cây ấy là cách họa sĩ suy ngẫm về cuộc sống. Tôi không thể không nhắc đến việc ông vẽ Nature Morte khi đang bước vào thập kỷ cuối cùng của cuộc đời, khiến cho bức tranh lụa này mang một chiều sâu cảm xúc đặc biệt. Một tác phẩm tĩnh vật như một di ngôn. 

( Mai Trung Thu, Nature Morte , 1970. estimate: 420,000 - 650,000 HKD )

Nguồn : Memory & Modernity: Mai Trung Thu

Biên dịch : Bảo Long

 

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon