-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Johnny Rozsa và hành trình từ nhiếp ảnh thời trang đến triển lãm tranh màu nước tại Tangier
Từng là một trong những nhiếp ảnh gia thời trang nổi bật của thập niên 1980, Johnny Rozsa – người từng chụp Sade, Boy George, Tina Turner và Hugh Grant – đang gây chú ý với một vai trò hoàn toàn mới: họa sĩ. Ở tuổi 76, ông lần đầu ra mắt công chúng với triển lãm tranh màu nước Compass Point tại Gallery Kent, Tangier, đánh dấu bước ngoặt sáng tạo sau nhiều thập kỷ đứng sau ống kính.
Johnny Rozsa. (Hình ảnh: Tư liệu: Johnny Rozsa).
Các bức tranh màu nước và cọ vẽ của Rozsa. (Hình ảnh: Tư liệu: Johnny Rozsa).
Sinh ra tại Nairobi trong một gia đình Do Thái gốc Séc, Rozsa từng học kiến trúc, là vũ công, làm việc tại British Vogue và điều hành cửa hàng đồ vintage trước khi cầm máy ảnh vào năm 1976. Tuy không được đào tạo bài bản, ông nhanh chóng khẳng định tên tuổi trong làng nhiếp ảnh thời trang, cộng tác với các tạp chí như i-D, The Face và Vogue.
Maryam, của Johnny Rozsa. (Hình ảnh: Tư liệu: Johnny Rozsa).
Kể từ khi chuyển sang New York, cuộc sống của Rozsa trở nên yên bình hơn, nhưng không kém phần nghệ thuật. Trong vài năm gần đây, ông bắt đầu học vẽ tại Art Students League cùng họa sĩ Charles Nitzberg. Sự trở lại với màu nước – một sở thích từ thời thơ ấu – đã mang đến cho ông một sự tĩnh lặng mới. “Tôi chìm vào trạng thái thiền định khi vẽ. Thật tuyệt vời,” ông chia sẻ.
Triển lãm tranh nghệ thuật của Rozsa tại Tangier không đến từ một kế hoạch có sẵn. Trong một buổi tiệc, ông tình cờ gặp Aziza Laraki – giám đốc Gallery Kent – người đã nhận ra ông qua những bức tranh “cô gái với ô” trên Instagram và ngỏ lời mời trưng bày. Tangier vốn là vùng đất gắn bó với Rozsa từ thời sinh viên và giờ đây như một ngôi nhà thứ hai – một nơi đầy cảm hứng nghệ thuật và giao thoa văn hóa.
Chuẩn bị cho triển lãm, ông tìm đến thư viện của American Legation Museum và kho bưu thiếp cổ của Peter Hinwood – diễn viên Rocky Horror Picture Show. Những hình ảnh về đời sống thường nhật, trang phục truyền thống và phụ nữ vùng Bắc Phi từ đầu thế kỷ 20 trở thành nguồn tư liệu quý giá, được Rozsa tái hiện bằng nét vẽ rực rỡ, má hồng đặc trưng và ánh nhìn trực diện đầy cảm xúc.
Hassan, của Johnny Rozsa. (Hình ảnh: Tư liệu: Johnny Rozsa).
Orzala, của Johnny Rozsa. (Hình ảnh: Tư liệu: Johnny Rozsa).
Với gần 50 bức tranh, Compass Point là một triển lãm nghệ thuật gợi nhớ và tôn vinh vẻ đẹp đã từng bị quên lãng. Rozsa không coi đây là tranh thời trang hay tài liệu lịch sử đơn thuần, mà là nghệ thuật thị giác mang yếu tố kể chuyện. Từng nhân vật được ông đặt tên – như Orzala, Maryam, hay Hassan – như những con người thực có đời sống riêng, không còn là các hình mẫu vô danh trên bưu thiếp cũ.
Không gian sắp đặt của triển lãm nghệ thuật này cũng đáng chú ý, với nhiều khung tranh làm bằng lá cọ thủ công – phản ánh tinh thần địa phương và sự trân trọng chất liệu truyền thống. Và dù chưa khai mạc, phần lớn tranh đã được sưu tầm – minh chứng cho sức hút từ hành trình tái sinh nghệ thuật của Rozsa.
Rozsa tại Tangier cùng Veere Grenney, người bạn lâu năm của ông. (Hình ảnh: Tư liệu: Johnny Rozsa).
Rozsa bật mí rằng sau Tangier, chủ đề tiếp theo ông đang theo đuổi là loài chim – với những nét vẽ màu ngọc trai. “Thật may mắn khi tôi được mời tổ chức một triển lãm ở giai đoạn này của đời mình. Tôi không thể nghĩ ra điều gì thú vị và sáng tạo hơn,” ông nói.
Nguồn: After decades capturing the world’s fashion-set, photographer Johnny Rozsa picks up a paint brush
Quỳnh Hoa