-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Huma Bhabha và Alberto Giacometti đối thoại qua cảm xúc trong trưng bày tại Barbican.
Trung tâm Barbican vừa khai mạc triển lãm Encounters: Giacometti x Huma Bhabha — chương đầu tiên trong chuỗi hợp tác ba phần cùng Quỹ Giacometti, nhằm đối thoại giữa di sản của nhà điêu khắc huyền thoại Alberto Giacometti và các nghệ sĩ đương đại trong không gian trưng bày mới của trung tâm.
Mở màn cho chuỗi triển lãm là cuộc đối thoại giữa Giacometti và Huma Bhabha — nghệ sĩ điêu khắc nổi tiếng với những tạo hình mang dáng vẻ lai tạp, chất liệu thô mộc và bề mặt phong phú. Từ những vật liệu như xốp Styrofoam hay đồ vật nhặt nhạnh, Bhabha tạo nên những hình thể tưởng tượng — vừa gợi vẻ uy nghi, vừa có gì đó nhân từ — gợi mở nhiều tầng lớp biểu tượng từ tôn giáo, lịch sử đến chính trị. Chính cách sử dụng hình thể và bề mặt khiến tác phẩm của Bhabha trở thành một bạn đồng hành lý tưởng với Giacometti — người nghệ sĩ Thụy Sĩ đã khắc họa con người trong cốt lõi mong manh và hiện sinh nhất.
“Cuộc đối thoại giữa Giacometti và Huma Bhabha trong triển lãm đầu tiên của chuỗi Encounters không chỉ là sự gặp gỡ về hình thức mà còn khai mở những kết nối cảm xúc, những trăn trở vượt thời đại — như trải nghiệm bạo lực trên thân thể con người và hệ lụy kéo dài của nó,” Shanay Jhaveri, Giám đốc nghệ thuật thị giác của Barbican chia sẻ. “Chúng tôi mong muốn gợi lên những cuộc trò chuyện liên thế hệ, đi xa hơn các yếu tố kỹ thuật để chạm vào nỗi ám ảnh chung trong nhân tính.”
Chuỗi triển lãm do chính Jhaveri giám tuyển sẽ tiếp tục với các nghệ sĩ Mona Hatoum và Lynda Benglis đối thoại cùng tác phẩm của Giacometti.
“Tôi thật sự vinh dự khi Shanay mời mình trở thành nghệ sĩ đầu tiên khai mở chuỗi triển lãm này,” Bhabha chia sẻ. “Là một nhà điêu khắc, một người hâm mộ lớn của Giacometti, tôi không thể từ chối. Lúc đầu tôi có chút lo lắng về cách chọn tác phẩm sao cho đối thoại được với Giacometti, nhưng sau dự án hợp tác trên mái của Bảo tàng Metropolitan tại New York, tôi hoàn toàn tin tưởng vào tầm nhìn của Shanay.”
Dù khởi điểm là sự khác biệt — và Bhabha luôn nhấn mạnh với cô, nghệ thuật trước hết là hình ảnh — thì triển lãm vẫn hé mở những điểm tương đồng về chất liệu, kết cấu và cảm giác bề mặt giữa hai nghệ sĩ. Ngoại trừ bức tượng đầu trắng lớn của Giacometti và một bức tranh chân dung sắt kéo dài mới của Bhabha, toàn bộ tác phẩm trong triển lãm được Jhaveri tuyển chọn, bao gồm cả chuyến làm việc cùng nhau tại kho lưu trữ của Quỹ Giacometti.
“Có một điều tôi rất thích ở triển lãm này: tác phẩm của chúng tôi không hề giống nhau — và chính điều đó khiến cuộc gặp gỡ trở nên thành công,” Bhabha nói. “Nhưng trong sự khác biệt ấy, vẫn có một mạch cảm xúc chung, một tinh thần chung hiện lên rõ ràng.”
Sự căng thẳng và tương đồng giữa hai nghệ sĩ được thể hiện một cách tinh tế trong không gian trưng bày gồm 23 tác phẩm. Triển lãm mở ra như một “nghĩa trang” trong tâm trí người nghệ sĩ — nơi nhiều tác phẩm nằm sát mặt sàn, gợi cảm giác u uất, tàn tích. Khi bước vào phần trung tâm, không gian chuyển mình thành một “con phố” với các hình thể cao, đứng thẳng, chuyển động — có cả một dáng nằm lặng lẽ như đang nghỉ ngơi giữa những bước chân.
“Tôi muốn tạo nên một cảm giác điện ảnh,” Bhabha chia sẻ. “Tôi không chỉ đơn thuần sắp đặt tác phẩm. Tôi muốn tạo ra một cốt truyện, hay ít nhất là một gợi ý kể chuyện để người xem tự tiếp nối và tưởng tượng phần của riêng họ. Tôi nghĩ điều này đang mở ra một hướng đi mới trong công việc của mình.”
Cả Bhabha và Giacometti đều chạm tới những di chứng chiến tranh và hiện thực khắc nghiệt của thế giới trong tác phẩm của họ. Dù cách tiếp cận rất khác nhau và khoảng cách thế hệ khá lớn, cả hai đều chọn lối đi siêu hình khi khắc họa hình thể con người. Trong triển lãm này, người xem sẽ gặp những cơ thể bị phân mảnh, những thân hình lai ghép kỳ dị, những hình dáng vừa gợi cảm vừa bất toàn — như thể các tác phẩm đang chuyển động trong một vũ điệu trầm mặc, và chúng ta bước đi giữa những nhịp múa ấy.
“Dù có cố gắng đến đâu, bạn cũng không thể hoàn toàn tách mình khỏi những gì đang xảy ra trên thế giới,” Bhabha nói. “Những điều đó thấm vào tác phẩm — như với ông ấy (Giacometti). Theo cách nào đó, giữa chúng tôi có một mối liên hệ: cùng phản ứng trước thời đại mình đang sống.”
Nguồn: Wallpaper*
Biên dịch: Hoàng Linh