VN | EN

Tin tức

Hồng Kông trước thời khắc quyết định: Liệu có giữ vững vị thế trung tâm nghệ thuật châu Á?

Tuần lễ nghệ thuật đương đại lớn nhất năm tại Hồng Kông đang đến gần, đánh dấu thời điểm mang tính bản lề cho khu vực này. Với sự trở lại của hội chợ nghệ thuật Art Basel Hong Kong lần thứ 12, sự kiện nghệ thuật Art Central và loạt triển lãm nghệ thuật mới tại các bảo tàng, gallery địa phương, năm 2025 hứa hẹn sẽ là một cột mốc quan trọng, thử thách liệu Hồng Kông có thể tiếp tục giữ vững vị trí là trung tâm văn hóa nghệ thuật hàng đầu châu Á hay không.

 

Một năm đầy biến động

Ảnh: Art Basel.

Năm vừa qua chứng kiến nhiều thử thách. Tăng trưởng chậm tại Trung Quốc, cùng với đà chững lại của thị trường nghệ thuật toàn cầu, đã tác động không nhỏ đến Hồng Kông. Một số gallery và tổ chức nghệ thuật buộc phải đóng cửa, trong khi một số khác lựa chọn mở rộng sang các thành phố như Seoul hay Tokyo thay vì tiếp tục phát triển tại đây. Ngoài những áp lực kinh tế, sự thay đổi trong bối cảnh chính trị – xã hội cũng đang định hình lại cục diện.

 

Số liệu và thực tế

Bên trong Art Basel Hong Kong 2024. Ảnh: Art Basel.

Báo cáo Art Market Report 2024 do Art BaselUBS công bố cho biết, dù Trung Quốc đã trở lại vị trí thị trường nghệ thuật lớn thứ hai thế giới vào năm 2023, nhưng mảng đấu giá lại sụt giảm tới 63% trong năm 2024 (bao gồm cả Hồng Kông). Song song với đó là làn sóng di cư kéo dài từ 2020 đến 2023. Theo công ty Henley & Partners, số lượng triệu phú tại Hồng Kông đã giảm 4% trong giai đoạn 2014–2024.

Katie de Tilly – người sáng lập 10 Chancery Lane Gallery – chia sẻ: “Khi mất đi phần lớn cộng đồng người nước ngoài – vốn là lực lượng mua nghệ thuật rất mạnh – Hồng Kông đã chịu một cú sốc lớn.”

 

Điểm sáng từ các tổ chức quốc tế

Không gian Christie’s Hong Kong tại The Henderson, 2024. Ảnh: Christie’s.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều u ám. Theo Elaine Kwok – cựu giám đốc điều hành khu vực châu Á của Hauser & Wirth – “năm 2024 tuy là một năm khó khăn với thị trường nghệ thuật đương đại, nhưng vẫn có những tín hiệu cho thấy các tổ chức lớn vẫn cam kết đầu tư lâu dài tại Hồng Kông.” Bà cho biết thêm, hội chợ nghệ thuật quốc tế Art Basel Hong Kong 2024 là kỳ thành công nhất từ trước đến nay của gallery này, chứng tỏ các nhà sưu tập vẫn sẵn sàng chi trả cho những tác phẩm có giá trị cao.

 

Từ thị trường thành trung tâm sáng tạo

Song hành với đó là sự thay đổi trong hệ sinh thái nghệ thuật địa phương. Pascal de Sarthe – người sáng lập de Sarthe Gallery tại Hồng Kông – nhận định: “Hồng Kông không còn là trung tâm thị trường nữa, mà đang dần trở thành trung tâm sáng tạo nghệ thuật thực thụ.” Đại dịch đã vô tình đẩy các gallery hướng về nghệ sĩ địa phương, và chính họ đã tỏa sáng.

 

Tác phẩm của các nghệ sĩ Hồng Kông thu hút sự chú ý

Trong bối cảnh không thể vận chuyển tác phẩm quốc tế, nhiều gallery đã chuyển sang tổ chức triển lãm nghệ thuật đương đại cho các nghệ sĩ bản địa. Lượng khách đến bảo tàng M+ lên tới hơn 2 triệu trong năm 2022 – một con số ấn tượng trong giai đoạn vẫn còn hạn chế tụ tập đông người.

Daphne King Yao – giám đốc Alisan Fine Arts – cho biết: “Nhiều nghệ sĩ Hồng Kông bán quá nhanh, không đủ thời gian để tạo thêm tác phẩm cho triển lãm.”

Không gian mới 10.000 ft² tại Aberdeen Harbour, do Alisan Fine Arts khai trương năm ngoái, được thiết kế như một môi trường sống thay vì một “hộp trắng” thông thường, đem lại trải nghiệm sâu sắc hơn cho người yêu nghệ thuật.

 

Thị trường nghệ thuật mở rộng và đa dạng

Bên trong Alisan Fine Arts, Hồng Kông. Ảnh: Alisan Fine Arts.

Cùng với sự quan tâm ngày càng lớn tới nghệ sĩ Hồng Kông, thị trường triển lãm nghệ thuật trong thành phố cũng trở nên đa dạng hơn cả về địa lý lẫn nhân khẩu học. Các nhà sưu tập từ Global South đang góp mặt ngày càng nhiều, kéo theo sự nổi bật của các nghệ sĩ Đông Nam Á và Nam Á.

Ví dụ, gallery 10 Chancery Lane sẽ giới thiệu triển lãm nhóm gồm 8 nghệ sĩ Đông Nam Á do nhà nghiên cứu nghệ thuật Singapore Iola Lenzi giám tuyển. Trong số đó có Bùi Công Khánh – nghệ sĩ Việt Nam chuyên khai thác lịch sử thuộc địa, và Htein Lin – nghệ sĩ Myanmar từng là tù nhân chính trị, nay dùng nghệ thuật để ghi lại ký ức cá nhân.

 

Nghệ sĩ nữ và các tổ chức nghệ thuật độc lập

Tuần lễ sự kiện văn hóa nghệ thuật năm nay cũng chứng kiến sự nổi bật của các nghệ sĩ nữ với triển lãm solo tại White Cube (Lynne Drexler) và loạt chương trình toàn bộ tại Tai Kwun đều dành cho nghệ sĩ nữ. Những cái tên như Hu Xiaoyuan, Alicja Kwade và Maeve Brennan đều góp mặt với các tác phẩm mới.

Kwok nhận định: “Sự hiện diện của nghệ sĩ nữ trong giới nghệ thuật đã tiến xa rất nhiều kể từ năm 2007.” Bà nhấn mạnh rằng ngày càng nhiều nhà sưu tập và lãnh đạo tổ chức nghệ thuật tại châu Á là phụ nữ – một điều tạo nên ảnh hưởng tích cực cho cả hệ sinh thái.

 

Thách thức từ địa chính trị

Dù vậy, những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ ảnh hưởng đến Hồng Kông. Việc thành phố này mất quy chế thương mại đặc biệt với Mỹ vào năm 2020 khiến chi phí vận chuyển, hậu cần và vật tư tăng cao. Dù tác phẩm nghệ thuật không bị áp thuế, nhưng tâm lý nhà sưu tập có thể bị ảnh hưởng.

Sự thành công của Art Basel Hong Kong 2025 vì thế sẽ không chỉ đơn thuần là một sự kiện nghệ thuật quốc tế, mà còn là chỉ dấu quan trọng cho tương lai của cả ngành công nghiệp sáng tạo tại Hồng Kông.

 

Nguồn: Can Hong Kong Maintain Its Position as Asia’s Art Hub?

Quỳnh Hoa

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon