-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Hoạ sĩ Phan Cẩm Thượng và Câu chuyện Đình làng
Họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng năm nay tròn 60 tuổi, nhưng đã có tới gần 40 năm cuộc đời để nghiên cứu về văn hoá dân gian, các công trình mỹ thuật kiến trúc cổ, đằng sau đó là cả hệ thống tinh thần của người Việt. Gặp ông ở Hà Nội những ngày cuối tháng 11 trong buổi trò chuyện về không gian văn hóa “câu chuyện của đình làng”, ông bảo lâu lắm rồi mình mới có cuộc nói chuyện ở Hà Nội, bởi thời gian chủ yếu của ông là ở các đình, chùa.
Vì gắn bó với những ngôi đình, gắn bó với các câu chuyện của làng, nên mỗi khi nhắc đến đình, làng, nhà văn hóa Phan Cẩm Thượng lại dạt dào xúc cảm. “Câu chuyện về đình làng thì ai cũng biết. Chúng ta đi qua đình làng, hay từ khi thơ bé đã được nghe các câu hát ru của bà của mẹ về đình làng như “Qua đình ngả nón trông đình/ Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu”, hay “Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen”… Nhưng để hiểu những câu chuyện phía sau của ngôi đình là những gì, để lại giá trị văn hóa như thế nào không phải ai cũng hiểu.”
Ông Phan Cẩm Thượng kể rằng, ông đến với sự nghiệp nghiên cứu di sản văn hoá như một sự sắp đặt. Hồi nhỏ ông đi sơ tán ở Hà Tây. Thời kỳ chiến tranh nên phần lớn không có trường sở, mà học luôn trong các đình, chùa. Ông bảo: Đi học vậy nhưng thú thực là tôi chẳng học được môn gì, mà cứ thích tượng Phật, hay đồ đạc trong các đình làng. Khi đó làng Cấn Trung tôi học có một cái đình liền với một cái chùa. Đình có một cái sàn mà tôi cứ nghĩ nó là cái sân khấu, suốt ngày leo lên, lấy kiếm trong đình đánh nhau và cũng phá hỏng rất nhiều thứ trong đình. Nhưng thời ấy người ta không nói gì cả. Tôi còn nhớ có cái miếu gần đê, tôi thường rút ngói ra đánh đáo…
Đúng như cái nghiệp, nên về sau tôi lại đi nghiên cứu, vẽ lại các thứ của đình, làng giống như để trả một cái nợ từ thuở bé của mình. Lúc ấy tôi mới hình dung được, là tôi được sống trong giai đoạn có những nền văn hóa cổ tồn tại như thế nào, đồng thời hiểu thêm về quá khứ. Những công trình ấy vừa là ngưng đọng của thời gian rất dài, hàng mấy trăm năm của người Việt Nam trong làng xã. Cũng là văn minh tích tụ của công nghệ, kiến trúc, nền kinh tế. Bên cạnh đó là các vấn đề về tín ngưỡng, tập tục.
Ông tâm sự: Thực sự người Việt Nam mình văn hóa để lại không còn nhiều, mà bị tàn phá bởi chiến tranh, những cuộc bài trừ mê tín dị đoan… nên còn lại rất ít, làm cho chúng ta tưởng chúng ta sống trong một đất nước rất nghèo nàn, trống không. Nhưng thật ra, nếu như các bạn biết vào thế kỷ 18 ở Việt Nam có 11.800 cái làng, mỗi một làng có một cái đình, một cái chùa, một cái đền; mỗi cái chùa có khoảng vài chục đến hàng trăm tượng Phật, các đình rất nhiều đồ thờ, hoành phi câu đối, phù điêu… thì sẽ thấy di sản văn hóa rất lớn chứ không phải nhỏ. Chúng ta có 11 nghìn chùa, 11 nghìn cái đình, 11 nghìn cái đền, thế mà bây giờ chỉ còn vài trăm cái, và chỉ vài cái được nguyên vẹn. Thế mới biết chúng ta đã phá hủy di sản lớn như thế nào…
Vẫn say sưa, ông kể: Một cái làng ngày xưa ở thế kỷ 16 chỉ có khoảng 20 gia đình. Sau các cuộc kháng chiến chống quân Minh, ông Lê Lợi cho một chiếu chỉ 3 gia đình cũng được lập 1 làng. Và cũng chỉ trong 100 năm thôi, làng xã Việt Nam lại phát triển. Nếu chúng ta tìm hiểu, thì sẽ thấy đình làng không chỉ là công trình kiến trúc đơn thuần. Làng xã là bước đi của xã hội Việt Nam, mà cái đình là tập trung của văn hoá, của làng.
Làng của Việt Nam hình thành trên cơ sở tập hợp của vài dòng họ. Sinh ra được một số đinh nhất định, họ tham gia vào chính quyền phong kiến, đóng thuế đinh, thuế điền, tham gia vào các phu phen tạp dịch, đi lính nếu cần thiết. Tình hình đó dẫn đến trong làng xã Việt Nam hình thành các loại tôn giáo và tín ngưỡng. Bởi vì cái đình là một hình thức tín ngưỡng, và một hình thức hành chính. Nó là nơi để các ông kỳ hào, kỳ mục, lý trưởng họp, thì là đơn vị hành chính.
Thứ hai nó là nơi thờ thành hoàng. Thứ ba là hội lễ của toàn dân trong làng. Nghĩa là có ba chức năng: tín ngưỡng, hội lễ và hành chính. Vậy thì đình chính là nền văn hoá của làng. Tín ngưỡng này là tín ngưỡng bản địa, thờ một nhân vật lịch sử, hay thờ một ông tổ nghề, hay thờ một ông thần linh thiêng nào đó mà làng họ quan trọng. Đình là hình thức văn hóa riêng của làng. Bên cạnh đó có một hệ thống tư tưởng được quàng vào với xã hội Việt Nam là tôn giáo đạo Nho, đạo Lão và đạo Phật.
Cũng theo nhà văn hoá Phan Cẩm Thượng: Đình là một tựu trung của kiến trúc cổ Việt Nam, tạo ra một ngôi nhà có hình tượng mái cong. Mái cong có thể vươn ra ngoài khoảng 2 mét, biến đường thẳng thành hình đường cong cho mái đình bớt nặng, thêm phần duyên dáng. Ngày thường dân họ không đến đình. Khi cỗ bàn dân cũng ăn ở ngoài sân. Vì trong đình có thứ hạng, theo ba hạng dân. Hạ hạng là dân thấp nhất bao gồm cả lý trưởng. Trung hạng là các kỳ hào, kỳ mục. Thượng hạng phải là người đỗ đạt trạng nguyên… Ngày xưa anh nông dân đi thi đỗ tiến sĩ, thì khi về làng anh là thượng hạng, được ngồi mâm trên cùng. Ai đến đình cũng phải ngồi đúng chỗ. Các ngày hội lễ thì dân mới được vào đình thoải mái, được làm những gì theo đúng phong tục tập quán.
Theo nghiên cứu của ông Phan Cẩm Thượng: Trong cơ cấu làng xã Việt Nam rất nhiều tập tục có tính phồn thực. Người Việt Nam cổ, trước khi có Nho giáo cũng là dân tộc sống thoải mái, không có nhiều nghi lễ. Từ khi du nhập Nho giáo thì đời sống gia đình siết lại. Quan hệ nam nữ bị cấm đoán. Nhưng rất nhiều làng vẫn duy trì tập tục và cho phép trong ngày hội lễ được tự do tìm hiểu, yêu đương, và chỉ diễn ra trong những ngày hội lễ. Cô nào tính từ ngày hội lễ chẳng may có bầu thì coi như bình thường, còn ngoài ngày đó thì sẽ bị phạt rất nặng. Cả mấy đời không trả nợ được. Một lúc để mời làng ăn cỗ thì trở thành người bần cùng ngay lập tức. Làng vừa khoan dung lại vừa rất khắc nghiệt.
Văn hoá làng là như thế. Mỗi làng một tục, một kiểu sinh hoạt. Nhưng nhìn toàn Việt Nam thì lại giống nhau về nề nếp người nông dân. Thậm chí chúng ta bây giờ là dân thành phố, nhưng cứ ngồi nghĩ mà xem mình rất giống nông dân. Người Việt Nam, ngay Hà Nội thích ngồi nói xấu nhau, khi ốm thì đi thăm, ma chay thì đến viếng nhưng buông ra cái là ghen tỵ, ghét người có năng suất lao động, sáng tạo hơn mình… Những cái đấy là tính cách người nông dân Việt Nam ở làng. Có thể nói đó chính là di sản của làng, di sản của tính cách nông dân đến nay vẫn chưa hết trong con người Việt Nam. Như vậy mới thấy được sức mạnh của văn hoá làng. Cách mạng tháng Tám đã xoá gần hết các tập tục, nhưng chỉ buông một thời gian lại quay lại y như cũ.
Tính từ thời kháng chiến chống Pháp, từ năm 1955 đến 1980, nhà nào ma chay cưới xin to là nhà nước phạt rất nặng. Thế nhưng chỉ buông ra một thời gian thì nó quay lại, mọi tập tục đều quay lại chứ không có chết. Sức sống của văn hóa tập tục cực kỳ mạnh. Vì sao? Ít nhất nó có 500 năm như thế rồi, 500 năm đời sống làng xã cố định tính cách con người, tính cách ấy được định hình, và cứ thế di truyền mãi.
Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, đình bây giờ không đóng vai trò như ngày xưa, mà đình làng chỉ còn có giá trị tín ngưỡng. Làng có Hội đồng nhân dân xã, có Ủy ban, Bưu điện văn hóa, Nhà văn hóa… nghĩa là cái tính chất là cơ quan hành chính của đình không còn nhưng còn nguyên giá trị tín ngưỡng. Người ta vẫn duy trì tín ngưỡng, ngày rằm mùng 1 người thọ nhất làng mặc áo đỏ ra mở cửa đình. Ngày tết ngày lễ cũng vẫn cúng tế như thế…
Đình còn có giá trị nghệ thuật rất lớn. Trang trí đình cũng để nông dân tự do. Đề tài trang trí không nghiêm khắc, thể hiện ở phù điêu với cách chạm nông sâu khác nhau. Nhưng đều vô cùng đẹp, và độc đáo. Họ chạm các hình về trò chơi trẻ em như trồng nụ trồng hoa, cảnh săn bắn… với sự điêu luyện, khéo léo, phải là những ông thợ học nghề từ nhỏ mới có được sự dẻo dai trong nét đục. Qua thời gian, điêu khắc trên phù điêu cũng có những thay đổi, vẫn là những người nông dân thực hiện theo tâm trạng, nhưng đã thấy có sự bắt nhịp với nghệ thuật của thế giới với những hoa văn chạm khắc khác nhau, nhiều rắc rối hơn.
Kết thúc câu chuyện về đình, nhà văn hoá Phan Cẩm Thượng một lần nữa khẳng định: Nhạy cảm của người nông dân tương tự nhạy cảm của thế giới. Và điêu khắc đình chính là thành tựu lớn của nền mỹ thuật Việt Nam. Đình làng thực sự là sản phẩm nghệ thuật rất độc đáo. Là biểu tượng của người nông dân Việt Nam cho đến bây giờ.