-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Hình thể của điều vô hình: Đằng sau tác phẩm "Trừu tượng xanh" của Georgia O'Keeffe
Trong suốt sự nghiệp kéo dài phần lớn thế kỷ 20, Georgia O’Keeffe đã tạo ra một ngôn ngữ thị giác độc nhất vừa mang tính quan sát sắc sảo, vừa trừu tượng mạnh mẽ. Đến năm 1927, năm mà O’Keeffe tròn 40 tuổi và vẽ bức hoạ “Abstraction Blue” (“Trừu tượng xanh") kinh điển, bà đã trở thành một trong những hoạ sĩ vĩ đại nhất nước Mỹ - một vị thế càng đáng ngưỡng mộ hơn đối của một nữ hoạ sĩ khi mà Hoa Kỳ vừa mới trao quyền bầu cử cho phụ nữ. Một năm sau, bức tranh sơn dầu Trừu tượng xanh lần đầu ra mắt công chúng tại triển lãm cá nhân của O’Keeffe tại Intimate Gallery - một không gian nhỏ, ấm cúng như tên gọi của nó, trong một tòa nhà ở góc đường Park Avenue và phố 59 ở New York. Ngoài 41 bức tranh được trưng bày, tạp chí Time quan tâm đặc biệt vào hình tượng người hoạ sĩ; họ viết về trang phục của bà, biểu cảm và sự uy nghiêm của người hoạ sĩ trong không gian triển lãm:
“Có một số bức tranh được treo trên tường của một căn phòng nhỏ… những bức tranh khác, nhỏ hơn, được đặt trên các tủ hoặc dọc theo sàn nhà. Căn phòng chất kín những con người đang thì thầm với nhau. Ở góc phòng, có một quý bà mặc áo choàng đen, mỉm cười như một nàng Mona Lisa nghiêm nghị. Đó là Georgia O’Keeffe; những bức tranh trên tường thuộc về bà vì bà đã vẽ nên chúng, và vì lý do nào đó, cả căn phòng dường như cũng thuộc về bà.”
Georgia O'Keeffe, Trừu tượng xanh, 1927
“Trừu tượng xanh” là một trong ba bức tranh trong triển lãm có tiêu đề không mang tính ám chỉ hay giải thích về nội dung của tác phẩm. Với những tông màu lạnh từ xám băng giá đến xanh biển, màu tử đinh hương đến màu xanh navy, "Trừu tượng xanh" giống như búp hoa được bao quanh bởi một loạt các lớp xếp chồng. Mỗi lớp được đảm bảo sao cho sơn dầu được trải một cách mượt mà, từng lớp đạt được một khối lượng rõ ràng, với các tông màu đậm được chuyển dần thành những màu sáng hơn để tạo ra độ sâu tròn trịa cho từng đường cong. Trong khi đó, một hình nêm màu trắng thuôn dài cắt dọc qua hình khối hữu cơ này, chia đôi bố cục và giới thiệu một sự gián đoạn thị giác giữa các mặt phẳng.
Bằng cách này, “Trừu tượng xanh" đặt ra một câu hỏi: Liệu bức tranh, như những điểm tương đồng của chủ thể gợi ý, có miêu tả một bông hoa? Hay, như tiêu đề của nó ngụ ý, là một hình ảnh hoàn toàn trừu tượng? Đối với O’Keeffe, sự khác biệt giữa hai điều này không rõ ràng như đối với các nhà phê bình và khán giả của bà. "Tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy có nhiều người phải phân biệt rõ ràng giữa cái khách quan và cái trừu tượng," bà nói:
“Một bức tranh hiện thực không phải là một bức tranh tốt trừ khi nó giàu nghĩa trừu tượng. Một ngọn đồi hay một cái cây không thể làm nên một bức tranh đẹp chỉ vì nó là một ngọn đồi hay một cái cây. Nó là những đường nét và màu sắc được sắp xếp lại để chúng nói lên điều gì đó. Đối với tôi, đó là cốt lõi của việc vẽ tranh. Sự trừu tượng thường là hình thức rõ ràng nhất để tôi có thể làm rõ những thứ vô hình ở trong tôi.”
Tuy nhiên, tác phẩm của người hoạ sĩ không phải lúc nào cũng được diễn giải tinh tế như mong muốn của bà, nhất là khi bà là một nữ nghệ sĩ trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 20. Miêu tả các tác phẩm của mình là những “đường nét và màu sắc" thay vì “một ngọn đồi hay cái cây" có lẽ quá phức tạp cho những người cố gắng hiểu các bức tranh của bà, mặc dù mục đích tối thượng đối với O'Keeffe là tìm ra một hình thể rõ ràng cho những điều vô hình.
Nguồn: MoMA