VN EN

Tin tức

Hiểu và suy cảm về tranh trừu tượng (P2)

Chúng ta đều biết rằng: Nghệ thuật Trừu tượng là trào lưu hội họa đầu thế kỷ 20. Bức tranh trừu tượng sử dụng ngôn ngữ thị giác từ những hình thức như các hình khối thuần túy, hình dạng, màu sắc, đường nét, tông màu, mảng màu. Nó tồn tại độc lập, ở một mức nào đó, với những tham khảo có từ thế giới hiện thực. Một số họa sĩ trừu tượng thuần túy ưa thích các thuật ngữ như nghệ thuật cụ thể hoặc nghệ thuật phi khách quan, nhưng trên thực tế, từ trừu tượng được sử dụng phổ biến và sự phân biệt giữa hai thuật ngữ này thường được hiểu là có sự đồng dạng đồng nhất .

Theo các nhà phê bình nghệ thuật: Chủ nghĩa lập thể, chủ nghĩa biểu hiện, chủ nghĩa ấn tượng và chủ nghĩa hậu ấn tượng, đều là tiền thân của hội họa trừu tượng. Những phong trào nghệ thuật này khám phá bản chất của nhận thức. Bằng cách phá vỡ các quy tắc về nghệ thuật, họ đã mở đường cho sự ra đời của tranh trừu tượng. Tuy nhiên có nhiều họa sĩ cho rằng tính trừu tượng bắt đầu với những bức tranh hang động từ hàng nghìn năm trước.

MARK ROTHKO – Số 13 (trắng, đỏ và vàng). 1958

Một số triết gia về nghệ thuật cho rằng Chủ nghĩa Hiện sinh là một trào lưu triết học có ảnh hưởng lớn trong nghệ thuật nhằm khám phá vai trò của nhận thức chủ quan, nhấn mạnh vào kinh nghiệm trải nghiệm của cá nhân, về quyền tự do và sự tự do lựa chọn mang tính cá nhân, đặc biệt là với nghệ thuật thị giác trong các quá trình suy tư. Chủ nghĩa hiện sinh tập trung vào trải nghiệm cá nhân đã khiến nó trở thành một công cụ hoàn hảo để giải thích về nghệ thuật trừu tượng vào những năm 1950.

Khảo sát lịch sử của các trường phái nghệ thuật chúng ta đều thấy rằng – nghệ thuật trừu tượng cũng nằm trong hệ thống của chủ nghĩa hiện đại. Các nhà phê bình cho rằng – chủ nghĩa hiện đại đề cập đến một phong trào toàn cầu trong xã hội và văn hóa mà từ những thập kỷ đầu của thế kỷ 20, nó đã tìm kiếm sự phù hợp mới với kinh nghiệm và giá trị của cuộc sống công nghiệp hiện đại. Dựa trên những tiền lệ cuối thế kỷ 19, các h sĩ trên khắp thế giới đã sử dụng hình ảnh, vật liệu và kỹ thuật mới để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật mà họ cảm thấy phản ánh tốt hơn thực tế và hy vọng của xã hội hiện đại. Các thuật ngữ “chủ nghĩa hiện đại” và “nghệ thuật hiện đại” thường được sử dụng để mô tả sự kế thừa của các phong trào nghệ thuật mà các nhà phê bình và sử học đã xác định kể từ chủ nghĩa hiện thực của Gustav Courbet – và đỉnh cao là nghệ thuật trừu tượng và sự phát triển của nó vào những năm 1960. Mặc dù thuật ngữ “chủ nghĩa hiện đại” bao hàm nhiều phong cách khác nhau, nhưng có những nguyên tắc cơ bản nhất định xác định nghệ thuật hiện đại: Từ chối lịch sử và các giá trị bảo thủ (chẳng hạn như mô tả hiện thực đối tượng); đổi mới và thử nghiệm các hình thức (hình khối, màu sắc và đường nét tạo nên tác bức tranh) với xu hướng trừu tượng hóa; và nhấn mạnh vào vật liệu, kỹ thuật và quy trình. Chủ nghĩa hiện đại cũng được thúc đẩy bởi các chương trình nghị sự xã hội và chính trị khác nhau. Những điều này thường là không tưởng, và chủ nghĩa hiện đại nói chung gắn liền với những tầm nhìn lý tưởng về cuộc sống và xã hội của con người và niềm tin vào sự tiến bộ. Vào những năm 1960, chủ nghĩa hiện đại đã trở thành một ý tưởng chủ đạo của nghệ thuật, và một lý thuyết đặc biệt hẹp về hội họa hiện đại đã được nhà phê bình người Mỹ có ảnh hưởng lớn Clement Greenberg đưa ra. Một phản ứng sau đó đã diễn ra nhanh chóng được xác định là chủ nghĩa hậu hiện đại.

ANTONI TÀPIES – Điểm và số. 1972

Giới nghiên cứu nghệ thuật cho rằng tranh trừu tượng là nghệ thuật phi khách quan, không thể hiện chính xác hiện thực do thị giác nhận biết, nhưng nó sử dụng các hình dạng, màu sắc, đường nét, kết cấu và các ký hiệu để đạt được hiệu quả của nó. Và chúng ta không nhất thiết phải được hiểu ngay chính xác về mặt ý nghĩa của tác phẩm. Về bản chất, tranh trừu tượng mang lại nguồn cảm hứng vô thức không chủ định, tức là không tìm cách miêu tả bất cứ cái gì cụ thể. Một bức tranh trừu tượng – điều hệ trọng với tác giả là thỏa mãn tính thẩm mỹ mà người nghệ sĩ đặt ra trong quá trình sáng tạo. Điều đơn giản thuần túy mong đợi nhất là: nó thực sự đẹp và lạ theo tâm trạng cảm xúc chủ quan của người họa sĩ sáng tạo ra nó. Khả năng biểu cảm lớn nhất của tranh trừu tượng chính là sự biểu những xung động trong nội tâm hoàn toàn không liên quan tới bất kỳ hiện thực nào có trong thiên nhiên và cuộc sống. Mục đích chính của nó: nhấn mạnh vai trò của trí tưởng tượng, của vô thức như một yếu tố sáng tạo thuần khiết duy mỹ nhất, kích thích sự tò mò và sự tham gia của cảm xúc thuần túy về cái đẹp vô hình, có ý nghĩa khai sáng giúp người xem có thể tăng thêm nhận thức và sự trải nghiệm về thế giới vô hình, nảy sinh những cảm xúc vui buồn khi chiêm ngưỡng các bức tranh.

Sưu tầm

Nguồn: http://tapchimythuat.vn/my-thuat-the-gioi/hieu-va-suy-cam-ve-nghe-thuat-truu-tuong/

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon