VN | EN

Tin tức

Guillaume Lethière, họa sĩ của cuộc cách mạng, ở cả hai bờ của Đại Tây Dương (Phần 1)

Sinh ra trong cảnh nô lệ, Guillaume Lethière đã trở thành một trong những họa sĩ được kính trọng nhất của Pháp. Lần đầu tiên, một triển lãm lớn mang đến cho chúng ta cái nhìn toàn diện về những cảnh yêu đương và chiến tranh do hoạ sĩ sáng tạo nên.

Hoạ sĩ Guillaume Lethière, Bức tranh “The Homeland Is in Danger” (Tổ Quốc Đang Lâm Nguy), 1799, sơn dầu trên vải, miêu tả một buổi lễ đông đúc của quân đội cách mạng Pháp. Đây là một phần của triển lãm tiên phong tại Viện Nghệ thuật Clark về hoạ sĩ Guillaume Lethière, một người Pháp gốc Caribbean. Ảnh: Richard Beaven/ The New York Times

Liberté, égalité ... và điều thứ ba đó là gì nhỉ?

Vào ngày 14 tháng 7 năm 1789 (chính xác là 235 năm trước), một số người Paris có lý tưởng đã tấn công một nhà tù không quá đông đúc. Họ đã đánh bại đội cận vệ của nhà vua và khởi đầu một cuộc cách mạng với ba mũi nhọn: cho tự do cá nhân, cho bình đẳng dân sự, và cuối cùng, hiếm hoi nhất, cho nghĩa vụ cộng đồng. Tháng Bảy đó, tình anh em đã vượt khỏi phạm vi của phả hệ để bước vào chính trị - và cuộc bầu cử lập pháp Pháp đáng kinh ngạc vào tháng Bảy này, một sự tranh đấu liên quan đến chủng tộc, di cư và tài sản quốc gia, xác nhận sự nhộn nhạo của mũi nhọn thứ ba này. Ai là anh em của tôi? Trong Quốc hội năm 1789 và Quốc hội năm 2024, đây là một câu hỏi không bao giờ có được câu trả lời cuối cùng.

Cách xa Bastille, tại Viện Nghệ thuật Clark ở Berkshires, một trong những triển lãm đáng chú ý nhất trong nhiều năm qua nhắm thẳng vào trung tâm của những tranh cãi ngày nay về quốc tịch và dân chủ, văn hóa và chính trị, và ý nghĩa của việc trở thành một công dân. 

Guillaume Lethière (1760—1832) là một họa sĩ theo trường phái Tân cổ điển lai chủng tộc, chưa từng là chủ đề của bất kỳ một triển lãm cá nhân tại bảo tàng này cho đến nay. Sinh ra ở Caribbean thuộc Pháp, gần như chắc chắn trong cảnh nô lệ, hoạ sĩ đã đạt được đỉnh cao của thành tựu nghệ thuật tại Paris và Rome. Khi những cuộc nổi dậy và cách mạng làm rung chuyển cả Pháp và Caribbean, hoạ sĩ đã vẽ những bức tranh lịch sử lớn về những anh hùng trong áo toga, và những bức chân dung của nam giới và nữ giới từ châu Âu và Antilles. Đó là lời kêu gọi của Lethière, trong một thời đại mà không có mối ràng buộc nào dường như ổn định, để tạo nên một hình hài chính thức cho tình anh em.

Bức tranh “Woman Leaning on a Portfolio” (Người Phụ Nữ Dựa Vào Bản Phác Thảo), khoảng năm 1799, sơn dầu trên vải, tại Clark. Một nhà phê bình ca ngợi "sự chính xác đến lạnh lùng trong nét vẽ của Lethière" trong bức chân dung này, hình ảnh người con gái riêng của ông đang ôm chặt các tài liệu của một hoạ sĩ. Ảnh: Richard Beaven/ The New York Times

Triển lãm tiên phong này đã được tổ chức trong năm năm bởi Esther Bell và Olivier Meslay của Clark, cùng với Marie-Pierre Salé của Bảo tàng Louvre ở Paris, nơi triển lãm sẽ diễn ra vào tháng mười một này. Bell và Meslay cũng đã biên soạn một danh mục đồ sộ dài 400 trang, dày đặc những đóng góp từ các học giả hàng đầu về lịch sử Pháp và Caribbean. Nhưng "Guillaume Lethière" không phải là — điểm này rất quan trọng — một triển lãm mang tính sửa đổi cách nhìn để làm nổi bật một nhân vật bên lề bị loại trừ khỏi tầng lớp châu Âu da trắng. Không từ ngữ nào có thể diễn ra vai trò trung tâm hơn nữa của Lethière đối với thế giới nghệ thuật Paris cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Hoạ sĩ đã điều hành một trong những học viện hàng đầu. Hoạ sĩ đã vẽ chân dung hoàng hậu Joséphine, một người cùng gốc Creole. Ingres đã vẽ hoạ sĩ và gia đình hoạ sĩ. Trong một bức tranh năm 1798 miêu tả các hoạ sĩ nổi tiếng của Pháp trong thời đại cách mạng đó, Lethière đứng ở vị trí nổi bật nhất, ngập tràn trong ánh sáng.

Ngay cả ngày nay, tại Louvre, hoạ sĩ vẫn dường như ẩn mình khỏi cái nhìn cộng đồng. Nếu bạn đã từng chen lấn trong phòng tranh Ý, có thể bạn nhớ đã bị đẩy ra khỏi phòng triển lãm Mona Lisa vào một căn phòng lớn với quầy bán nam châm, cốc và các đồ lưu niệm khác. Trong suốt những năm qua, chắc ít có khách tham quan nào thật sự nhìn lên trong căn phòng đó — nhưng ngay ở đó, treo phía trên những khối Rubik của Leonardo và những tượng tháp Eiffel, là hai bức tranh khổng lồ của Lethière, hai bức tranh cao 25 feet uy nghi vẽ về đức hạnh và cái chết cổ đại. Một viên lãnh sự ra lệnh chặt đầu con trai mình vì phản bội Cộng hòa La Mã. Một viên sĩ quan chỉ huy đâm chết con gái mình để cứu cô khỏi cảnh nô lệ.

Đó là hoạ sĩ của chúng ta! Những bức tranh nặng như đá cẩm thạch với nét vẽ nghiêm cứng như luật pháp. Những gì bạn sẽ thấy trong triển lãm này là vẻ đẹp lạnh lùng của Tân cổ điển: một phong cách dựa trên các hình mẫy của Hy Lạp và La Mã vốn đã được ưa chuộng trong Cách mạng Pháp, ở khắp nơi từ hội họa và kiến trúc đến thời trang và thiết kế nội thất. Tân cổ điển không tán thành sự hưởng thụ. Trường phái này chế giễu sự trang trí. Người đại diện lớn nhất của trường phái Tân cổ điển là Jacques-Louis David, nghệ sĩ/người khủng bố Jacobin và đối thủ lớn của Lethière, người đã vẽ lịch sử và thần thoại La Mã như những bài học đạo đức cho nước cộng hòa mới của Pháp.

Ẩn mình ngay trước mắt: Phía trên một cửa hàng quà tặng trong Louvre treo bức tranh “Death of Virginia” (Cái Chết của Virginia) của Lethière, trong đó một viên sĩ quan chỉ huy đã đâm chết con gái mình để cứu cô khỏi cảnh nô lệ. Bức tranh rộng hơn 25 feet. Ảnh: Alamy

 

Xem thêm phần 2 tại đây

Xem thêm phần 3 tại đây

Xem thêm phần 4 tại đây

 

Nguồn: The Painter of Revolution, on Both Sides of the Atlantic

Biên dịch: Huyền Trịnh

Viết bình luận của bạn:

Tranh vẽ theo yêu cầu. Chúng tôi nhận đặt vẽ tranh theo yêu cầu với thể loại và chất liệu đa dạng. Hãy để những bức tranh nói lên phong cách của bạn.

Tải ứng dụng ngay

Google Play App Store
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

icon icon icon