-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Gốm sứ đương đại - nghệ thuật chuyển mình trong không gian sống (Phần 5)
Ai Weiwei
Không chỉ là nghệ sĩ thị giác, Ai Weiwei còn là một nhà hoạt động xã hội sắc bén, và gốm sứ là công cụ đắc lực để ông chất vấn giá trị văn hóa và quyền lực. Tác phẩm gây chấn động năm 1995 – khi ông đánh rơi một chiếc bình gốm được cho là có niên đại hơn 2.000 năm – không chỉ là hành động khiêu khích, mà còn là một cú đánh thẳng vào ý niệm “cái gì đáng được lưu giữ”. Những chiếc bình cổ bị ông vẽ lên biểu tượng Coca-Cola, hay hàng triệu hạt hướng dương bằng gốm phủ đầy đại sảnh Tate Modern, là những điểm chạm trực diện giữa thủ công truyền thống, văn hóa tiêu dùng, và chính trị đương đại. Trong không gian sống hiện đại, gốm không còn chỉ là vật trang trí mà trở thành tuyên ngôn – phản chiếu mối quan hệ giữa con người, lịch sử và quyền lực.
Grayson Perry
Với Grayson Perry, mỗi chiếc bình gốm là một lát cắt đời sống nước Anh hiện đại. Dưới lớp men tươi sáng và hoa văn tưởng chừng vui tươi là những câu chuyện về định kiến, quyền lực, niềm tin và bản ngã. Bằng kỹ thuật chạm khắc sgraffito và hình ảnh biếm hoạ, Perry biến chất liệu gốm thành một phương tiện trữ tình và sắc sảo, mang đến chiều sâu xã hội trong các không gian nội thất tưởng như bình dị. Những tác phẩm của ông gợi mở cách bài trí nhà cửa mang tính cá nhân hóa – nơi đồ vật không chỉ đẹp mà còn kể chuyện, gợi ký ức và đối thoại với người xem.
Genesis Belanger
Tại Brooklyn, Genesis Belanger mang đến một góc nhìn kỳ lạ và quyến rũ về thế giới vật thể. Những chiếc điện thoại, ly cocktail, bó hoa hay các chi tiết cơ thể – tất cả đều được tạo hình bằng gốm mờ, không tráng men – tạo nên cảm giác như thể đồ vật bước ra từ một giấc mơ siêu thực. Sử dụng màu pastel và phối hợp với hình ảnh đồ nội thất mang dáng dấp giữa thế kỷ 20, Belanger xây dựng nên những “căn phòng” của nhận thức – nơi phản ánh sự phù phiếm, tiêu dùng, sự vắng mặt và cả nỗi mất mát. Trong không gian nhà ở, tác phẩm của cô mở ra khả năng thiết kế nội thất như một bản tuyên ngôn thẩm mỹ và tâm lý học.
Theaster Gates
Xuất thân là một thợ gốm, Theaster Gates luôn coi mỗi chiếc bình là một kiến trúc tinh thần – nơi chứa đựng nghi lễ, cộng đồng và ký ức. Tại triển lãm Black Vessel ở Gagosian New York, ông tạo nên một không gian thiền định bằng những khối gốm lớn, phủ men đen sâu thẳm – kết nối truyền thống Nhật Bản, châu Phi và di sản của người da màu tại Mỹ. Gates sử dụng ngôn ngữ gốm không chỉ để trang trí, mà để xây dựng “nơi chốn” – nơi con người có thể tìm thấy sự tĩnh lặng, phản tư và hàn gắn. Trong kiến trúc nội thất, tác phẩm của ông mở ra một khái niệm về không gian linh thiêng giữa đời thường.
Lubna Chowdhary
Với nền tảng lai giữa Đông và Tây, Lubna Chowdhary sử dụng gốm để thể hiện sự đa diện văn hóa và kỹ thuật. Các tác phẩm của bà – từ gạch trang trí, phù điêu đến sắp đặt không gian – đều kết hợp thủ công tinh xảo với tính hệ thống và cấu trúc hiện đại. Qua lưới hình học, bề mặt ánh kim và sắc màu rực rỡ, Chowdhary tạo nên những mảng trang trí nội thất độc đáo, mang tinh thần Á – Âu hòa trộn. Trong thiết kế không gian sống, ngôn ngữ gốm của bà mở ra một thế giới đầy năng lượng, kết nối các nền văn hoá qua bề mặt và nhịp điệu hình học.
Zizipho Poswa
Zizipho Poswa tạo nên những tác phẩm gốm hoành tráng, lấy cảm hứng từ người phụ nữ Xhosa – từ những chiếc chum nước đến kiểu tóc truyền thống. Mỗi tác phẩm như một totem mang hình khối điêu khắc, kết hợp giữa bề mặt thô ráp và chi tiết trơn mịn, tạo nên ngôn ngữ thị giác mạnh mẽ. Trong nội thất hiện đại, các tác phẩm của Poswa có thể trở thành trung tâm thẩm mỹ – không chỉ bởi kích thước, mà bởi chiều sâu văn hóa và cảm xúc. Gốm ở đây không còn là đồ vật, mà là biểu tượng – kết nối giữa cá nhân, cộng đồng và thiên nhiên.
Xem thêm: Phần 1
Xem thêm: Phần 2
Xem thêm: Phần 3
Xem thêm: Phần 4
Nguồn: Wallpaper*
Biên dịch: Hoàng Linh