-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
Gặp gỡ chủ nhân tác phẩm điêu khắc gỗ "Vinh quy bái tổ" với 2 kỷ lục Việt Nam
Tác phẩm điêu khắc gỗ thủ công “Vinh quy bái tổ” khiến người xem không khỏi thán phục trước sự tỉ mỉ và tài hoa của những người thợ đầy tâm huyết. Gửi gắm trong từng đường nét là khát vọng gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hoá truyền thống qua những điển tích xưa.
Hai anh em Bùi Trọng Lăng (bên phải) và Bùi Trọng Quân - tác giả của bức tranh điêu khắc thủ công "Vinh quy bái tổ" tại nhà xưởng.
Kỳ công thực hiện
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập hai kỷ lục cho một tác phẩm điêu khắc gỗ độc đáo mang tên “Vinh quy bái tổ”. Tác phẩm có kích thước ấn tượng: dài 8m33, cao 1m70, dày 16cm.
Hai kỷ lục được ghi nhận gồm: bức tranh điêu khắc thủ công chủ đề “Vinh quy bái tổ” trên gỗ liền khối lớn nhất Việt Nam, và bức tranh khắc gỗ thủ công với số lượng nhân vật nhiều nhất cùng chủ đề.
Hành trình ngược về làng mộc Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội, càng khiến người ta khâm phục hơn khi biết chủ nhân của tác phẩm là những người thợ trẻ mang trong mình khát vọng lưu giữ và truyền tải tinh hoa văn hoá dân tộc qua nghệ thuật tranh khắc gỗ.
Xuất phát từ điển tích “Vinh quy bái tổ” – nơi kết tinh những giá trị văn hoá và phẩm chất cao quý của người Việt như lòng hiếu học, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần gắn kết cộng đồng – hai anh em Bùi Trọng Lăng và Bùi Trọng Quân đã cùng khởi tâm thực hiện tác phẩm khắc gỗ đầy tâm huyết này.
Anh Bùi Trọng Lăng chia sẻ, để chạm được những nét đầu tiên, anh đã dành thời gian tìm hiểu tại nhiều bảo tàng, di tích lịch sử như Kinh thành Huế, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long… kết hợp với nghiên cứu tư liệu sách, báo để phác thảo ý tưởng. Riêng quá trình thu thập thông tin, trao đổi, và hoàn thiện thiết kế mẫu đã kéo dài gần một năm.
Bản vẽ được điều chỉnh không ít lần sau những góp ý từ các chuyên gia lịch sử, văn hoá. Từng nét, từng hình đều được anh Lăng chỉnh sửa tỉ mỉ, cho đến khi đạt đến độ hài hoà nhất mới tiến hành khai mộc – mở đầu cho hành trình tạo nên một tác phẩm để đời.
Nội dung tác phẩm trải dài trên mặt gỗ dài 8m33, với bố cục được sắp xếp theo nguyên tắc “khí vận sinh động” – dòng chảy sống động của khí và hình. Nổi bật ở trung tâm là đoàn rước quan tân khoa, chiếm khoảng hai phần ba chiều dài toàn cảnh, được thể hiện bằng những đường nét uốn lượn mềm mại, giàu nhịp điệu.
Mở đầu đoàn rước là lá cờ lớn thêu bốn chữ “Nhất Giáp Tiến Sĩ”, biểu trưng cho vinh hiển đỗ đạt cao nhất. Dẫn đường phía trước là một vị chức sắc của làng, tay cầm loa hô to để báo tin mừng đến dân làng. Theo sau là bốn tán lọng vàng, chạm đầu lại, che cho một biển gỗ dài – nơi khắc dòng chữ “Ân Tứ Vinh Quy” đỏ thắm, biểu trưng cho ân điển mà nhà vua ban tặng.
Phía trên cùng của bức tranh là những tầng mây mềm mại, đan xen và trải dài khắp không gian, như một biểu tượng giàu tính ẩn dụ cho hành trình khoa cử lâu đời và đầy tự hào của dân tộc Việt.
Lan toả truyền thống văn hoá tốt đẹp
Chia sẻ về quá trình thực hiện, anh Bùi Trọng Quân – đồng tác giả tác phẩm – cho biết, khối lượng gỗ đồ sộ cùng vô số chi tiết khiến việc chế tác trở nên vô cùng công phu. Tác phẩm quy tụ tới 348 nhân vật, 68 cây và cụm cây, cùng hàng trăm chi tiết đi kèm như cờ quạt, võng lọng, giáo mác...
“Từng nhân vật, từng chi tiết đều được khắc họa tỉ mỉ bằng tất cả sự chỉn chu và tâm huyết. Nhưng điều khó nhất không nằm ở kỹ thuật, mà là làm sao truyền tải được tinh thần, khí cốt của bức tranh” – anh Quân chia sẻ.
Tác phẩm điêu khắc gỗ này được thực hiện trong suốt 27 tháng với sự góp sức của 10 người thợ lành nghề, trải qua hàng loạt công đoạn công phu như vẽ mẫu, phá khối, cạo, nạo… Mỗi bước đều đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối, không cho phép sai sót, nhằm giữ trọn vẹn sự tinh xảo và chỉn chu đến từng chi tiết.
Để bảo đảm an toàn cho tác phẩm có kích thước lớn và khối lượng nặng, đội ngũ chế tác đã gia cố thêm hệ thống cột thép phía sau – một giải pháp vừa kỹ thuật, vừa thẩm mỹ.
Trong suốt quá trình thực hiện, họ đồng lòng gìn giữ một triết lý giản dị mà sâu sắc: “Không tiếc thời gian, không tiếc công sức, và không tiếc nuối tuổi xuân” – như một lời cam kết với nghề, với văn hoá, và với chính đam mê của mình.
Sau khi hoàn thiện, điều khiến anh Quân, anh Lăng và các nghệ nhân tâm đắc nhất không chỉ nằm ở giá trị kỹ thuật, mà là việc bức tranh đã chuyển tải trọn vẹn tinh thần văn hoá và đạo lý tốt đẹp của người Việt – những giá trị xứng đáng được gìn giữ và tiếp tục lan toả.
Anh Bùi Trọng Quân chia sẻ, hiện đã có khách ngỏ ý muốn sở hữu tác phẩm với mức giá từ 5 đến 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhóm nghệ nhân vẫn đang cân nhắc kỹ lưỡng, bởi điều họ quan tâm không chỉ là giá trị vật chất, mà còn là cách bức tranh được “chơi” – được trưng bày, được tiếp cận bởi công chúng yêu nghệ thuật truyền thống.
Họ mong rằng chủ nhân tương lai của tác phẩm sẽ tạo điều kiện để tác phẩm được trưng bày rộng rãi, như một cách góp phần lan toả giá trị thủ công và văn hoá dân gian. Bởi với họ, giá trị lớn nhất của bức tranh không nằm ở con số, mà là ở chiều sâu văn hoá mà nó chuyên chở – cũng như dấu ấn đổi mới trong tư duy sáng tạo của những người thợ mộc đương đại.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội – nhận định: tác phẩm có ý nghĩa thiết thực trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong bối cảnh hiện đại. Đặc biệt, nó tôn vinh những phẩm chất cao đẹp đã làm nên cốt cách Việt Nam qua bao thế hệ.
Theo ông, việc tái hiện giá trị truyền thống trên chất liệu gỗ, nhưng bằng tư duy sáng tạo và phù hợp với thị hiếu hôm nay, chính là cách để văn hoá dân tộc tiếp tục được bảo tồn và sống động trong lòng công chúng.
Nguồn tham khảo: Tiết lộ của chủ tranh điêu khắc gỗ "Vinh quy bái tổ" với 2 kỷ lục Việt Nam
Biên soạn: Hoàng Linh