-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tin tức
“Đời người ngắn ngủi, nghệ thuật trường tồn”: Cặp đôi gửi gắm nỗi đau vào việc sưu tập tranh chân dung trẻ em (Phần 1)
“Bạn muốn nhìn thấy những gì đã xảy ra với người khác” … Yannick và Ben Jakober bên bộ sưu tập tranh chân dung trẻ em, mang tên “Nins”, tại Bảo tàng Sa Bassa Blanca, Mallorca, Tây Ban Nha. Ảnh: Aimee Haak/The Guardian
Sau khi con gái của họ qua đời ở tuổi 19, Yannick và Ben Jakober đã bắt đầu sưu tập 165 bức tranh chân dung trẻ em tại bảo tàng của họ ở Mallorca – nhiều bức tranh mang trong mình những câu chuyện bi thương tương tự của nhiều gia đình khác.
Khi con gái của Yannick và Ben Jakober qua đời ở tuổi 19, họ đã gói ghém nỗi đau của mình thành nghệ thuật. Cặp đôi này đã biến bộ sưu tập nhỏ những bức tranh chân dung trẻ em của mình thành “Nins” – một bộ sưu tập độc nhất vô nhị. Với 165 bức tranh chân dung trẻ em từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, bộ sưu tập này bao gồm tác phẩm của các bậc thầy hội họa như Ottavio Leoni, Frans Pourbus the Younger và François Quesnel. Những bức tranh này từng được các gia đình hoàng gia và quý tộc châu Âu đặt hàng để lưu giữ hình ảnh con cái họ trong những năm tháng ngây thơ và dễ tổn thương nhất. Nhiều đứa trẻ trong số đó đã không sống được đến tuổi trưởng thành.
Khi tôi gặp gỡ vợ chồng Jakober, đó là vào thời điểm cuối mùa du lịch của Mallorca. Chiếc taxi đưa tôi về phía đông bắc của hòn đảo, đi qua một bảng quảng cáo lớn trắng đen giới thiệu bảo tàng của họ với dòng chữ: “Đời người ngắn ngủi. Nghệ thuật trường tồn.” Sau đó, xe rẽ vào một con đường nhỏ dẫn vào những ngọn đồi.
Ben năm nay đã 94 tuổi và rất vui khi tôi nhận ra tấm bảng quảng cáo; Yannick, người điềm đạm hơn, đã 82 tuổi. Cả hai đều sinh ra trong những gia đình có truyền thống sáng tạo – Ben ở Vienna, Yannick tại Montfort-l’Amaury – nơi đã gieo vào họ điều mà Ben gọi là “niềm đam mê sưu tập nghệ thuật”. Ben từng làm việc cho công ty tài chính của Edmond Rothschild ở Paris, sau đó nghỉ việc vào năm 1968. Họ kết hôn năm 1972 và trong những năm sau đó đã biến ngôi nhà của gia đình mình – được thiết kế bởi kiến trúc sư Ai Cập Hassan Fathy – thành Museo Sa Bassa Blanca. Ngôi nhà, các phòng trưng bày và khu vườn tràn ngập các tác phẩm nghệ thuật mà họ đã sưu tập, cũng như những tác phẩm điêu khắc do chính cặp đôi này cùng nhau tạo nên. Tất cả được đặt trong sự đối thoại lẫn nhau, làm nổi bật sự cộng hưởng giữa các chủ đề, hoa văn và màu sắc xuyên suốt thời gian và không gian. Hiệu ứng tạo ra là một sự bùng nổ vui tươi và đầy màu sắc.
So với không gian rực rỡ phía trên, phòng trưng bày Aljibe – nơi họ xây dựng để trưng bày bộ sưu tập “Nins” (từ địa phương Mallorca của từ “niños”, nghĩa là trẻ em) – mang một bầu không khí hoàn toàn khác. Đó là một hồ chứa nước ngầm đã được cải tạo, yên tĩnh, mát mẻ và có ánh sáng mờ ảo. Yannick di chuyển từ bức tranh này sang bức tranh khác rất nhanh, chỉ ra giá trị và tính chất của các loại sắc tố được sử dụng, đồng thời giải thích một cách trôi chảy ý nghĩa biểu tượng của các loại trái cây, hoa và động vật trong mỗi cảnh.
“Thật phi thường,” bà lặp lại, tìm thấy điều đáng chú ý trong từng bức tranh. Yannick giải thích rằng nhiều bức tranh chân dung được tạo ra để gửi giữa các triều đình châu Âu nhằm sắp xếp các cuộc hôn nhân và thiết lập liên minh ngoại giao – những lời hứa mà thường không được thực hiện. Bà nói về các nhân vật trong tranh với một sự quen thuộc ấm áp, chỉ tay giữa các bức tranh để chỉ ra mối quan hệ gia đình. Yannick dừng lại trước bức tranh của Charles Beaubrun năm 1638, vẽ Louis XIV được quấn chặt trong vòng tay của bà vú nuôi Madam Longuet de la Giraudière, với bầu ngực phải lộ ra từ chiếc áo lụa vàng sáng của bà. Nhà vua mọc răng rất sớm, dường như là thế. “Gia đình đó đã thay đổi vú nuôi liên tục, vì họ đều bị bệnh quá nhiều,” bà nói.
Bức tranh “Cô gái với những trái anh đào”, 1843, Joan Mestre i Bosch, một phần của bộ sưu tập “Nins”. Ảnh: Tolo Balaguer/Alamy
(Xem phần 2)
Nguồn: ‘Life is short, art is long’: the couple who poured their grief into collecting child portraits
Biên dịch: Huyền Trịnh